Theo Nghị định 65/2018NĐ-CP, đến 31.12.2022 các doanh nghiệp đường sắt phải thay thế khoảng 60 đầu máy, gần 1.000 toa xe hàng và 500 toa xe khách. Như vậy ngành đường sắt phải huy động khoảng 6.822,8 tỉ đồng để đầu tư mới các phương tiện phải loại bỏ.
Khó chồng khó
Theo quy định tại Nghị định 65/2018NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1.7.2018, các doanh nghiệp vận tải đường sắt phải thay thế các phương tiện hết niên hạn sử dụng.
Đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, nếu theo lộ trình thực hiện, từ ngày 1.1.2021, phải dừng vận dụng 43 đầu máy. Cùng với đó, các doanh nghiệp vận tải cũng sẽ phải dừng vận dụng hàng trăm toa xe khách, toa xe hàng. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến công tác chạy tàu, kinh doanh vận tải.
Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội - bà Phùng Thị Lý Hà, chất lượng hạ tầng hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của vận tải. Vì thế, nếu đóng mới thay thế rất khó thu hồi vốn chứ chưa nói là có lãi, nhưng không đầu tư thì không có toa xe để chạy tàu, nhất là vào các dịp cao điểm như hè, Tết.
Cùng quan điểm của bà Hà, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn - ông Đào Anh Tuấn cũng cho biết, nếu không được phép kéo dài lộ trình thực hiện niên hạn, đơn vị sẽ thiếu trầm trọng toa xe để phục vụ kinh doanh vận tải. Theo ông Tuấn, tính đến hết 31.12..2020, công ty phải dừng khai thác khoảng 60 toa xe khách (khoảng 4 đoàn tàu), gây nhiều khó khăn trong tổ chức quay vòng toa xe, lập tàu. Cùng với đó, đơn vị cũng phải dừng trên 100 toa hàng, trong khi đó chưa có nguồn vốn để đầu tư đóng mới thay thế.
Chưa có nguồn vốn đầu tư
Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, từ ngày 1.1.2021 sẽ có 54 đầu máy và 705 toa xe phải dừng hoạt động do hết niên hạn sử dụng theo quy định của Luật Đường sắt 2007 và Nghị định 65/2018. Tiếp đó, từ ngày 1.1.2022 sẽ có thêm 24 đầu máy và 44 toa xe hết niên hạn sử dụng. Các phương tiện hết niên hạn sử dụng sẽ bị dừng tiếp nhận kiểm định và cấp chứng nhận đăng kiểm đồng nghĩa với việc các phương tiện sẽ không được phép hoạt động hoạt động.
Đại diện Tổng công ty ĐSVN cho biết, để thay thế chất số lượng đầu máy toa xe nói trên hiện rất khó khăn cho ngành đường sắt, trong khi đó chất lượng của tất cả các loại đầu máy hiện nay vẫn ổn định, đảm bảo kéo tàu an toàn theo đúng tốc độ thiết kế của nhà chế tạo. Một số đầu máy đã được nâng cấp cải tạo thay động cơ diesel và mới sửa chữa đại tu xong.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt - ông Trần Thiện Cảnh - cho hay, việc đường sắt sẽ phải thải ra hàng trăm toa xe quá niên hạn từ 1.1.2021 và một số đầu máy khi vốn đầu tư phát triển chưa thể bù lấp được khoản thiếu hụt này. Trong khi đang rất thiếu toa xe và đầu máy, thì các sản phẩm trên đều đang tận dụng để dùng được mà chưa có nguồn vốn để đầu tư thay thế mới.
Đại diện Tổng công ty Đường sắt cho biết, để đảm bảo an toàn, hiện các trạm khám toa xe tại các ga để kiểm tra kỹ thuật toa xe, nhằm kịp thời phát hiện và khắc phục hỏng hóc hay các vấn đề kỹ thuật đe dọa mất an toàn chạy tàu.
Cùng đó, hàng năm các toa xe này đều phải đưa vào xưởng sửa chữa theo định kỳ và đại tu sửa chữa lớn nên các toa xe vẫn đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.
“Khi chúng ta nghèo mà sản phẩm còn có thể tiết kiệm được thì không nên bán thanh lý như giá sắt vụn”, ông Cảnh cho hay. Theo đó, Tổng Công ty Đường sắt sẽ tiếp tục giải trình với Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan đề xuất với Chính phủ gói đầu tư trung hạn 2021 - 2025 và các nội dung liên quan đến Nghị định 65/2018/NĐ-CP của Chính phủ về lộ trình thực hiện niên hạn của phương tiện giao thông đường sắt, nhằm tháo gỡ khó khăn khi Tổng công ty và các đơn vị vận tải chưa thể đầu tư thay thế phương tiện mới.