Đắk Lắk - Trước tình hình nguồn cung xăng dầu khan hiếm, giá tăng và chiết khấu thấp, nhiều doanh nghiệp xăng dầu ở tỉnh Đắk Lắk đã tạm dừng hoạt động.
Ngày 10.2, một lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk thông tin, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường quản lý địa bàn, kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu và phát hiện nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa.
Qua kiểm tra, phát hiện 19 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang tạm nghỉ, dừng hoạt động. Trong đó, có 16 cửa hàng hết xăng dầu, 3 cửa hàng nghỉ bán do nhân viên bị bệnh, chủ cửa hàng là F1 và hỏng cò bơm. Các cây xăng dầu tạm dừng hoạt động nằm tại nhiều địa bàn như huyện Cư M’gar, Krông Năng, Buôn Đôn và TP.Buôn Ma Thuột…
Theo lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk: Địa phương có 21 doanh nghiệp đầu mới với 457 cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Theo chủ các doanh nghiệp bán xăng dầu, họ đang phải bán cầm chừng, mỗi lít xăng dầu đang bán ra thị trường bị lỗ, chưa tính các khoản chi phí lương nhân viên, điện, khấu hao, hao hụt...
Xăng loại RON A95-III hiện đang là loại tiêu thụ nhiều nhất nhưng do đang phải bù lỗ nên các cơ sở kinh doanh chỉ bán hàng tồn kho từ đợt nhập hàng hóa lần trước, nhập thêm đến đâu bán đến đó.
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk xác nhận: Vừa qua, do tình hình giá xăng dầu tăng và chiết khấu thấp, nguyên nhân được cho là khan hiếm nguồn cung, các doanh nghiệp bán xăng dầu hiện đang bán lỗ từ 1.000 - 1.500 đồng/lít nên đã có đơn vị tạm thời đóng cửa.
Ngoài ra, tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh đang hết sức khó khăn. Các thương nhân phân phối xăng dầu không mua được xăng dầu từ các thương nhân đầu mối, do vậy đã nên đã xảy ra khan hiếm xăng dầu cục bộ.
Được biết, Công ty xăng dầu Nam Tây Nguyên trực thuộc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam đang cung ứng xăng dầu chiếm tỷ trọng khoảng 55% tổng sản lượng tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Để tiếp tục đảm bảo nguồn cung, Sở Công Thương đã có văn bản về việc phối hợp đảm bảo cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh, yêu cầu các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý xăng dầu trong và ngoài tỉnh đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu cho các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu tránh để tình trạng thiếu nguồn cung cho các doanh nghiệp.
Sở cũng đề nghị Cục Quản lý thị trường phối hợp kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, kịp thời phát hiện, làm rõ từng cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa không hoạt động, cần thiết thì phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra thực tế hàng hóa tại cửa hàng, nếu vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định.