Xuất khẩu trái cây cũng giảm đơn hàng vì 'sốc' cước vận tải
Nam Bình
(TBKTSG Online) - Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trái cây của Việt Nam đã phải giảm đơn hàng ngay trong mùa cao điểm xuất khẩu vì không kham nổi giá cước vận tải bằng đường biển lẫn đường hàng không tăng cao. Một số doanh nghiệp tìm cách quay sang đường bộ nhưng phương án này cũng không khả thi.
Thời điểm này mọi năm, các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây thường có rất nhiều đơn hàng xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Mỹ, Úc, các nước thuộc EU… để phục vụ người tiêu dùng quốc tế cũng như các cộng đồng cư dân châu Á ăn tết truyền thống.
Năm nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trái cây cho biết lượng trái cây xuất khẩu đang giảm mạnh một phần do ảnh hưởng của Covid-19 khiến việc thông quan hàng hóa diễn ra chậm hơn, nhưng giá cước vận chuyển cả bằng tàu biển và hàng không đều tăng mạnh và tình trạng thiếu container rỗng đã khiến doanh nghiệp không thể xuất hàng đi.
Bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Chánh Thu (tỉnh Bến Tre), cho biết, giá vận chuyển trái cây bằng đường hàng không đi Mỹ chỉ ở mức 3 - 3,2 đô la/kg nay đã tăng gấp đôi, lên mức 5,9 - 6,2 đô la/kg. Mức giá này cũng cao gấp đôi so với giá bán ra của một số loại trái cây tại Mỹ như thanh long (ở mức chỉ khoảng 3 đô la/kg).
Đóng gói thanh long xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Long An. Ảnh: Nam Bình. |
Vì mức giá vận chuyển tăng quá cao, một số loại trái cây Việt Nam của Chánh Thu được xuất khẩu chủ yếu qua đường hàng không, như xoài, măng cụt, nhãn… hiện cũng đã giảm gần 70% so với năm trước. Theo bà Vy, phần lớn trái cây Việt Nam đang xuất khẩu ở dạng quả tươi nên khi đã thu hái mà không có container rỗng để đưa đến khách hàng ngay sẽ làm giảm chất lượng quả rất nhiều.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T, cũng cho biết cước vận chuyển đường biển đi Mỹ trước đây khoảng 1.600 đô la mỗi container 40 feet thì nay đã tăng lên mức 4.400 đô la Mỹ. Cước vận chuyển tăng khiến giá bán cũng phải tăng theo, làm giảm khả năng cạnh tranh trên của trái cây Việt Nam thị trường quốc tế.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, nhận định, việc giá cước tàu biển và cước vận chuyển bằng đường hàng không tăng cao, thời gian chờ đợi lâu hơn… đã khiến hoạt động xuất khẩu trái cây càng khó khăn hơn so với các ngành hàng khác. Nguyên nhân, đây là mặt hàng xuất khẩu tươi, cần được vận chuyển nhanh đến nơi tiêu thụ hơn so với các mặt hàng khô như da giày hay thời trang, điện tử…
“Nhiều doanh nghiệp phản ánh, họ đã thỏa thuận được với phía doanh nghiệp vận chuyển về giá cả đơn hàng, thời gian xuất khẩu… nên tiến hành thu hái trái cây và thực hiện các công đoạn sơ chế, xử lý vi sinh vật trước khi xuất khẩu… Tuy nhiên, đến gần ngày đi thì phía cảng báo lại container về chưa kịp, chưa thể đưa hàng đi. Mà trái cây không thể đợi quá lâu trong kho được, sẽ ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm”, ông Nguyên nói.
Chuyên gia của Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) đang kiểm tra mặt hàng thanh long tươi Việt Nam trước khi xuất khẩu vào Mỹ. Ảnh: Nam Bình. |
Cũng theo ông Nguyên, vì giá cước tàu biển tăng cao nên trước đây, có thời điểm xuất khẩu trái cây qua Thái Lan tăng cao, một số doanh nghiệp chọn cách đưa hàng đi bằng đường bộ theo hướng qua Campuchia rồi sang Thái Lan. Tuy nhiên hiện nay, các doanh nghiệp không còn theo đi theo hướng này nữa do gặp nhiều vấn đề liên quan đến quản lý đường bộ của nước bạn. Còn ở tuyến xuất khẩu sang Trung Quốc, nếu đưa hàng vào đến Bắc Kinh hoàn toàn bằng đường bộ, chi phí sẽ rất cao, doanh nghiệp cũng không kham nổi.
“Một số doanh nghiệp đang tính tới phương án sẽ đưa hàng hóa ra các tỉnh phía Bắc rồi chuyển sang vận chuyển bằng đường tàu lửa để vào Trung Quốc. Như vậy, cước phí sẽ giảm hơn nhưng cũng kéo dài thời gian vận chuyển, phần nào ảnh hưởng tới chất lượng trái cây”, ông Nguyên cho biết.
Xem thêm: lmth.-iat-nav-couc-cos-iv-gnah-nod-maig-gnuc-yac-iart-uahk-taux/786213/nv.semitnogiaseht.www