TS Nguyễn Việt Hùng
"Đây sẽ là một kinh nghiệm đáng nhớ trong quá trình làm nghiên cứu của tôi.
TS Nguyễn Việt Hùng
TS Nguyễn Việt Hùng, nhà khoa học Việt Nam đang làm việc tại Viện Nghiên cứu chăn nuôi quốc tế (ILRI) ở Kenya, đã được chọn tham gia nhóm nghiên cứu rất được trông đợi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), gồm 10 nhà khoa học nghiên cứu về nguồn gốc virus SARS-CoV-2.
Nhóm nghiên cứu đã đến thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, nơi ghi nhận những bệnh nhân COVID-19 đầu tiên trên thế giới, từ 4 ngày trước. Sau 14 ngày cách ly và làm việc trực tuyến, nhóm sẽ có khoảng 2 tuần nghiên cứu thực địa.
Từ Vũ Hán, TS Hùng đã có cuộc trao đổi riêng với Tuổi Trẻ:
- WHO đang tiến hành một nghiên cứu về nguồn gốc virus SARS-CoV-2, họ có mời một nhóm nghiên cứu 10 người, có người là bác sĩ thú y, có bác sĩ lâm sàng ở bệnh viện, còn tôi thì nghiên cứu về các chợ truyền thống ở các nước đang phát triển...
Mỗi người sẽ đóng góp phần hiểu biết của mình trong nghiên cứu này. Tôi quan tâm đến an toàn thực phẩm ở các chợ truyền thống, bởi những bệnh nhân COVID-19 đầu tiên xuất hiện tại chợ đầu mối hải sản ở Vũ Hán (có bán cả một số loại động vật hoang dã khác).
Chúng tôi cũng muốn tìm hiểu ở những chợ truyền thống như vậy thì tương tác giữa con người, động vật và môi trường, bệnh truyền lây từ động vật sang người là vấn đề rất phức tạp, cần phải có nhiều chuyên môn khác nhau.
* Sau 4 ngày làm việc đầu tiên, các ông đã thấy có manh nha gì về nguồn gốc căn bệnh đáng sợ nhất từ trước đến nay?
- Không có ai dám chắc chắn là sau chuyến đi này tìm được đến đâu. Chúng tôi mới đến đây 4 ngày và vẫn đang trong thời gian cách ly 14 ngày.
Tôi nghĩ rằng đây là nghiên cứu cần thiết, đưa một đoàn của WHO đến nơi ghi nhận những bệnh nhân COVID-19 đầu tiên trên thế giới là thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
Năm 2020, các chuyên gia của WHO đã có 2 chuyến đi ngắn đến Vũ Hán để tìm hiểu và làm việc với cơ quan chức năng của Trung Quốc, về câu chuyện tiến hành nghiên cứu nguồn gốc virus SARS-CoV-2.
Đó là bước đầu của nghiên cứu này, mục đích là tìm hiểu thêm về nguồn gốc của virus. Nhóm nghiên cứu chúng tôi bao gồm các chuyên gia độc lập, nội dung làm việc do WHO và Trung Quốc cùng thảo luận, phát triển. Sau thời gian cách ly, chúng tôi có 2 tuần nghiên cứu trên thực địa.
* Là người Việt Nam tham gia nghiên cứu này, ông dự định tham gia với kinh nghiệm nào?
- Nghiên cứu này là nghiên cứu tìm hiểu nguồn gốc virus. Hiện có rất nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc virus, những phân tích di truyền chỉ ra virus SARS-CoV-2 rất gần với virus corona ở dơi. Rất nhiều nước cũng đang có nghiên cứu về nguồn gốc của bệnh.
Nhóm nghiên cứu sẽ gặp gỡ các cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc, xem điểm nào còn thiếu trong các nghiên cứu đã có và những điểm cần bổ sung.
Chuyến đi này là giai đoạn 1 của nghiên cứu, tới đây sẽ có một báo cáo về phát hiện của chuyến đi và hoạch định tiếp theo của nghiên cứu.
* Dịch COVID-19 bắt đầu từ khoảng tháng 12-2019, đã có nhiều nghiên cứu xung quanh căn bệnh này, các ông đã tìm ra hướng đi nào khả thi chưa? Và vì bệnh đã kéo dài đến nay hơn một năm, liệu công việc của các ông có hiệu quả?
- Các ca bệnh đầu tiên được báo cáo từ tháng 12-2019, đến nay đã có nhiều nghiên cứu xung quanh, nhóm chúng tôi đang dựa vào bằng chứng hiện có để nghiên cứu với mong muốn phát hiện ra những bằng chứng tiếp theo.
Ở thời điểm này, chúng tôi chưa thể nói gì nhiều vì các nghiên cứu đều cần có thời gian. Về tính hiệu quả thì giờ chưa thể đánh giá được.
Nhưng các thành viên trong đoàn đều là nhà khoa học, khi chúng tôi làm nghiên cứu, có một vấn đề chưa có câu trả lời thì bắt buộc phải tìm câu trả lời thôi, dù muộn. Các thành viên của nhóm cũng đang có tinh thần làm việc "hết sức có thể".
* Một năm trước, thời điểm này bắt đầu chuẩn bị "phong thành" kéo dài, không thể ra - vào thành phố Vũ Hán trong nhiều ngày và bắt đầu một vụ dịch tồi tệ nhất trong khoảng 100 năm trở lại đây. Giờ đây quay lại thành phố ở thời điểm này, ông có thấy dấu vết gì của 1 năm trước?
- Đây là chuyến đi đặc biệt. 2 năm trước tôi từng đi công tác tại Vũ Hán, lần này quay lại với cảm giác khác, khi tôi quay lại ở một vị trí công việc khác.
Khi xuống sân bay, được đưa về khách sạn cách ly, tôi chỉ "gặp" thành phố từ cửa sổ khách sạn, thấy xe cộ đi lại.
Phải 10 ngày nữa, khi hết cách ly tôi mới "gặp" Vũ Hán thực sự. Khi tham gia đoàn này, tôi có cảm giác rất vui vì đây là cơ hội làm một công việc đặc biệt, làm việc trong điều kiện đặc biệt, tôi sẽ cố gắng làm tốt nhất cùng với các thành viên khác. Đây cũng là một kinh nghiệm đáng nhớ cho quá trình làm nghiên cứu sau này của tôi.
* Những năm gần đây ngày càng xuất hiện nhiều bệnh lây truyền từ động vật, như H5N1, MERS-CoV, SARS-CoV-2..., ông có nghĩ các nghiên cứu tới đây là phải làm sao "dự phòng" trước khi bệnh gây hại cho con người?
- Những nghiên cứu và thực tế đang chỉ ra rằng những bệnh mới và tần suất bệnh mới nổi và tái nổi có nguồn gốc từ động vật ngày càng gia tăng.
Cách tiếp cận "một sức khỏe" ở Việt Nam được các bộ Y tế, Nông nghiệp & phát triển nông thôn và Tài nguyên - môi trường quan tâm.
Khi còn làm việc tại Trường đại học Y tế công cộng, tôi có tham gia mạng lưới "một sức khỏe" của các trường đại học (VOHUN) mà hiện mạng lưới này đang phát triển tốt.
Mạng lưới chú trọng tìm kiếm căn nguyên, cách phòng ngừa bệnh truyền lây từ động vật, mối tương tác con người - động vật và môi trường, từ đó giám sát, theo dõi và phòng ngừa bệnh lây từ động vật sang người, hoặc khi nó xảy ra thì có biện pháp để phòng chống.
TS Nguyễn Việt Hùng 44 tuổi, từng làm việc tại Trường ĐH Y tế công cộng, sau đó làm trưởng đại diện cho Viện Nghiên cứu chăn nuôi quốc tế (ILRI) tại Đông và Đông Nam Á. Từ năm 2020, ông sang Kenya làm đồng lãnh đạo chương trình Sức khỏe con người và động vật của ILRI.
TTO - Tại tọa đàm về hợp tác ứng phó với thách thức y tế tổ chức ngày 15-1 tại Hà Nội, bác sĩ người Pháp Thomas Mourez cảnh báo nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm từ động vật ở Việt Nam.
Xem thêm: mth.15513918081101202-gnat-aig-tav-gnod-ut-cog-nougn-oc-hneb-hcid/nv.ertiout