Theo hình ảnh vệ tinh, Bắc Kinh vẫn tiếp tục các hoạt động cải tạo, xây dựng phi pháp nhằm ngăn sự xói mòn do tác động từ môi trường tại bờ biển phía bắc đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép), trang tin BenarNews ngày 21-1 dẫn bài viết của nhà phân tích người Mỹ Zachary Haver đưa tin.
Động thái trên cho thấy nỗ lực của Trung Quốc trong việc bảo vệ các tiền đồn phi pháp của nước này tại Biển Đông trước tác động từ môi trường, qua đó phục vụ tham vọng của Bắc Kinh tại vùng biển tranh chấp này.
Trung Quốc tiếp tục cải tạo phi pháp tại Hoàng Sa
Tháng 12-2012, Trung Quốc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" có trụ sở trên đảo Phú Lâm nhằm thâu tóm các quần đảo trên Biển Đông, trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Bắc Kinh đã ngang nhiên tiến hành chiến dịch nạo vét, bồi đắp đất quy mô lớn từ năm 2014 nhằm tạo ra những đảo nhân tạo mới ở Biển Đông, phá hủy môi trường tự nhiên và quân sự hóa những thực thể nước này chiếm đóng phi pháp.
Chiến dịch này đã hoàn tất vào năm 2017. Tuy nhiên, theo nhà phân tích Haver, những hoạt động cải tạo như trên của Trung Quốc tại đảo Phú Lâm vẫn tiếp diễn.
Ảnh chụp từ vệ tinh vào ngày 14-12-2020 cho thấy các hoạt động cải tạo, xây dựng của Trung Quốc nhằm chống sự xói mòn tại bờ biển phía bắc đảo Phú Lâm. Ảnh: PLANET LABS INC / ZACHARY HAVER
Ông Haver cho biết “thành phố Tam Sa” hồi cuối năm 2018 đã khởi động giai đoạn một của “dự án cải tạo và phục hồi bờ biển”, theo đó sẽ kêu gọi các công ty tham gia đấu thầu các hợp đồng khảo sát và quy hoạch.
Ông Haver dẫn hồ sơ cho thấy "Viện nghiên cứu khảo sát thiết kế Tây An" thuộc Tập đoàn khai thác kim loại màu Trung Quốc (CNMC) đã giành được hợp đồng tư vấn khảo sát. "Viện quy hoạch và thiết kế vận tải thủy" thuộc Tập đoàn kiến thiết giao thông Trung Quốc (CCCC) đã trúng thầu quy hoạch. Cả hai tập đoàn trên đều là công ty con của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.
Theo báo cáo "đánh giá tác động môi trường" phía Trung Quốc công bố tháng 2-2019, Bắc Kinh lên kế hoạch cải tạo khu vực bờ biển kéo dài 2.159,1 m ở phía bắc đảo Phú Lâm. Hoạt động cải tạo bao gồm xây dựng 336,9 m tường chắn sóng, một đê chắn cát dài 55 m, bốn mỏ hàn biển dài 40 m và 1.822,2 m kè lát mái.
Vào tháng 5-2019, “thành phố Tam Sa” đã ký hợp đồng “thí nghiệm mô hình vật lý” với “Viện Nghiên cứu kỹ thuật giao thông đường thủy Thiên Tân” thuộc Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc. Theo hồ sơ đấu thầu của hợp đồng, viện sẽ chịu trách nhiệm lập mô hình xói mòn bờ biển trên đảo Phú Lâm nhằm hỗ trợ công việc cải tạo và phục hồi đảo. Mô hình sẽ mô phỏng tác động của sóng có thể gây xói mòn ven bờ đảo Phú Lâm.
Trước đó, BenarNews hồi tháng 6-2020 dẫn hình ảnh vệ tinh cho thấy một bãi đá ngầm cạn ven bờ ở phía tây bắc đảo Phú Lâm bị nạo vét một khoảng lớn ở giữa. Hình ảnh còn cho thấy có một số dãy đất mới có thể làm nền móng cho việc bồi đắp đất thêm để mở rộng đảo Phú Lâm.
Ông Haver nhận định Trung Quốc trong năm 2021 sẽ tiếp tục các hoạt động cải tạo tại đảo Phú Lâm. Ông dẫn hồ sơ từ phía Trung Quốc cho biết “thành phố Tam Sa” hồi tháng 8-2020 đã ký một hợp đồng quy hoạch khác thuộc giai đoạn một của “dự án cải tạo và phục hồi bờ biển” với tập đoàn CCCC. Ngoài ra, ông Haver còn cho rằng sau khi khởi động “giai đoạn một” của dự án, “thành phố Tam Sa” trong tương lai có khả năng sẽ khởi động các giai đoạn tiếp theo.
Phục vụ tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông
Theo ông Haver, việc Trung Quốc đầu tư vào bảo vệ đảo Phú Lâm khỏi tác động từ môi trường, như củng cố bờ biển hay trồng cây trên các đảo nhỏ nhằm chống xói mòn đất, cho thấy tầm quan trọng chiến lược của hòn đảo này đối với Bắc Kinh.
Cơ sở hạ tầng tại hòn đảo sẽ hỗ trợ hoạt động của lực lượng hải quân, cảnh sát biển và dân quân biển Trung Quốc tại Biển Đông.
Thời gian qua, lực lượng cảnh sát biển và dân quân biển Trung Quốc thường xuyên quấy rối hoạt động của các tàu đánh bắt cá và các loại tàu khác của các bên có tranh chấp tại Biển Đông.
Nỗ lực ngăn tình trạng xói mòn tại bờ biển đảo Phú Lâm được cho là một phần trong kế hoạch lớn hơn của Trung Quốc nhằm đảm bảo duy trì sự hiện diện dân sự lâu dài trên các đảo tranh chấp tại Biển Đông, bất chấp việc luật pháp quốc tế không công nhận các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hồi tháng 10-2020 đã nhấn mạnh: “Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa và các hành vi có liên quan vì vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Các hoạt động trên không có giá trị và không được công nhận, đồng thời không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình ở Biển Đông, khu vực và thế giới”.