Hãng tin Reuters cho biết Ủy ban An ninh Quốc gia về Trí tuệ Nhân tạo (NSCAI) đã đề nghị chính quyền Mỹ không nên đồng ý việc cấm sử dụng hoặc phát triển vũ khí tự động được hỗ trợ bằng phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI).
Ủy ban do cựu Giám đốc điều hành tập đoàn công nghệ Google - Tỉ phú Eric Schmidt dẫn đầu vào hôm 26-1 đã kết thúc hai ngày thảo luận công khai về việc nước Mỹ, một trong những cường quốc quân sự lớn nhất thế giới, nên xem xét phát triển vũ khí AI để đảm bảo an ninh quốc gia và tiến bộ công nghệ.
Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Work nhận định vũ khí tự động sử dụng AI dự kiến sẽ ít mắc lỗi hơn con người trong các trận chiến, giúp giảm mức độ thương vong và những tổn thất nặng nề trong các cuộc giao tranh xác định sai mục tiêu.
“Nếu xét đến những vấn đề về mặt đạo đức, ít nhất chúng ta phải xem xét lý do này để có thể đưa ra quyết định” - ông Work nói.
Cuộc thảo luận đã biến thành một buổi tranh cãi về vấn đề quyền con người và chiến tranh. Trong khoảng tám năm trở lại đây, một liên minh các tổ chức phi chính phủ đã thúc đẩy một hiệp ước cấm “robot sát thủ”.
Liên minh này cho rằng bất kỳ cuộc chiến nào cũng cần sự kiểm soát của con người mới có thể đánh giá mức độ tương xứng của các cuộc chiến và xác định trách nhiệm cho bất kỳ tội ác chiến tranh nào.
Các nhà hoạt động của liên minh các tổ chức phi chính phủ phản đối "robot sát thủa" tổ chức biểu tình tại Berlin, Đức, ngày 21-3-2019. Ảnh: REUTERS
Theo Reuters, 30 quốc gia bao gồm Brazil và Pakistan đều muốn có một lệnh cấm chính thức vũ khí sử dụng công nghệ AI trên toàn cầu. Liên Hợp Quốc cũng đã tổ chức các cuộc họp về vấn đề này kể từ năm 2014.
Mặc dù việc sử dụng vũ khí tự động đã có từ nhiều thập kỷ trước, song mối quan tâm về loại vũ khí này đã tăng lên trước sự phát triển của AI nhằm nâng cao khả năng cho hệ thống vũ khí tự động.
Bên cạnh đó, việc các quốc gia muốn đưa AI vào lĩnh vực quốc phòng cũng làm dấy lên những lo ngại về sai lệch trong nghiên cứu và vấn đề lạm dụng phần mềm cho những việc làm xấu.
Ngoài ra, NSCAI thừa nhận có những rủi ro trong việc sử dụng vũ khí tự động. Một thành viên của ủy ban làm việc tại tập đoàn phần mềm đa quốc gia Microsoft đã cảnh báo về việc vũ khí tự động sử dụng Ai có thể làm leo thang xung đột.
Bà Mary Wareham - giám đốc Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế - cho rằng việc NSCAI muốn nước Mỹ "tập trung các khoản đầu tư vào nhu cầu cạnh tranh vũ khí với Trung Quốc và Nga chỉ càng khuyến khích thêm các cuộc chạy đua vũ trang."
Ngoài vũ khí hóa công nghệ AI, NSCAI cũng khuyến nghị các cơ quan tình báo Mỹ sử dụng AI để thu thập và xem xét dữ liệu.
NSCAI dự kiến sẽ đệ trình báo cáo cuối cùng lên Quốc hội Mỹ vào tháng 3, tuy nhiên các khuyến nghị của ủy ban này không có giá trị ràng buộc, Reuters đưa tin.