Binh sĩ thuộc Sư đoàn dù 82 của Mỹ đến Ba Lan hôm 8-2 - Ảnh: REUTERS
Ít nhất 4 quan chức trong chính quyền Mỹ tiết lộ nước này sẽ đưa thêm 3.000 binh sĩ tới Ba Lan nhằm trấn an các đồng minh NATO, nâng tổng số lính Mỹ tại đây lên gần 10.000 người.
Hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức đề nghị giấu tên cho biết số binh sĩ này khác với nhóm 8.500 lính đã được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ. Lực lượng được triển khai tới Ba Lan lần này là các binh sĩ thuộc Sư đoàn dù số 82 đóng tại Fort Bragg, North Carolina.
Hồi tuần trước, Mỹ đã triển khai hơn 1.000 quân tới Ba Lan, quốc gia giáp Ukraine, Nga và Belarus. Đây là một vị trí rất chiến lược xét trong bối cảnh căng thẳng hiện tại giữa Nga và phương Tây.
Trong cuộc điện đàm ngày 11-2 với lãnh đạo các nước đồng minh châu Âu, Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục bày tỏ quan ngại về các động thái tập trung quân của Nga gần biên giới Ukraine. Matxcơva phủ nhận mọi cáo buộc nói nước này chuẩn bị xâm lược Ukraine đồng thời để ngỏ cánh cửa ngoại giao để giải quyết vấn đề.
Theo thông cáo của Nhà Trắng, Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo NATO cam kết sẽ có các hành động "phối hợp nhằm ngăn chặn Nga xâm lược Ukraine". Nếu Matxcơva chọn leo thang quân sự, các nước này sẽ sẵn sàng buộc Nga phải trả giá "đắt" về kinh tế, theo Reuters.
Các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về sự sẵn sàng tiếp tục "củng cố thế trận phòng thủ ở sườn phía đông của NATO" trong trường hợp Nga leo thang hơn nữa.
Trước đó, trong một cảnh báo đáng chú ý ngày 11-2, Mỹ cho biết Nga đã điều đủ quân số gần Ukraine để tiến hành một cuộc xâm lược lớn vào bất kỳ lúc nào nước này muốn. Cùng ngày, Washington kêu gọi tất cả công dân Mỹ rời Ukraine trong vòng 48 giờ do lo ngại tình hình diễn biến xấu bất ngờ.
Chính quyền Kiev cho biết lực lượng ly khai miền đông Ukraine, vốn được cho là do Nga hậu thuẫn, đang tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở các khu vực mà họ kiểm soát, cùng thời điểm Nga tổ chức các cuộc tập trận gần Ukraine.
Theo Hãng thông tấn Tass của Nga, Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Biden sẽ có cuộc điện đàm thứ hai để tháo gỡ căng thẳng quanh vấn đề Ukraine. Cuộc điện đàm dự kiến diễn ra tối 12-2 theo giờ Nga và theo yêu cầu của Mỹ, phía Điện Kremlin cho biết thêm.
Lần gần đây nhất hai nhà lãnh đạo nói chuyện qua điện thoại là vào ngày 7-12 năm ngoái. Trước tình hình căng thẳng ở châu Âu, cả ông Putin lẫn ông Biden liên tục có các cuộc điện đàm và gặp mặt trực tiếp lãnh đạo một số nước trong khu vực.
Trong một thông cáo ngày 11-2, Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc phương Tây đã phối hợp tung ra một chiến dịch phát tán thông tin sai lệch, vu cáo Matxcơva sắp tấn công Kiev nhằm đánh lạc hướng dư luận. Quy mô và mức độ của chiến dịch thông tin này ở mức tinh vi và lớn chưa từng có, theo Tass.
TTO - Ngày 10-2, Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi người Mỹ ở Ukraine rời đi ngay lập tức, đồng thời cảnh báo tình hình trong khu vực 'có thể nhanh chóng mất kiểm soát' khi Nga đang tập trung đông quân tại biên giới với Ukraine.
Xem thêm: mth.38850256021202202-oig-84-gnov-gnort-eniarku-ior-ym-nad-gnoc-ac-tat-iog-uek-notgnihsaw/nv.ertiout