Thu thuế kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số: Vấn đề pháp lý hay vấn đề công nghệ?
LS. Trương Thị Hiền - Nguyễn Tấn Phát (*)
(TBKTSG) - Facebook, Google cung cấp dịch vụ quảng cáo, Netflix cung cấp dịch vụ truyền hình tại Việt Nam, các doanh nghiệp này có phải đóng thuế tại Việt Nam không? Câu trả lời là có. Vấn đề là các công ty này có trốn thuế hay không, và nếu có, tại sao cho đến nay các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam chưa xử phạt hành vi trốn thuế này?
Trong kỳ này, bài viết sẽ tập trung phân tích vấn đề nước ngoài cung cấp dịch vụ dựa trên nền tảng kỹ thuật số tại Việt Nam - hợp pháp hay không hợp pháp?
Cơ sở pháp lý của việc cung cấp dịch vụ qua biên giới
Pháp luật điều chỉnh về vấn đề này của Việt Nam còn khá sơ sài; chỉ có các cam kết về các lĩnh vực dịch vụ mà các tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép thực hiện tại Việt Nam, được ghi nhận tại Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (cam kết WTO).
Theo đó, Việt Nam cam kết cho phép các nhà đầu tư nước ngoài từ các quốc gia thành viên của WTO được cung cấp một số loại dịch vụ tại Việt Nam theo phương thức cung cấp qua biên giới. Bằng cách liệt kê sơ bộ một số dịch vụ phù hợp để cung cấp qua biên giới dựa trên nền tảng kỹ thuật số tương đối phổ biến và đối chiếu với cam kết WTO, có kết quả sau đây (xem bảng).
Như vậy, có thể thấy việc Facebook, Google cung cấp dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam, các gian hàng trên sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước bán hàng tiêu dùng, phần mềm cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở pháp lý.
Điều kiện, thủ tục để các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ qua biên giới
Pháp luật Việt Nam hoàn toàn chưa có quy định về điều kiện, thủ tục mà các tổ chức, cá nhân nước ngoài phải tuân thủ khi cung cấp dịch vụ qua biên giới, trừ vấn đề yêu cầu đăng ký, kê khai và nộp thuế cho các khoản thu nhập từ việc cung cấp dịch vụ này theo Thông tư 103/2014/TT-BTC.
Trên thực tế, các tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ tiến hành cung cấp dịch vụ theo thỏa thuận với các tổ chức, cá nhân Việt Nam mà không thông báo, đăng ký với bất kỳ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nào. Và cho đến nay, cũng chưa thấy có bất kỳ trường hợp nào mà cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam có ý kiến phản đối hay yêu cầu các tổ chức, cá nhân nước ngoài phải thực hiện bất kỳ quy trình thủ tục nào để được cung cấp dịch vụ qua biên giới vào Việt Nam.
Như vậy, đối với các dịch vụ không hạn chế cung cấp qua biên giới theo cam kết WTO, các tổ chức, cá nhân nước ngoài có thể thực hiện mà không cần quan tâm đến việc có phải xin phép tại Việt Nam?
Vậy còn các dịch vụ có liệt kê trong Cam kết WTO nhưng chưa được cam kết hoặc không có trong Cam kết WTO, ví dụ như Netflix cung cấp dịch vụ truyền hình tại Việt Nam,... thì sao?
Bất kỳ lệnh cấm hay biện pháp xử lý nào khi chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng đều có thể gây ra những hậu quả pháp lý không hay. Vấn đề mà Việt Nam có thể can thiệp là đánh thuế vào doanh thu từ các hoạt động này. |
Về phía các tổ chức, cá nhân nước ngoài, hoàn toàn không có quy định nào về việc các đối tượng này phải làm gì, với cơ quan quản lý nhà nước nào để được phê duyệt/chấp thuận cung cấp các dịch vụ qua biên giới vào Việt Nam.
Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, nếu được các tổ chức, cá nhân nước ngoài yêu cầu thì lại chưa có đủ cơ sở pháp lý để hướng dẫn quy trình thực hiện, cũng như không có cơ sở để xác định các tổ chức, cá nhân nước ngoài có được phép hay bị cấm cung cấp các dịch vụ không cam kết qua biên giới hay không.
Như vậy, với các trường hợp như Netflix hay Spotify, sẽ không có cơ sở để xác định việc cung cấp dịch vụ tại Việt Nam của các tổ chức này có hợp pháp hay không. Và tương ứng với vấn đề này, Việt Nam cũng chưa có cơ sở pháp lý để xử phạt các tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi cung cấp dịch vụ qua biên giới trong trường hợp các dịch vụ này chưa được cam kết theo cam kết WTO hoặc không có trong cam kết WTO.
Thách thức dành cho các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam
Một số bài viết gần đây có đề cập đến việc một số nhà cung cấp dịch vụ truyền hình của Việt Nam đã đề nghị cấm Netflix cung cấp dịch vụ truyền hình tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện chưa thấy có bài viết nào phân tích cơ sở pháp lý cho đề nghị này. Như vậy, nếu một tổ chức hoặc cá nhân Việt Nam, vì một số lý do nào đó, muốn đề nghị cơ quan quản lý nhà nước cấm các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ chưa cam kết qua biên giới vào Việt Nam thì lại phát sinh các vấn đề sau:
- Tổ chức, cá nhân Việt Nam đó không biết phải làm việc với cơ quan quản lý nhà nước nào;
- Nếu một cơ quan quản lý nhà nước bất kỳ nhận được yêu cầu thì cơ quan đó không có đủ cơ sở pháp lý để biết mình có thẩm quyền ra quyết định cấm hay không; và
- Một cơ quan quản lý nhà nước nhận được yêu cầu, nếu được trao quyền, cũng chưa có cơ sở pháp lý để ra quyết định cấm vì việc cung cấp dịch vụ chưa cam kết qua biên giới không phải là hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Vấn đề tương tự cũng sẽ phát sinh khi có bất kỳ tổ chức, cá nhân Việt Nam nào đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu các tổ chức, cá nhân nước ngoài phải tuân thủ các quy trình, điều kiện... trước khi cung cấp dịch vụ qua biên giới vào Việt Nam, hoặc khi có bất kỳ tổ chức, cá nhân nước ngoài nào yêu cầu được hướng dẫn chi tiết.
Với các nội dung được phân tích nêu trên, cho đến khi Việt Nam có quy định cụ thể, ngay cả với các dịch vụ không có trong cam kết WTO, cũng chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý để cấm các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp các dịch vụ này tại Việt Nam theo phương thức cung cấp qua biên giới hay yêu cầu các tổ chức, cá nhân nước ngoài này phải cung cấp dịch vụ thông qua sự hiện diện thương mại tại Việt Nam.
Tương tự như vậy là việc xử phạt các tổ chức, cá nhân nước ngoài khi họ cung cấp các dịch vụ qua biên giới chưa cam kết hoặc không có trong cam kết WTO. Và bất kỳ lệnh cấm hay biện pháp xử lý nào khi chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng đều có thể gây ra những hậu quả pháp lý không hay. Vấn đề mà Việt Nam có thể can thiệp là đánh thuế vào doanh thu từ các hoạt động này. Vậy hiện nay, vấn đề thu thuế đối với doanh thu từ các hoạt động này được quy định và thực hiện như thế nào?
(*) Công ty Luật Phuoc & Partners