Doanh nghiệp đưa hàng hóa vào EU cần lưu ý những gì ?
Lê Hoàng
(TBKTSG Online) - Cơ hội để hàng hóa Việt vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) rất lớn kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, nhưng có nhiều quy định, tiêu chuẩn mà nếu doanh nghiệp không tuân thủ hoặc không đáp ứng được thì hàng hóa khó có thể đưa sang thị trường này.
Ông Đặng Thái Thiện chia sẻ thông tin điều kiện xuất khẩu sang thị trường EU cho doanh nghiệp. Ảnh: Lê Hoàng |
Thông tin này được các chuyên gia và đại diện cơ quan làm thủ tục xuất nhập khẩu lưu ý với doanh nghiệp tại hội thảo “Triển vọng xuất khẩu hàng hóa vào Liên minh châu Âu thông qua “cửa ngõ” Ba Lan khi EVFTA có hiệu lực” vào ngày 28-1 do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức.
Tại hội thảo, theo ông Đặng Thái Thiện, Phó phòng Giám sát Quản lý, Cục Hải quan TPHCM, EVFTA giúp thúc đẩy tăng trưởng một số nhóm ngành nghề của Việt Nam vào EU như vận tải thủy, vận tải hàng không, thịt lợn, đường, gạo, da giày, may mặc, dệt, gốm sứ, thủy tinh…
Tuy nhiên, ông Thiện lưu ý doanh nghiệp về một số rào cản đối với hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường EU. Đầu tiên, sản phẩm xuất khẩu cần đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS).
Theo đó, EVFTA quy định mỗi bên cần thiết lập danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa nông sản, thực phẩm đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm theo mã hàng hóa xuất khẩu để gửi cho bên còn lại. Thời gian công nhận tương đương cũng được rút ngắn xuống còn 3 tháng kể từ thời điểm nhận được đề nghị so với quy định của WTO (6 tháng).
EU (bao gồm cả Vương quốc Anh) là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới, kim ngạch nhập khẩu ngoại khối vào khoảng 1.934 tỉ euro. Đây là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất thế giới với giá trị nhập khẩu hàng năm khoảng 50 tỉ euro. Hiện nay, Việt Nam là nhà cung cấp lớn thứ 10 của EU, chiếm khoảng 1,8% thị phần. Thương mại hai chiều Việt Nam - EU tăng 13,5 lần trong vòng 20 năm, từ 4,1 tỉ đô la năm 2000 lên 55,429 tỉ đô la năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 14,3 lần từ 2,8 tỉ đô la (năm 2000) lên 40,049 tỉ đô la (năm 2020); nhập khẩu của Việt Nam từ EU tăng 11,8 lần, từ 1,3 tỉ đô la (năm 2000) lên 15,335 tỉ đô la (năm 2020). |
EVFTA cũng quy định linh hoạt đối với biện pháp SPS do EU ban hành mà Việt Nam khó đáp ứng. Theo ông Thiện, Việt Nam được lựa chọn 1 trong 3 giải pháp sau nếu gặp khó khăn trong việc đáp ứng một biện pháp SPS của EU.
Thứ nhất, EU dành cho Việt Nam một khoảng thời gian chuyển đổi để tuân thủ biện pháp này. Thứ hai, Việt Nam đề xuất một biện pháp SPS tương đương và đề nghị EU xem xét công nhận.Và cuối cùng là EU dành hỗ trợ kỹ thuật để giúp Việt Nam đáp ứng được biện pháp SPS.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu về các hàng rào kỹ thuật (TBT) như quy định không được sử dụng hóa chất trong thực phẩm, sản phẩm dệt may; đảm bảo nguồn gốc hợp pháp theo Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT). Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 102/NĐ-CP về việc quy định hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu về những quy định trong Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) nhằm bảo vệ các loại động vật, thực vật hoang dã, quý hiếm để tránh vi phạm khi xuất khẩu vào EU.
Doanh nghiệp thủy sản thì cần lưu ý tới quy định IUU về việc ngăn chặn việc khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định theo Quy định 1005/2008 có hiệu lực từ ngày 1-10-2010 của EU.
Cũng theo ông Thiện, hiện EU đang áp dụng một số biện pháp phòng vệ thương mại như thuế tự vệ, thuế chống trợ cấp, thuế chống bán phá giá và hạn ngạch thuế quan.
Sản phẩm từ gỗ là một trong những nhóm hàng Việt Nam có nhiều tiềm năng xuất sang thị trường EU. |
Thời gian vừa qua, EU đã tiến hành một số biện pháp phòng vệ thương mại và kiểm soát đối với hàng hóa của Việt Nam như áp dụng thẻ vàng thủy sản vào năm 2017, điều tra lẩn tránh phòng vệ thương mại đối với xe nâng bằng tay vào năm 2017 hay với 26 loại thép và sản phẩm từ thép năm 2018.
EU cũng tăng cường kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu đối với một số loại rau thơm và trái thanh long. Mới đây nhất, năm 2020, EU tiến hành điều tra đối với mặt hàng lốp xe tải, xe khách và xe đạp điện của Việt Nam.
Doanh nghiệp cần phải đặc biệt lưu ý tới quy tắc xuất xứ trong EVFTA. Theo quy định, chỉ những hàng hóa có xuất xứ trong Hiệp định thương mại tự do mới được hưởng ưu đãi thuế quan. Khi xuất khẩu hàng hóa vào EU, việc nắm vững và thực hành đúng các quy tắc xuất xứ được quy định sẽ tránh được các rủi ro không đáng có cho doanh nghiệp.
Ông Thiện lưu ý với doanh nghiệp rằng, Giấy chứng nhận xuất xứ không được tẩy xoá hoặc viết đè lên chữ khác. Bất kỳ sự thay đổi nào phải được thực hiện bằng việc xoá thông tin sai và thêm thông tin đúng cần thiết. Bất kỳ sự thay đổi nào phải có chữ ký tắt của người hoàn thiện giấy chứng nhận và được chấp thuận bởi Cơ quan hải quan (Liên minh Châu Âu) hoặc cơ quan cấp (Việt Nam) của lãnh thổ hoặc nước cấp giấy chứng nhận.
Đáng chú ý là doanh nghiệp không được để khoảng trống giữa các mục thể hiện trên giấy chứng nhận và mỗi mục phải được đánh số thứ tự. Phải gạch ngang ngay dưới mục cuối cùng. Bất kỳ khoảng trống nào không sử dụng phải được gạch chéo theo cách như vậy để không thể có bất kỳ sự bổ sung thông tin sau này. Và hàng hoá phải được mô tả theo thực tiễn thương mại và có đủ thông tin chi tiết để có thể xác định được hàng hoá đó.
Khi xuất khẩu hàng hóa sang EU, doanh nghiệp cần phải khai báo xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ EUR.1 theo Công văn 0812/XNK-XXHH ngày 30-7-2020 của Cục Xuất Nhập khẩu - Bộ Công Thương.
Ngoài ra, ông Thiện lưu ý, để được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định, chứng từ xuất xứ phải được nộp cho cơ quan hải quan của Bên nhập khẩu phù hợp với các thủ tục hiện hành tại Bên đó. Cơ quan hải quan có thể yêu cầu bản dịch nếu chứng từ xuất xứ không phải bằng tiếng Anh.
Xem thêm: lmth.-ig-gnuhn-y-uul-nac-ue-oav-aoh-gnah-aud-peihgn-hnaod/062313/nv.semitnogiaseht.www