Trong thời kỳ dịch Covid-19 đang lan tràn hiện nay, những ngành nghề có thể làm việc tại nhà hoặc tương tác qua Internet luôn thu hút được sự chú ý của người dân. Thậm chí, một số ngành nghề còn giúp mọi người kiếm được tiền tỷ chỉ với việc ngồi trước màn hình.
Theo tờ Vice, một trong những nghề đang thu hút giới trẻ ngày nay trong mùa dịch là trở thành "Người ảnh hưởng công chúng" (Influencer) khi dễ dàng kiếm được nhiều tiền nếu trở nên nổi tiếng. Một bản báo cáo cho thấy tại Anh, chỉ cần Influencer có hơn 42.000 lượt theo dõi là có thể kiếm được mức thu nhập 29.000 Bảng/năm, tương đương gần 40.000 USD đồng thông qua quảng cáo cho các thương hiệu.
Ngày càng nhiều người kiếm tiền từ lượng like, view, theo dõi.
Nhiều ước tính cho thấy tổng giá trị thị trường của ngành marketing Influencer có thể đạt hơn 15 tỷ USD vào năm 2022. Thậm chí hiện nay những Influencer "ảo" không có thật như Lil Miquela cũng kiếm được hơn 10 triệu USD/năm.
Tuy nhiên vấn đề ở đây là để thành công trong ngành Influencer không hề đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ khi sự cạnh tranh đang ngày càng gay gắt hơn. Không chỉ có tài năng, những Influencer thành công còn đòi hỏi sự may mắn hay thậm chí cả một ngành công nghiệp khác đứng đằng sau hậu thuẫn mang tên: "Giả giàu" (Fake Wealth).
Ngành công nghiệp cho sống "ảo"
"Nếu bạn không giàu thì hãy làm giả chúng" (Money — if you can’t make it, fake it) là câu mở đầu của tờ Sixth Tone khi nói về ngành công nghiệp giả giàu cũng như lối sống thích phô trương của các Influencer, người nổi tiếng hay thậm chí là lớp trẻ bình thường hiện nay ở Trung Quốc.
Thật không may, ngành công nghiệp này đang lan rộng trong giới Influencer khi thu nhập từ mạng xã hội đang ngày càng lớn.
Trên mạng xã hội có rất nhiều Influencer hay người nổi tiếng hoặc các "Rich Kid" (Người tự nhận là con nhà giàu) sử dụng hiệu ứng hình ảnh để làm giả cuộc sống giàu sang qua những bức ảnh. Đó có thể là ảnh hay video du lịch tại các bãi biển sang chảnh, cảnh mua sắm hàng hiệu tràn lan hay những món đồ đắt tiền như xe thể thao, máy bay…
Việc chụp ảnh cùng những món đồ sang chảnh đang trở thành xu thế của giới trẻ ngày nay cũng như cần câu cơm của các Influencer.
Mục đích chính của việc này là khiến người xem cảm tưởng rằng Influencer hay người nổi tiếng đó có cuộc sống giàu có và đáng giá để theo dõi, qua đó thu hút các hợp đồng quảng cáo.
Thực tế công cuộc làm giả sự giàu sang này không còn chỉ là đam mê phô trương mà đã thực sự trở thành một ngành hái ra tiền. Các công ty bỏ tiền cho Influencer đầu tư những bộ ảnh hay clip giả giàu, làm tăng số người theo dõi, thu hút quảng cáo và thu về lại lợi nhuận.
Thậm chí ngày nay có cả những studio hay đội ngũ chuyên làm giả các hình ảnh này cho người có nhu cầu. Tại Los Angeles, một studio bất ngờ nổi tiếng từ đầu năm 2020 khi cho thuê phòng chụp thiết kế không khác gì bên trong một chiếc chuyên cơ cá nhân chỉ với giá 64 USD/giờ.
Trong khi đó ở Trung Quốc, chỉ với 6 Nhân dân tệ tương đương 0,92 USD là bạn có thể lồng giọng mình vào các video khoe xe sang, du lịch bãi biển hay khoe tiền trên những ứng dụng như Tik Tok hoặc Instagram.
Ngoài ra người mua có thể đòi hỏi thêm việc chụp ảnh mua xe xịn kèm hóa đơn có in tên, ngày tháng để lừa người xem. Những chiếc vé máy bay giả hay bất cứ thứ gì có thể sống ảo cũng sẽ được ngành công nghiệp giả giàu này phục vụ.
Trả lời tờ Sixth Tone, một người đàn ông tên Tian Tian là chủ của một nhóm chuyên phục vụ sống ảo này cho biết mỗi video giả có thể thu về khoảng 10.000-20.000 Nhân dân tệ/tháng, tương đương 1.500-3.000 USD.
Tại Anh, trào lưu thu mua những chiếc túi đựng hàng rỗng của các thương hiệu nổi tiếng chẳng có gì là lạ. Các Influencer thu thập chúng để rồi chụp ảnh như kiểu tung tiền mua sắm hoàng tráng đồ hiệu.
Bạn muốn có chuyên cơ riêng "ảo" trên mạng ư? Chỉ cần 64 USD/giờ thôi nhé.
Trong bài phỏng vấn với tạp chí Input Mag, một nhà bán lẻ hàng thiết kế tiết lộ nhiều Influencer thường đề nghị mua những chiếc túi đựng hàng của các thương hiệu nổi tiếng như Hermes, Pandora hay Tiffany.
"Ban đầu tôi tưởng họ mua để đựng đồ hoặc tái chế làm hộp đựng quà gì đó chứ không nghĩ rằng chúng lại được dùng để chụp hình", nhà bán lẻ giấu tên cho biết.
Trên các chợ thương mại điện tử như Depop, rất nhiều người bán theo lô các túi đựng hàng của thương hiệu nổi tiếng. Giá thành cũng biến động tùy thương hiệu, ví dụ một hộp đựng mũ của Gucci có giá 35 Bảng (48 USD), hộp đựng giày của Dior có giá 55 Bảng (75 USD)… Thậm chí người bán còn sẵn sàng cung cấp hóa đơn bán hàng từ cửa hàng chính hãng cho người mua nếu có nhu cầu chụp ảnh sống ảo.
Trong khi nhiều người chỉ trích lối sống ảo như vậy thì tạp chí Input Mag cho biết những Influencer sử dụng ảnh giả lại trở thành những người quảng cáo cho chính các thương hiệu hạng sang.
Việc làm này có thể hủy hoại danh tiếng của các thương hiệu cũng như sự nghiệp của Influencer, nhưng mấy ai phát hiện ra được đúng sai chỉ qua một bức ảnh chứ và thậm chí nếu có cũng chẳng có bằng chứng hay chế tài nào cho việc sống ảo.
Nguồn: Tổng hợp
Băng Tâm
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị