Trong hai ngày 26 và 27-1, Pháp Luật TP.HCM ghi nhận không khí làm việc tại trụ sở TAND TP Thủ Đức, TP.HCM (trụ sở TAND quận 2, quận 9, Thủ Đức cũ).
Được biết, lượng vụ việc mà TAND TP Thủ Đức phải thụ lý, giải quyết hằng năm khoảng 6.500-7.000, trung bình mỗi tháng phải giải quyết 350-400 vụ việc. Đây là một con số rất lớn, tương đương quy mô tòa án cấp tỉnh.
Ông Lương Bá Tòng (66 tuổi, ngụ phường An Phú, quận 2 cũ) cho biết: Lúc đầu đến TAND TP Thủ Đức cũng có những bất cập vì mới sáp nhập nhưng sau đó đã được cán bộ giải thích tận tình. Dù công việc bận rộn nhưng tòa trả kết quả rất đúng hẹn.
“Tôi định đi đóng án phí 5 triệu đồng nhưng được cán bộ tòa hỏi tuổi, hướng dẫn làm đơn miễn giảm án phí vì là người cao tuổi. Tôi rất cám ơn quý tòa” - ông Tòng xúc động.
Ông Lương Bá Tòng (66 tuổi, quận 2 cũ) được cán bộ TAND TP Thủ Đức hướng dẫn viết đơn miễn giảm án phí. Ảnh: MINH CHUNG
Cùng chung cảm nhận, chị Nguyễn Thị Ngọc Huyền (ngụ quận 3) cho biết hồ sơ khởi kiện vụ án dân sự của chị có nhiều tài liệu còn thiếu nhưng đã được bộ phận văn thư hướng dẫn bổ sung chi tiết.
Chị Thạch Thị Nha (ngụ quận 2 cũ) đến TAND TP Thủ Đức để giải quyết một vụ án ly hôn. Chị này cho biết được văn thư của tòa hướng dẫn các thủ tục nhiệt tình. Nhiều người dân đến nộp đơn khởi kiện cũng có cùng suy nghĩ như trên.
Trong khi đó, anh Nguyễn Tống Văn Tú (ngụ phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức cũ) cho biết vụ án dân sự về tranh chấp quyền sử dụng đất của anh được TAND quận Thủ Đức (cũ) thụ lý, đến nay đã kéo dài hơn 18 tháng nhưng vẫn chưa có “động tĩnh” gì.
Anh Tú được thẩm phán giải quyết vụ việc của anh ở TAND quận Thủ Đức (cũ) chỉ lên TAND TP Thủ Đức để được giải quyết. Khi anh lên TAND TP Thủ Đức thì lại được hướng dẫn về TAND quận Thủ Đức (cũ) gặp thẩm phán đó để được giải quyết nên anh Tú tỏ vẻ không hài lòng.
Về trường hợp của anh Tú, ông Nguyễn Thành Vinh, Chánh án TAND TP Thủ Đức, cho biết: Cả ba trụ sở của TAND các quận 2, 9, Thủ Đức cũ đều không thể đủ công năng, chưa đáp ứng việc đưa toàn thể thẩm phán, thư ký, cán bộ… quy về một trụ sở để thuận tiện cho công việc nên chọn TAND quận 2 cũ làm trụ sở cho TAND TP Thủ Đức.
Do vậy, các thẩm phán của các tòa án cũ (nay là thẩm phán TAND TP Thủ Đức) nhưng vẫn ở trụ sở cũ để làm việc. Sau khi nghe phản ánh, ngay lập tức chánh án đã chỉ đạo thẩm phán giải quyết vụ của anh Tú: “Mời đương sự về và giải quyết ngay”.
Theo ông Vinh, đối với các vụ việc được thụ lý ở các tòa án cũ thì trước thẩm phán nào giải quyết thì nay thẩm phán đó vẫn tiếp tục giải quyết để mang tính chất liên tục. Do đó, đối với một số trường hợp cần gặp trực tiếp thẩm phán giải quyết công việc, cán bộ có thể hướng dẫn về gặp thẩm phán.
Khó khăn về con dấu
Chánh án TAND TP Thủ Đức Nguyễn Thành Vinh cho biết: Mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường, người dân có thể nộp đơn khởi kiện, nộp các tài liệu, chứng cứ ở cả ba trụ sở TAND, ở đó đều có tổ văn phòng nhận đơn. Thậm chí, người dân ở quận 2 cũ có thể sang quận khác như quận 9, quận Thủ Đức cũ và ngược lại để nộp đơn. Các văn phòng không được từ chối.
“Việc xử lý công văn đến và đi tại các văn phòng cũng như tại trụ sở trung tâm sẽ được tuân theo quy trình nghiệp vụ nội bộ, đảm bảo thống nhất, bên tòa án cũng đã có hệ thống liên thông” - ông Vinh nói.
Ông Vinh cũng chia sẻ khó khăn trong những ngày đầu của TAND TP Thủ Đức. Cụ thể, hiện chỉ có một con dấu và đang nằm ở trụ sở chính bên quận 2 cũ. Hằng ngày phải có xe công vụ đi lại hai lần giữa trụ sở cũ và trụ sở trung tâm để đóng dấu, kịp thời giải quyết các công việc cho dân. Bước đầu bao giờ cũng có những khó khăn nhưng dần sẽ quy củ.
Hài lòng cũng là cảm nhận chung của người dân khi đến giải quyết công việc tại các trụ sở TAND cũ.
Ngay từ sớm 27-1, anh Trương Hoài Vương (ngụ quận 5) đến TAND quận Thủ Đức cũ để giải quyết một vụ kiện lao động. Anh cho biết thẩm phán, thư ký rất vui vẻ, hướng dẫn tận tình.
“Mình thấy họ vẫn làm việc rất chuyên nghiệp, chỉn chu, chứ không phải sáp nhập TP mới rồi tư tưởng họ dao động hay sao nhãng gì hết. Tôi kỳ vọng sắp tới TP Thủ Đức sẽ hoạt động ngày càng hiệu quả hơn” - anh Vương nói.
Tương tự, tại TAND quận 9 cũ có khá nhiều người dân đến tòa để giải quyết công việc, đa phần là các vụ án ly hôn. PV ghi nhận được ba trường hợp ở các phường Phước Long A, Phú Hữu, Long Bình (cùng quận 9 cũ) đến làm thủ tục ly hôn, tất cả cho biết được thư ký và bộ phận văn thư của tòa hướng dẫn chi tiết, tận tình.
Chị Ngô Phương Thảo (ngụ phường Long Trường, quận 9 cũ) cho biết đã nộp đơn khởi kiện một vụ tranh chấp dân sự. Tòa đã nhận đơn và chị được thư ký gọi điện thoại hẹn hôm nay lên làm việc. “Nói chung là mọi việc nhanh chóng, suôn sẻ” - chị Thảo nói.
VKS: Bắt tay ngay vào việc Tại trụ sở VKSND TP Thủ Đức (trụ sở VKSND quận 2 cũ), do tính chất đặc thù của ngành, rất ít người dân đến làm việc với VKS, chủ yếu là các cán bộ công an đến làm việc. Cơ quan này cũng mới kiện toàn chức danh viện trưởng vào hôm 25-1. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo VKSND TP Thủ Đức cho biết hiện cơ quan đã bắt tay vào vận hành ngay sau khi bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý ngày 25-1. Đối với án hình sự, VKSND TP vẫn đang tiến hành phối hợp với các cơ quan tố tụng. Các bước tiến hành tố tụng vẫn đang thực hiện theo đúng quy định. Riêng đối với các loại án dân sự, hành chính, kinh tế, lao động, do hiện nay tòa vẫn chưa mở phiên xử (chưa có hội thẩm nhân dân) nên VKS chưa triển khai phối hợp ngay. Cạnh đó, việc thi hành án dân sự cũng tạm thời ngưng. HOÀNG YẾN ghi |