Apple vốn không vội vã thâm nhập các thị trường mới. Hãng lùi lại, nhường lợi thế dẫn đầu cho đối thủ, cho đến khi tin rằng mình đã có trong tay ‘át chủ bài’.
Tuy nhiên, gần một thập kỷ là khoảng thời gian quá dài để chờ đợi một sản phẩm mới mang tính đột phá. Trong khoảng thời gian đó, Apple đã nghiên cứu và phát triển 2 thứ mà cả thế giới mong đợi: ô tô và kính hỗn hợp thực tế ảo. Mỗi sản phẩm đều đã đạt một số thành tựu nhất định.
Lần ra mắt thiết bị lớn cuối cùng của Apple diễn ra vào 9 năm trước. Trong cùng khoảng thời gian, Steve Jobs đã đưa iPod, iPhone và iPad đến với thế giới - những sản phẩm được cho là có sức ảnh hưởng chấn động toàn ngành.
Chính vì vậy, áp lực luôn đè nặng lên vai người kế nhiệm Tim Cook, rằng “điều lớn lao tiếp theo” của Apple sẽ là gì. Câu hỏi này luôn thường trực, ngay cả khi mảng kinh doanh dịch vụ sinh lời giúp cổ phiếu Apple tăng lên gấp 15 lần kể từ khi Steve Jobs qua đời vào năm 2011.
Dưới thời Tim Cook, tốc độ nghiên cứu và phát triển của Apple tăng lên đều đặn. Chi tiêu cho R&D đạt gần 8% doanh thu vào năm ngoái, tăng từ mức hơn 2% một thập kỷ trước đây và điều này phản ánh sự gia tăng chi tiêu cho các nền tảng di động hiện có.
Tích hợp AI vào các thiết bị là chiến trường mới, song như thường lệ, Apple giữ im lặng về kế hoạch của mình. Việc thực hiện dự án dài hạn cho các nền tảng điện toán mới quan trọng như kính thực tế hỗn hợp và ô tô sẽ vô cùng tốn kém.
“Họ đang sẵn sàng thực hiện một số hoạt động M&A quan trọng. Thật sốc nếu Apple không thực hiện một thỏa thuận lớn nào đó về AI trong năm nay. Đang có một cuộc chạy đua và Apple chắc chắn sẽ không đứng ngoài”, Daniel Ives tại Wedbush Securities cho biết.
Được biết hồi năm ngoái, Giám đốc điều hành Tim Cook nói với các nhà phân tích rằng Apple “đã thực hiện nghiên cứu với nhiều loại công nghệ AI”, đầu tư cũng như đổi mới “một cách có trách nhiệm”. Mục tiêu có thể là vận hành AI thông qua các thiết bị di động, cho phép các chatbot và ứng dụng AI chạy trên phần cứng và phần mềm của chiếc điện thoại thay vì dịch vụ đám mây trong trung tâm dữ liệu. Thách thức bao gồm việc giảm kích thước các mô hình ngôn ngữ lớn cũng như bộ xử lý hiệu suất cao.
Dự án xe hơi bị trì hoãn suốt nhiều năm qua là sản phẩm hấp dẫn nhất trong số các tham vọng của Apple. Tờ Bloomberg đưa tin trong tuần này rằng thời điểm ra mắt tiềm năng có thể bị đẩy lùi đến năm 2028. Hiện tại, trong bối cảnh các công ty sản xuất ô tô không người lái phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, việc một nhân vật ‘ngoại lai’ như Apple thành công sẽ càng trở nên xa vời.
Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp ô tô kỹ thuật cao là thách thức đối với mô hình kinh doanh siêu lợi nhuận của Apple. Tỷ suất lợi nhuận gộp dẫn đầu ngành đối với hoạt động ô tô của Tesla đã nhanh chóng đạt mức 30% vào năm 2021. Tuy nhiên, kể từ đó, lãi suất cao và sự cạnh tranh khốc liệt đã khiến tỷ lệ trên giảm xuống dưới 18%.
Trong khi đó, kính thực tế hỗn hợp đầu tiên của Apple, Vision Pro, sẽ được tung ra thị trường vào tuần tới. Mức giá 3.499 USD đắt đỏ được cho là sẽ khiến sản phẩm khó tiếp cận khách hàng.
Không rõ người mua sẽ sử dụng Vision Pro vào việc gì. Apple nhấn mạnh tiềm năng của nó như một công cụ làm việc, bên cạnh tính năng giải trí và xem video 3D.
Kế hoạch ra mắt Vision Pro bị nhận xét là quá sớm. Chẳng ai biết nó sẽ trở thành nền tảng điện toán mới quan trọng hay sản phẩm công nghệ độc chiếm vị trí thích hợp nào đó trong lòng fan hâm mộ Apple.
Một số nhà đầu tư và đối tác tiềm năng hiện vẫn quan ngại về khả năng người tiêu dùng chi tiền và thời gian cho metaverse. Họ lưu ý rằng công nghệ này đã khiến nhiều người vỡ mộng.
Trước đó, Meta cũng phải phải vật lộn thu hút người tiêu dùng và duy trì doanh số kính thực tế ảo. Walt Disney phải đóng cửa bộ phận phát triển chiến lược cho metaverse, trong khi Microsoft đóng băng một nền tảng thực tế ảo mua lại hồi năm 2017. Đội ngũ phát triển kính thực tế ảo cũng bị cắt giảm.
Một số kỳ vọng kính thực tế ảo của Apple sẽ thúc đẩy các sản phẩm metaverse. Họ đã dùng thử và cho biết chúng có thể vượt xa mọi đối thủ cạnh tranh trên thị trường, trong đó có Microsoft - công ty tiên phong trong lĩnh vực thực tế tăng cường song lại không thương mại hóa thành công sản phẩm HoloLens.
Dẫu vậy, theo nhiều chuyên gia, thị trường công nghệ thực tế ảo vẫn còn một chặng đường dài trước khi có thể phát huy hết tiềm năng. Thông tin nội bộ cho biết hãng đã thất bại trong việc tập hợp nhân viên hỗ trợ dự án. Một số người đã rời khỏi nhóm phát triển Apple Glass vì không tin sản phẩm sẽ đủ sức hấp dẫn khách hàng.
Để được phổ cập, kính thực tế ảo cần phải thật thoải mái, an toàn và có thiết kế đủ đẹp để mọi người không ngại đeo nơi công cộng. Ari Grobman, giám đốc điều hành của Lumus cho biết, đạt được điều đó đồng thời cung cấp tích hợp cho thiết bị bộ xử lý đủ mạnh và màn hình đủ tốt là bài toán khó vô cùng.
Trong khi đó, kính thực tế của Apple lại trông như kính trượt tuyết kém tính thẩm mĩ và chắc có lẽ người dùng chỉ dám đeo chúng ở trong nhà. Hiện tại, vẫn còn phải chờ xem liệu tính năng và độ thông minh của Vision Pro có khắc phục được yếu điểm vốn đã cản trở rất nhiều gã khổng lồ khác thành công trong công cuộc tạo ra cuộc cách mạng VR hay không.
Theo: FT, WSJ