Đơn hàng dài hạn trở lại, doanh nghiệp hy vọng khởi sắc trong 2021
Lê Hoàng
(TBKTSG Online) - Dù các thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong nước đang có dấu hiệu khả quan hơn so năm trước, lượng đơn đặt hàng đang quay trở lại ngày một nhiều hơn.
Công nhân làm việc tại May Sài Gòn 3. Ảnh: website DN |
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, cho biết lượng đơn đặt hàng của các nhà nhập khẩu đối với công ty hiện đã đủ cho hoạt động sản xuất đến hết quí 1-2021. Theo đó, khoảng 3.000 người lao động của May Sài Gòn 3 trong quí đầu của năm 2021 sẽ làm việc xuyên suốt để đảm bảo nguồn hàng xuất sang các thị trường Nhật Bản, Mỹ và châu Âu lâu nay của công ty.
Không riêng tại May Sài Gòn 3, theo ông Phạm Xuân Hồng, trong vai trò Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TPHCM, nhiều doanh nghiệp may mặc của hội cũng có đơn hàng thực hiện đến hết quí 1, thậm chí có một số doanh nghiệp có đơn hàng để thực hiện cho đến quí 2.
Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng nặng nề ở những thị trường xuất khẩu chính của ngành may mặc Việt Nam như Mỹ, châu Âu,...
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến đồ gỗ cũng cho biết đang có nhiều tín hiệu tốt về đơn đặt hàng của các nhà nhập khẩu.
Ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Hàng Việt (Viet Products), chủ hệ thống cửa hàng đồ gỗ Furnist, cho biết công ty ông đã có những đơn hàng để thực hiện đến tháng 5 tới. Ông Sang chia sẻ những nhà nhập khẩu ở thị trường Mỹ và các nước châu Âu đã tăng đơn hàng nhập khẩu trở lại dù đại dịch vẫn đang ảnh hưởng năng nề dẫn đến sức mua của các thị trường này bị suy giảm.
Tính hình này cũng tương tự với nhiều doanh nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu khác ở TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai... Đơn hàng tăng cao trở lại khiến không ít doanh nghiệp đồ gỗ đang thiếu nhân công do người lao động về quê, nghỉ việc khi bị ảnh hưởng dịch cao điểm vào năm ngoái và bị ảnh hưởng bởi “sức hút” tuyển dụng nhiều của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc các lĩnh vực khác như điện tử.
Nhiều kỳ vọng tăng trưởng kinh tế năm 2021. Ảnh minh họa: Hùng Lê |
Trên thực tế tình hình có đơn hàng tăng cao trở lại của nhiều doanh nghiệp từ quí IV năm ngoái. Dịch Covid-19 được kiểm soát tốt ở trong nước, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA) được thực thi nên sản xuất công nghiệp trong quí IV/2020 có sự khởi sắc với tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 4,8% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Thống kê, báo cáo về kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dự kiến trong quí I/2021 so với quí IV/2020 cho thấy có 42,8% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 38,2% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định, trong khi chỉ có 19% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
Kỳ vọng bức tranh sáng kinh tế 2021
Đáng chú ý, nhiều tổ chức quốc tế, công ty nghiên cứu đưa ra dự báo khả quan về kinh tế Việt Nam sắp tới. IHS Markit trong tuần vừa công bố chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam tăng từ 49,9 điểm của tháng 11 lên 51,7 trong tháng 12 và đạt mức ngang bằng với tháng 10.
Số lượng đơn đặt hàng mới là yếu tố chính dẫn đến tăng sản lượng và dữ liệu cho thấy lượng đơn đặt hàng mới đã tăng liên tiếp suốt 4 tháng vừa qua.
Theo đại diện của IHS Markit, kết quả PMI trung bình trong quí 4-2020 là cao nhất trong năm 2020, cho thấy động lực tăng đang hình thành khi bước vào năm 2021. Các công ty tin tưởng về triển vọng năm tới với hy vọng nhu cầu xuất khẩu sẽ hồi phục khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát trên toàn cầu.
Trong khi đó, các chuyên gia nghiên cứu vĩ mô của Công ty chứng khoán SSI cũng có báo cáo “Sơ lược về triển vọng vĩ mô và thị trường Việt Nam năm 2021: Vượt qua bão giông” và đưa ra dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 có thể ổn định khoảng 6,5% so với năm trước.
Đáng chú ý, Fitch Solutions cũng vừa nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 lên 8,6% từ mức 8,2% trong báo cáo trước đó.
Trong báo cáo mới nhất của mình, Fitch Solutions cho biết, Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế 2,91% trong năm 2020 và vượt dự báo 2,6% của Fitch Solutions. Điều này là nhờ có việc ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát của Covid-19 trong nước và xuất khẩu tăng mạnh sau Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA).
Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ vẫn đang có hợp đồng làm trong thời gian dài. |
Với vaccine đang được chuẩn bị triển khai trên toàn cầu, Fitch Solutions kỳ vọng năm 2021 sẽ là một năm phục hồi kinh tế trên toàn thế giới. Điều đó sẽ giúp tăng cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Fitch Solutions kỳ vọng đà tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất sẽ kéo dài trong năm 2021, nhờ có tác động tích cực của các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, UKVFTA và RCEP. Fitch Solutions cho biết thêm: "Trong bối cảnh Việt Nam là nước hưởng lợi lớn từ xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc trong vài năm qua, chúng tôi nhận thấy khả năng tăng xuất khẩu Việt Nam rất lớn trong những năm tới".
Kết thúc năm 2020, theo Bộ Công Thương, Việt Nam đã xuất khẩu được 281,5 tỉ đô la, tăng 6,5% so với năm 2019 và là một trong những nền kinh tế có tốc độ xuất khẩu cao nhất trên thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19, xuất siêu ở mức cao kỷ lục 19,1 tỉ đô la, qua đó ghi nhận 5 năm liên tiếp thặng dư cán cân thương mại.
Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2021 tăng 6,5%, ngành công thương đã đặt ra mục tiêu: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 8% và tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4-5% so với năm 2020, trong đó cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu.
Xem thêm: lmth.1202-gnort-cas-iohk-gnov-yh-peihgn-hnaod-ial-ort-nah-iad-gnah-nod/744213/nv.semitnogiaseht.www