Như tin đã đưa, China Evergrande - nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới - đã nhận được lệnh thanh lý tài sản từ tòa án Hồng Kông vào hôm thứ hai vừa qua. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tài sản của Evergrande cũng không còn gì nhiều.
Lệnh thanh lý tài sản được đưa ra hơn hai năm sau khi Evergrande khiến lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc rơi vào tình trạng suy thoái.
Cơ quan phụ trác thanh lý tài sản giờ đây sẽ nắm quyền kiểm soát tài sản của công ty và chuẩn bị bán chúng để trả khoản nợ lên tới 300 tỷ USD của công ty.
Một nhà đầu tư nước ngoài tên là Top Shine Global đã khởi kiện Evergrande vào năm 2022. Thủ tục tố tụng của họ đã bị hoãn lại nhiều lần do Evergrande tìm kiếm thêm thời gian để cơ cấu lại các khoản nợ của mình.
Vào thứ hai, Evergrande đã tiếp tục nộp đơn xin hoãn. Nhưng Thẩm phán Linda Chan cho biết Evergrande đã không thể đưa ra kế hoạch tái cơ cấu cụ thể và ra lệnh thanh lý tài sản.
Giao dịch cổ phiếu của Evergrande và các công ty con đã bị tạm dừng vào thứ hai sau tin tức về quyết định thanh lý tài sản. Giá cổ phiếu của tập đoàn này niêm yết tại Hồng Kông đã giảm 21% trước phiên tòa.
Evergrande đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận từ BI.
Lệnh tòa án vào hôm thứ hai cho thấy tình hình đã đảo ngược hoàn toàn so với thời kỳ hoàng kim của Evergrande với tư cách là nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc tính theo doanh thu năm 2016.
Evergrande đã sa lầy vào một cuộc khủng hoảng thanh khoản kể từ năm 2021. Lần đầu tiên công ty này vỡ nợ đối với một trái phiếu bằng đồng đôla ở nước ngoài vào tháng 12 năm đó. Công ty đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ vào tháng 8 và hủy bỏ kế hoạch tái cơ cấu vào tháng 10 do doanh số bán bất động sản kém hơn dự kiến.
"Tất cả đều thua"
Siu Shawn, Giám đốc điều hành của Evergrande nói với truyền thông địa phương ở Trung Quốc rằng công ty bất động sản này vẫn sẽ đảm bảo việc giao nhà ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho biết việc thanh lý tài sản của Evergrande sẽ gặp nhiều thách thức. "Đây rõ ràng là tin xấu cho các chủ nợ của Evergrande", Mat Ng, giám đốc điều hành tại Grant Thornton, một công ty dịch vụ chuyên nghiệp chuyên tái cơ cấu nói với BI.
Ng cho biết: "Với quy mô của Evergrande, việc thanh lý sẽ là một quá trình đầy thách thức và khả năng hoàn vốn cho các chủ nợ có thể sẽ thấp".
Điều đó đặc biệt xảy ra khi lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đang suy thoái trong bối cảnh nhu cầu trì trệ và giá nhà giảm - điều đó có nghĩa là bất kỳ hoạt động bán tài sản nào của Evergrande đều có thể sẽ có giá bán "rất bèo", John Bringardner, người đứng đầu Debtwire, một cơ quan dữ liệu về thu nhập cố định và cho biết.
"Tại thời điểm này, chỉ có những người thua cuộc trong sự sụp đổ của Evergrande", Bringardner nói thêm.
Vào tháng 7, Evergrande đã trích dẫn một phân tích của Deloitte ước tính tỷ lệ thu hồi nợ là 3,4% nếu công ty bị thanh lý. Các chủ nợ hiện kỳ vọng tỷ lệ thu hồi ở mức dưới 3%, theo Reuters.
Các nhà đầu tư cũng có vẻ không gặp may, đặc biệt nếu họ ở bên ngoài Trung Quốc và quá trình nhận lại được khoản đầu tư của họ có thể mất nhiều năm.
"Các bên liên quan trong nước đang bận rộn làm việc để đảm bảo người mua nhà cuối cùng sẽ nhận được căn nhà mà họ đã trả bằng cách này hay cách khác, nhưng các nhà đầu tư ở nước ngoài của công ty sẽ phải đối mặt với sự không chắc chắn và chậm trễ hơn nữa, điều này có thể sẽ tiếp tục trong nhiều năm", Daniel Margulies, một đối tác tại Dechert, một công ty luật chuyên về tái cơ cấu ở châu Á nói với BI.
Margulies cho biết, lệnh của tòa án về việc thanh lý Evergrande cũng báo hiệu rằng những vấn đề ở quy mô này ở Trung Quốc "dường như không thể được cơ cấu lại và có thể sẽ dẫn đến một số hình thức thanh lý, dù ở trong hay ngoài nước".
Chưa kể đến việc, việc thanh lý tài sản của Evergrande diễn ra khi nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với những cơn gió ngược đáng kể từ cuộc khủng hoảng tài sản, áp lực giảm phát và khủng hoảng nhân khẩu học.
Tâm lý thị trường đối với nền kinh tế Trung Quốc tệ đến mức thị trường chứng khoán nước này bị bán tháo ồ ạt vào tuần trước khi các nhà đầu tư đổ xô tìm lối thoát.
Bất chấp những rắc rối có thể xảy ra với việc thanh lý tài sản Evergrande, về lâu dài có thể sẽ có một số mặt tích cực.
Andrew Collier, giám đốc điều hành tại Orient Capital Research nói với Reuters: "Việc thanh lý tài sản của Evergrande là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẵn sàng đi đến cùng để dập tắt bong bóng bất động sản".
Ông nói thêm: "Điều này tốt cho nền kinh tế về lâu dài nhưng rất khó khăn trong ngắn hạn".
Theo: BI