Điểm xét nghiệm nhanh COVID-19 tại sân bay quốc tế Ben-Gurion ngày 24-1 - Ảnh: AFP
Israel là quốc gia đi đầu trong công tác triển khai tiêm chủng vắc xin COVID-19 nhưng hiện nay đang lo lắng trước các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
"40-50% ca nhiễm hàng ngày là do biến thể mới"
Báo The Times of Israel đưa tin ngày 25-1, GS Nachman Ash (phụ trách chống COVID-19 của chính phủ Israel) cho biết biến thể virus mới ở Anh là nguyên nhân gây ra từ 40-50% ca nhiễm hàng ngày.
Biến thể ở Nam Phi và biến thể ở California cũng đã được phát hiện tại Israel.
GS Ran Blitzer - thành viên nhóm nghiên cứu COVID-19 của Bộ Y tế Israel, cũng đưa ra ý kiến tương tự. Ông ghi nhận hai biến thể mới của Anh và Nam Phi đã gây ra hơn 40% số ca nhiễm COVID-19 ở Israel.
Đáng lo ngại hơn, Bộ Y tế Israel cho biết biến thể virus mới của Anh lây nhiễm ngày càng nhiều đối với trẻ em, thanh niên, đồng thời gây ra các dạng bệnh nghiêm trọng hơn đối với phụ nữ mang thai.
Cuối tuần trước, báo chí Israel công bố báo cáo của một nhóm nghiên cứu thuộc quân đội Israel được gửi cho Trung tâm Thông tin và kiến thức về virus corona quốc gia. Báo cáo lưu ý: "Chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 hàng loạt đang được thực hiện… có thể dẫn đến áp lực tiến hóa đối với virus và phát sinh nhiều đột biến".
Để đối phó với nguy cơ này, nhóm nghiên cứu đề xuất cần tiến hành kiểm tra sàng lọc và cách ly đối với tất cả du khách đến Israel dù họ đã được tiêm vắc xin hoặc đã bình phục sau khi nhiễm COVID-19. Ngoài ra, cần thực hiện các biện pháp giảm tỉ lệ lây nhiễm.
Từ nửa đêm 25-1, các chuyến bay quốc tế đi và đến Israel đã bị cấm trong vòng một tuần.
Dòng người chờ đợi tiêm vắc xin COVID-19 ở Tel-Aviv (Israel) - Ảnh: BLOOMBERG
Không tốn nhiều thời gian bào chế lại vắc xin
Nhiều công trình nghiên cứu đang được tiến hành để xác định các loại vắc xin COVID-19 hiện tại có hiệu quả đối với các biến thể SARS-CoV-2 ở Anh, Nam Phi và Brazil hay không.
Nếu nghiên cứu xác định quả thật vắc xin COVID-19 không đủ hiệu quả, vậy cần bao nhiêu thời gian để phát triển lại vắc xin mới?
Chuyên gia vi sinh vật học Marc Hamilton - chủ tịch Tập đoàn Groupe Eurofins EnvironeX (chuyên về phân tích y học ở Canada) giải thích: "Nếu sáng mai bắt đầu bào chế lại một loại vắc xin COVID-19 mới với trình tự mới hoặc ARN mới, thời gian sản xuất không quá 8-9 tháng. Chỉ cần khoảng 6 tuần chúng ta đã đủ khả năng phát triển một dòng vắc xin mới".
Trả lời báo Journal de Montréal, ông nhận định do tính an toàn và khả năng sinh miễn dịch của vắc xin đã được nghiên cứu từ đầu quá trình phát triển vắc xin vào đầu năm 2020 nên hiện tại bào chế lại vắc xin sẽ dễ dàng hơn.
Ông khẳng định không phải chờ đợi lâu vì "khoa học ngày nay đủ khả năng thích ứng nhanh chóng với các biến thể mới". Ông chỉ lo ngại khâu xét duyệt cơ quan y tế và khâu hậu cần cung cấp thiếu sót.
TS virus học Yannick Simonin ở Viện Sức khỏe và nghiên cứu y học quốc gia Pháp (INSERM) cũng đưa ra nhận định tương tự.
Ông đánh giá rất đáng tin cậy khi hãng dược Pfizer (Mỹ) thông báo có thể điều chỉnh quy trình phát triển vắc xin tương thích với các biến thể mới trong vòng 6 tuần vì công nghệ ARN thông tin mà Pfizer đang áp dụng rất linh hoạt.
Chuyên gia Marc Hamilton cho rằng khoảng 6 tuần sẽ bào chế được vắc xin mới - Ảnh: YOUTUBE
Viện Pasteur Pháp ngưng dự án nghiên cứu vắc xin COVID-19
Ngày 25-1 (giờ địa phương), Viện Pasteur Pháp thông báo ngưng dự án nghiên cứu vắc xin COVID-19 chính. Kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 từ tháng 8-2020 cho thấy vắc xin tạo phản ứng miễn dịch quá thấp. Hai dự án khác ở giai đoạn tiền lâm sàng vẫn tiếp tục.
Cùng ngày, hãng dược Merck của Mỹ cũng thông báo ngưng phát triển một loại vắc xin COVID-19 khác vì kết quả không đạt hiệu quả hơn so với vắc xin của các công ty khác. Merck vẫn tiếp tục thử nghiệm lâm sàng hai liệu pháp điều trị COVID-19.
TTO - Một số công ty khởi nghiệp đang nghiên cứu một loại vắc xin đa năng đủ khả năng tạo phản ứng miễn dịch bất kể các chủng virus đột biến như thế nào.
Xem thêm: mth.34240101162101202-iom-anoroc-eht-neib-gnohc-nix-cav-oc-es-ual-oab/nv.ertiout