- Thanh tra Chính phủ chỉ rõ sai phạm “biến” đất công thành đất tư
- Cần chú ý thanh tra lĩnh vực nhạy cảm, nhiều dư luận xấu
- Thanh tra toàn diện công ty để rác thải tồn đọng tại cửa ngõ Thủ đô
- Đổi mới phương pháp thanh tra phù hợp với thực tiễn hoạt động của lực lượng CAND
Nội dung đáng chú ý này được đề cập trong báo cáo UBND TP Hồ Chí Minh vừa gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020.
Trong năm 2020, ngành Thanh tra thành phố đã thực hiện 225 cuộc thanh tra hành chính, trong đó có 71 cuộc thanh tra năm 2019 chuyển sang và 154 cuộc thanh tra triển khai mới tại 509 đơn vị.
Qua đó, ngành Thanh tra phát hiện 180 đơn vị có sai phạm, phát hiện vi phạm về tiền là 6.977 tỷ đồng, hơn 645 ha đất và 23 căn nhà; kiến nghị thu hồi 117 tỷ đồng, hơn 7,5 ha đất; kiến nghị xử lý khác 6.860 tỷ đồng, hơn 637 ha đất và 23 căn nhà… Trong đó, chỉ riêng lĩnh vực quản lý, thực hiện dự án đầu tư xây dựng qua thanh tra phát hiện vi phạm về tiền là hơn 164 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi hơn 100 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác là hơn 64 tỷ đồng…
Thanh tra chuyển cơ quan điều tra sai phạm tại Cảng Phú Định, quận 8. |
Thanh tra các sở, ngành cũng thực hiện 9.934 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện nhiều đơn vị có thiếu sót, sai phạm trên các lĩnh vực như: Vệ sinh an toàn thực phẩm, Giao thông vận tải, Văn hóa - thể thao, Du lịch, Y tế, Công thương, Xây dựng, Giáo dục… Kết quả phát hiện vi phạm về tiền hơn 6,4 tỷ đồng, đã ban hành 10.714 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt hơn 79,8 tỷ đồng; các tổ chức, cá nhân đã nộp hơn 66,7 tỷ đồng.
Thanh tra thành phố đã tổ chức theo dõi, đôn đốc, kiểm tra 267 kết luận thanh tra, kiểm tra; đã thu hồi hơn 63 tỷ đồng, đã xử lý kỷ luật hành chính 93 tổ chức và 356 cá nhân.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, năm 2020 ngành Thanh tra thành phố qua thanh tra đã phát hiện nhiều đơn vị sai phạm nghiêm trọng nên đã kiến nghị chuyển cơ quan điều tra thụ lý hồ sơ. Cụ thể là đã chuyển cơ quan điều tra 13 vụ và kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 1 vụ.
Điển hình như vụ: Thanh tra toàn diện hoạt động của Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí Sài Gòn; thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai về góp vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nuớc đối với mặt bằng tại nhà, đất số 14, đường Phú Châu phường Tam Phú, quận Thủ Đức; thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật tại Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op); dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Phong Phú tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh; dự án Cảng Phú Định tại Công ty TNHH Một thành viên Cảng sông TP Hồ Chí Minh (nay là Công ty cổ phần Cảng Phú Định)…
Đặc biệt, Thanh tra thành phố đã cung cấp tài liệu 6 vụ việc cho Cục An ninh Kinh tế, Bộ Công an, như vụ tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp Sài Gòn.
Ngoài ra, Thanh tra thành phố cũng chuyển cơ quan điều tra về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại Tổng Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp - In - bao bì Liksin.
Đáng nói, TP Hồ Chí Minh tiếp tục thúc đẩy tiến độ giải quyết các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các vấn đề trọng tâm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ đối với 9 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài trên địa bàn thành phố. Đồng thời, triển khai được một số nội dung trọng tâm mà người khiếu nại, tố cáo quan tâm (tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, Dự án xây dựng Thảo Cầm Viên mới, Dự án khu công nghệ cao), nhất là việc tổ chức đối thoại với người dân.