Năm 2020 đã chính thức khép lại cũng đồng nghĩa với việc đất nước gần 100 triệu dân đã đi qua hơn 360 ngày đầy khó khăn, thử thách mà ở đó, mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi làng xã giống như những viên gạch tạo nên một bức tường vững chãi. Chống chọi với dịch bệnh, thiên tai, đương đầu với những bất lợi của tình hình quốc tế, chúng ta đã đứng vững, đã trưởng thành và có thêm nhiều bài học đắt giá. Năm 2020 đi qua, Việt Nam có mức tăng trưởng 2,91%, là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây nhưng thật tự hào, 2020 là năm thành công nhất trong 5 năm qua. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: "Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Bước vào năm 2020, cả dân tộc mang một khí thế mới, một tâm thế mới. Chúng ta chuẩn bị sẵn sàng để tiến hành đại hội đảng 3 cấp, sự kiện trọng đại nhất trong năm 2020. Không ai có thể hình dung nổi, những thách thức phi truyền thống (dịch bệnh mang tính toàn cầu) đang chờ đợi trước mắt. Ngày 23/1/2020, ca bệnh đầu tiên mắc Covid-19 được phát hiện tại thành phố Hồ Chí Minh. Kể từ đây, cả dân tộc bước vào "cuộc chiến đấu" mới, không súng đạn, không nhìn rõ kẻ thù nhưng thiệt hại mà nó gây ra thì phải mất vài năm sau mới có thể phục hồi được.
Đất nước không phải thời chiến nhưng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phải ra lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, "chống dịch như chống giặc". Hàng trăm cuộc họp liên tục từ Trung ương đến địa phương được tổ chức để ứng phó kịp thời với dịch bệnh. Hàng triệu người thuộc các lực lượng công an, quân đội, hải quan, y tế … đã được huy động, trở thành lực lượng tuyến đầu trong phòng chống dịch.
Lần đầu tiên chúng ta thực hiện giãn cách xã hội, lần đầu tiên Quốc hội họp trực tuyến, lần đầu tiên một số đại hội Đảng cấp cơ sở đã phải lùi lại… Đất nước chưa bao giờ đối mặt với một thử thách lớn như vậy. Dịch bệnh đã làm hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, giao thương, đầu tư bị gián đoạn; các hoạt động xã hội, nhất là y tế, giáo dục-đào tạo, du lịch, văn hóa,… và đời sống của nhân dân bị ảnh hưởng. Chỉ riêng ngành du lịch đã thiệt hại 23 tỷ USD, khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động. Chính phủ chủ trương chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ sức khỏe người dân.
Không chỉ dịch bệnh, năm 2020 cũng là năm mà Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiên tai khốc liệt, dị thường nhất trong hai thập niên: Bão chồng bão, hạn mặn xảy ra trên diện rộng, sạt lở quy mô lớn khiến 132 người chết và mất tích. Các tỉnh miền Trung đã hứng chịu 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long công bố tình trạng hạn mặn khẩn cấp. Chỉ tính riêng các vùng ven biển, thiệt hại đã lên đến hơn 5.500 tỷ đồng. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, đây là đợt hạn mặn nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Nhìn lại một năm đầy khó khăn, thử thách, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói rằng: Thành công không chỉ đong đếm bằng thành tựu đạt được mà chính là khả năng vượt qua khó khăn.
Trong bối cảnh mới đầy khó khăn, thách thức, Việt Nam không có cách nào khác là phải cùng nhau đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm, nâng cao năng lực, tận dụng thời cơ, chuyển hướng và tổ chức lại các hoạt động kinh tế; tìm các mô hình phát triển mới, tận dụng tốt các cơ hội thị trường, xu hướng chuyển dịch đầu tư, sản xuất trong khu vực, toàn cầu…
Năm 2020, kinh tế nước ta đạt mức tăng trưởng 2,91%, là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua. Mặc dù không hoàn thành được một số chỉ tiêu đề ra từ đầu năm, chủ yếu do nguyên nhân khách quan, nhưng năm 2020 vẫn được xem là năm thành công nhất trong 5 năm vừa qua với những kết quả, thành tích đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng. Đó là nhận định của các nhà lãnh đạo chủ chốt đất nước tại hội nghị Chính phủ với địa phương được tổ chức vào những ngày cuối cùng của năm 2020.
Việt nam được đánh giá là một trong số 10 nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất; một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong năm 2020. Nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn đã được ban hành kịp thời và tổ chức thực hiện tốt để duy trì ở mức cao các hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội.
Thành công của Việt Nam trong kiểm soát dịch bệnh và giữ được tăng trưởng dương đã giúp Việt Nam trở thành "điểm sáng" trên thế giới.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định, chỉ có rất ít nền kinh tế có mức tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch bệnh, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, Ai Cập, Bangladesh. Đây chính là những quốc gia được liệt vào dạng "ngoại lệ" trong bối cảnh dịch bệnh.
Tạp chí Nikkei Asia - The Voice Of The Asian Century, Tạp chí Kinh tế bằng tiếng Anh của Nhật Bản cho rằng, Việt Nam là 1 trong 6 nước ghi nhận tăng trưởng kinh tế thực sự trong năm 2020 nhờ thành công nhanh chóng trong việc kiềm chế đại dịch COVID-19.
"Is Vietnam the Next Asian Miracle?" - Liệu Việt Nam có phải điều thần kỳ mới của châu Á? Với bài viết này, ngay trong thời điểm dịch COVID-19 vẫn đang bùng nổ trên toàn cầu – New York Times nhận định, việc kiềm chế đại dịch cho phép Việt Nam nhanh chóng mở cửa lại các doanh nghiệp và được dự báo là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm 2020.
Ngay cả trong những năm 2010, khi thương mại toàn cầu sụt giảm, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng 16%/năm. Đây là tốc độ tăng nhanh nhất trên thế giới tính đến hiện nay. Tạp chí Forbes cũng cho rằng, COVID-19 có thể gây nhiễu loạn thế giới, nhưng Việt Nam có đầy đủ các yếu tố cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh, ổn định nền kinh tế, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong những ngày cuối tháng 12/2020, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục hoàn toàn trong năm 2021.
Lý giải cội nguồn sức mạnh để Việt Nam đi qua những khó khăn, thử thách của năm 2020, đứng vững và khẳng định vị thế, có hai nguyên nhân cơ bản được nhắc đến.
Trước hết, đó là tính ưu việt của hệ thống chính trị nước ta. Chị Khanh Nguyễn Nye- một kiều bào đang sinh sống tại Mỹ nhận xét: Hệ thống chính trị của Việt Nam rất phù hợp trong việc đối phó với những tình huống khẩn cấp, với những vấn đề diễn ra trên bình diện rộng. Việc phân cấp các đơn vị hành chính theo chiều dọc từ trung ương đến tỉnh thành phố, huyện, thị trấn, xã, phường và mỗi xã/phường lại có khu phố, tổ dân phố khiến cho việc rà soát, phát hiện, cách ly, phong tỏa, truy tìm các nguồn tiếp xúc, đảm bảo người dân tuân thủ "giãn cách xã hội"…vv… được thực hiện kịp thời và khá quy củ. Trong khi ở nhiều quốc gia, làm được điều này là vô cùng khó.
Thứ hai, chúng ta đã chủ động đề ra những chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn, khả thi, phù hợp với thực tế tình hình và thực lực của đất nước với tinh thần: "Chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt nhất sức khoẻ, tính mạng của người dân"; "chống dịch như chống giặc"...
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) đánh giá: Năm 2020, Chính Phủ đã ghi được rất nhiều điểm tốt trong lòng người dân cả nước; điểm tốt về sự nỗ lực, quyết liệt, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành, điểm tốt về sự đồng hành, chia sẻ, cứu trợ người dân trong phòng chống đại dịch, thiên tai.
Từ chủ trương của Đảng, Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ đã lan tỏa tinh thần mạnh mẽ, khơi dậy trong dân sức mạnh nội tại, khả năng chống chịu, đồng sức đồng lòng, ứng biến vững vàng trước những tác động tiêu cực.
"Thành quả lớn nhất mà Chính phủ đã đạt được là chỉ số về niềm tin của nhân dân, là sự đoàn kết, tương thân tương ái "người trong một nước phải thương nhau cùng" của tình đồng bào, đồng chí" – nữ đại biểu đoàn Phú Yên nhấn mạnh và dẫn hình ảnh các y, bác sĩ, những người lính, chiến sĩ và cả người dân không ruột rà máu mủ nhưng chẳng ngại gian nguy, lao mình vào điểm nóng như một nghĩa vụ cao đẹp đã thật sự ghi dấu ấn vô cùng đặc biệt về lòng yêu nước, tình quân dân, về sự trung hiếu với Tổ quốc trong thời bình hôm nay.
Với Giáo sư sử học Vũ Dương Ninh thì cội nguồn sức mạnh để Việt Nam đi qua những khó khăn, thử thách đó chính là truyền thống yêu nước, truyền thống đoàn kết. Phẩm chất này có được là do Việt Nam đã từng có nhiều thập kỷ chiến tranh, toàn dân ai cũng thấu hiểu một điều là phải đoàn kết thì mới có sức mạnh.
"Ngay từ giai đoạn đầu, lời hiệu triệu của Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước và tiếp đó là lời kêu gọi của Chính phủ "chống dịch như chống giặc"- câu khẩu hiệu đơn giản này nhưng lại thức tỉnh tinh thần, quyết tâm chiến đấu của dân tộc ta khi đã qua bao cuộc chiến và chiến thắng trước giặc xâm lược. Do vậy, tinh thần "chống dịch như chống giặc" đã đoàn kết tất cả lực lượng và tập trung tất cả phương tiện, đặc biệt là ý chí và tình đoàn kết đã tạo nên sức mạnh, giúp chúng ta và hạn chế ở mức thấp nhất ảnh hưởng của đại dịch. Tôi cho rằng, đây là thành tích lớn trước thách thức lớn của đất nước trong năm 2020 vừa qua"- Giáo sư sử học Vũ Dương Ninh chia sẻ.
Đi qua những thử thách, chông gai, chúng ta đã bền bỉ trụ vững. Dù phía trước còn rất nhiều trở ngại nhưng mỗi người dân Việt Nam đều hiểu rằng, đất nước này, dân tộc này đã đứng vững trong lịch sử, đã đánh thắng nhiều kẻ thù xâm lược thì dân tộc ấy nhất định sẽ không chùn bước trước bất cứ thử thách nào. Càng rèn luyện qua khó khăn, dân tộc ấy sẽ càng trưởng thành, vững hơn, mạnh hơn ./.
PV
VOV
Xem thêm: nhc.10263133110101202-noh-hnam-noh-gnuv-coun-tad-ed-iag-gnohc-hcaht-uht-auq-id/nv.zibefac