Ông Tập Cận Bình lựa chọn một mẫu áo park màu xanh cobalt của Arc’teryx - có trụ sở ở North Vancouver, Canada - để giữ ấm khi đến thị sát các hạng mục hạ tầng phục vụ Olympics và Paralympics mùa Đông 2022 ở khu vực vùng núi phía bắc thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.
Mẫu áo ông mặc được giới thiệu trên website quốc tế của hãng với giá 1.000 USD.
Hình ảnh chuyến thị sát Chủ tịch Trung Quốc như thông lệ được đăng tải rộng rãi trên các bản tin của nước này, nhưng hầu như không gây ra sự chú ý từ người dùng mạng xã hội của Trung Quốc, một phần được cho là bởi giá thành tương đối cao của bộ trang phục.
Tuy nhiên, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho hay, sự tác động đã xảy ra trên thị trường chứng khoán Hồng Kông khi giá cổ phiếu của Anta Group - công ty sở hữu Arc’teryx - tăng gần 10% trong phiên giao dịch hôm thứ Ba, 19/1.
Các quan chức tháp tùng ông Tập cũng mặc những chiếc áo khoác lớn có logo của Anta - nhà tài trợ chính thức cho Olympics 2022. Hãng này đã tài trợ cho đội tuyển Olympic của Trung Quốc trong 8 năm qua, và sẽ tiếp tục cung cấp trang phục thể thao cho các vận động viên cùng đội ngũ nhân viên tổ chức trong sự kiện năm 2022.
Việc ông Tập mặc áo khoác của công ty con thuộc Anta giúp giá cổ phiếu hãng này tăng 10% trong một ngày (Ảnh: Xinhua)
Mẫu áo Thorsen Parka của Arc’teryx được ông Tập ưa chuộng cũng thu hút đáng kể người tiêu dùng ở các khu vực thành thị nhờ sản phẩm nhẹ, dài, thiết kế gọn gàng, lớp cách nhiệt rộng rãi và chất liệu Gore-Tex không thấm nước.
Theo SCMP, kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2021, ông Tập đã ưa thích các mẫu trang phục theo kiểu phương Tây hơn so với các mẫu áo cổ cao kiểu Tôn Trung Sơn mà giới lãnh đạo Trung Quốc trước đây thường mặc. Điều này được cho là chuyển tải thông điệp về một lãnh đạo "mẫn cán" và có tác phong doanh nghiệp. Trong các chuyến thị sát ông Tập thường mặc áo khoác đơn giản kết hợp với áo sơ-mi trắng không cài khuy cổ và quần Âu.
Đây không phải là lần đầu nhà lãnh đạo Trung Quốc được nhìn thấy mặc sản phẩm của Anta. Trong chuyến thị sát năm 2017 về công tác chuẩn bị Olympics mùa Đông ở tỉnh Hà Bắc, ông cũng mặc áo của hãng này.
Ở tỉnh Phúc Kiến, nơi Anta cùng nhiều nhãn hàng thể thao Trung Quốc đặt trụ sở, việc ông Tập mặc sản phẩm của hãng được coi là thể hiện sự ủng hộ của ông đối với các thương hiệu thể thao bản địa.
Anta ra đời vào đầu thập niên 1990 ở tỉnh Phúc Kiến, từ một nhà bán giày thể thao giá rẻ đã vươn lên thành thương hiệu trang phục thể thao số 1 tại Trung Quốc, dù vẫn xếp sau các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Nike và Adidas ở thị trường trong nước.
Anta hầu như không được biết đến ở bên ngoài Trung Quốc cho đến tận năm 2019, khi họ mua lại Amer Sports của Phần Lan - công ty sở hữu nhiều nhãn hàng thể thao gồm Wilson, Salomon, Peak Performance, và Arc’teryx – với giá 5.2 tỷ USD.
Anta Group đang hướng đến mục tiêu vượt qua Nike để trở thành hãng trang phục thể thao số 1 tại nền kinh tế số 2 thế giới. Hiện nay họ chiếm khoảng 15% thị phần đồ thể thao ở Trung Quốc - tương đương giá trị khoảng 43 tỷ USD/năm, xếp sau Adidas (20% thị phần) và Nike (23%), theo báo cáo của Fair Observer.
Với sự ủng hộ "không lời" của ông Tập Cận Bình cùng vai trò nhà tài trợ Olympics, tham vọng của Anta có nhiều cơ hội trở thành sự thật.