Tổng thống Donald Trump bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức ở TP Osaka, Nhật ngày 29-6-2019. Cây bút bình luận nổi tiếng của báo New York Times - nhà văn Thomas L. Friedman từng viết: “Ông Trump có thể không phải là tổng thống mà dân Mỹ đáng có, nhưng chắc chắn là tổng thống Mỹ mà Trung Quốc đáng gặp” - Ảnh: REUTERS
Với màn diễn cuối điên cuồng này, nhữnggã hề chính trị chống Trung Quốc đó sẽ sớm thấy khán giả đòi đuổi đi. Cuối cùng thì chúng sẽ bị rơi vào quên lãng, bất kể đã diễn trò hề chính trị
Tân Hoa xã chỉ trích nặng nề sau khi Bắc Kinh bị giáng thêm các đòn trừng phạt
Có lẽ vì thế cũng không lạ khi trong những ngày cuối cùng ở Nhà Trắng, chính quyền ông Trump liên tiếp ra đòn nhắm vào đối thủ Trung Quốc - nơi mà ông Trump cho là "nguồn gốc làm phát sinh dịch bệnh", dù Bắc Kinh nhiều lần cực lực phản đối.
Một ngày hai loạt tấn công
Trong một tuyên bố vào ngày 15-1, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ - ông Robert O’Brien - cáo buộc Trung Quốc nhắm mục tiêu tới các hệ thống thông tin của Chính phủ Mỹ để tiếp cận các hồ sơ cá nhân, chiến lược quân sự và những thông tin dữ liệu khác thông qua mạng và các phương tiện khác.
"Vì lý do trên, Mỹ buộc phải có những hành động tương ứng để bảo vệ lợi ích quốc gia. Chúng ta phải điều chỉnh các quy định và chính sách, đồng thời thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm giảm rủi ro từ hoạt động gián điệp kỹ thuật và con người của Trung Quốc nhắm vào chính quyền liên bang Mỹ" - ông O’Brien nhấn mạnh khi đề cập về vấn đề Trung Quốc.
Theo Hãng tin Reuters, vị cố vấn an ninh còn cho biết đích thân Tổng thống Donald Trump đã chỉ đạo các cơ quan chính quyền nhanh chóng tiến hành đánh giá tình hình để "hạn chế tối đa việc Mỹ mua hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc".
Dù vậy, ông O’Brien không đề cập kỹ chi tiết về vấn đề này. Tuy nhiên, theo nguồn tin thân cận từ một quan chức chính quyền cấp cao của Mỹ, mục đích chính của việc này là nhằm đẩy lùi các nỗ lực của Trung Quốc trong việc xâm nhập mạng lưới công nghệ thông tin của Mỹ để lấy dữ liệu mật.
"Bất kỳ điều gì liên quan đến doanh nghiệp Trung Quốc cung cấp linh kiện cho mạng lưới công nghệ của Mỹ đều có thể trở thành một điểm yếu và một lỗ hổng bảo mật. Từ đó, hoạt động gián điệp của Trung Quốc sẽ sử dụng những dữ liệu trên để tiếp tục duy trì chiến lược tổng hợp quân - dân sự", nguồn tin cho biết.
Cùng ngày hôm đó, Washington ban bố lệnh trừng phạt đối với sáu quan chức thuộc khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), theo đó hạn chế mọi hoạt động giao dịch liên quan tới Mỹ của những nhân vật này.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cùng ngày cũng thông báo các biện pháp trừng phạt mới đối với một công ty thép của Trung Quốc và một công ty sản xuất vật liệu xây dựng có trụ sở tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) về việc hợp tác với Công ty Iran Shipping Lines của Iran - doanh nghiệp hiện đã nằm trong danh sách chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.
"Chúng tôi sẵn sàng sử dụng tất cả biện pháp cần thiết để buộc những người có liên quan chịu trách nhiệm về hành vi của họ" - ông Pompeo nhấn mạnh.
Rồi hôm 14-1, chính quyền Trump lại bổ sung một số công ty, bao gồm hãng sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi và nhà sản xuất máy bay quốc doanh Comac (Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc) vào danh sách đen các công ty có "liên hệ với quân đội Trung Quốc".
Căng thẳng leo thang
Động thái này của chính quyền ông Trump được đưa ra chỉ vài ngày trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ tổng thống và chuyển giao quyền lực cho tổng thống đắc cử của Đảng Dân chủ - ông Joe Biden. Đây được đánh giá là một trong những cú đòn mới nhất của chính quyền ông Trump trong nỗ lực nhằm vào Trung Quốc trước khi rời nhiệm sở.
Có thể nói, trong 4 năm cầm quyền, ông Trump đã theo đuổi chính sách tiếp cận cứng rắn đối với Trung Quốc trong hàng loạt vấn đề từ thương mại, công nghệ, gián điệp cho đến điều tra nguồn gốc của đại dịch COVID-19. Những động thái cũng như chính sách đã khiến quan hệ song phương Mỹ - Trung Quốc xuống mức thấp kỷ lục trong nhiều thập niên.
Động thái liên tiếp nêu trên đã khiến Hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc bình luận: "Giai đoạn điên cuồng chống Trung Quốc như thế này là bằng chứng rõ ràng cho thấy các chính trị gia chuyên đi đốt nhà, gồm cả Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, của chính quyền đương nhiệm, hoạt động 24/24h để đánh Trung Quốc và làm suy giảm quan hệ Trung - Mỹ càng nhiều càng tốt".
Phía Trung Quốc không ngại đáp trả lại chính quyền ông Trump vào thời điểm này với ghi nhận: "Trong 4 năm qua, dường như chính quyền này chỉ đánh giá thành công của chính sách ngoại giao của mình thông qua việc tấn công được Trung Quốc. Kể cả khi những ngày cầm quyền cuối cùng sắp đến, nỗi thất vọng của chính quyền ấy được thể hiện bằng sự quấy rối Trung Quốc càng trở nên chưa từng có".
TTO - Phó tổng thống Mike Pence thúc giục chính quyền ông Biden 'đứng lên chống lại sự hung hăng của Trung Quốc' khi ông cho rằng Bắc Kinh đang quyết tâm bành trướng ảnh hưởng ra khắp châu Á - Thái Bình Dương.