PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia cho biết mỗi loại mứt Tết đều có những giá trị dinh dưỡng và tác dụng cho sức khỏe. Đơn cử như mứt gừng giúp làm ấm tỳ vị, chống nôn, giải độc, chữa ho. Mứt tắc có thể giải độc rượu, chống nôn, chống nhiệt, kích thích tiêu hóa, long đờm, trong khi mứt sen thì an thần, giải stress, chống suy nhược...
Mặc dù vậy, theo PGS Lâm, mứt tết thường sử dụng rất nhiều đường nên không thích hợp cho người mắc bệnh tiêu đường, người có đường máu cao, béo phì hay người đang ăn kiêng.
"Do nhiều đường nên các loại mứt thường tạo ra năng lượng là chính, không cung cấp các thành phần dưỡng chất như vitamin, khoáng chất cho cơ thể như lúc còn tươi. Vì thế mứt không tốt cho người gia, trẻ em và phụ nữ mang thai trong suốt thai kỳ. Bên cạnh đó vì nhiều năng lượng nên ăn mứt sẽ làm giảm cảm giác đói, chúng ta cần hẹn chế ăn trong hai bữa ăn chính- vị chuyên gia nhấn mạnh.
Mứt Tết rất giàu năng lượng. Ảnh: HẠ QUYÊN
Ngoài ra một số loại mứt chứa nhiều loại beta carotene hoặc vitamin A, C như mứt cà chua, cà rốt, táo, mận, kiwi…sẽ bị phân hủy do nhiệt độ và thời gian chế biến mứt quá lâu sẽ làm mất tác dụng của các nhóm vitamin.
Các chuyên gia dinh dưỡng ước tính, hộp mứt tết có trọng lượng 200-300 g sẽ chứa trung bình 1000 calo, điều này có nghĩa bạn cần đi bộ nhanh hoặc đạp xe 1-2 giờ để tiêu thụ 1000 calo từ mứt.
Ước lượng, mứt dừa có lượng calo cao nhất với 500 calo/100 g; trong khi mứt hạt sen 390 calo; mứt gừng, mứt cà rốt 350 calo; mứt bí 370 calo; mứt quất 320 calo và nho khô chứa 300 calo.