Nhu cầu tuyển dụng tăng, trong khi nguồn nhân lực vẫn chưa thực sự dồi dào khiến các nhà máy có sự cạnh tranh nhau để thu hút lao động.
Tuyển gấp 100 lao động, 500 lao động, thậm chí là cả nghìn lao động…, những tấm bảng tuyển dụng lao động là hình ảnh dễ thấy tại các nhà máy ở các khu chế xuất, khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh sau Tết. Lao động phổ thông có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực sản xuất, công nghiệp là đối tượng được các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng.
Đơn hàng trong nước và xuất khẩu tăng 30% so với cùng kỳ, một số lao động không quay trở lại nhà máy sau Tết, Công ty Tân Quang Minh đã lập tức tuyển dụng mới công nhân.
Nhu cầu tuyển dụng tăng, trong khi nguồn nhân lực vẫn chưa thực sự dồi dào khiến các nhà máy có sự cạnh tranh nhau để thu hút lao động. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
"Phải cạnh tranh trong vấn đề tuyển dụng. Trước tiên, chúng tôi giữ nguyên chính sách lương thưởng, phúc lợi. Từ đầu năm, chúng tôi đã đưa ra quy chế về lương và tăng lương. Người lao động có mức lương tăng khoảng 8%, dù chính sách của nhà nước về mức lương tối thiểu chưa thay đổi, chúng tôi vẫn làm vấn đề này để thu hút người lao động", ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty Tân Quang Minh, cho biết.
Công ty Thực phẩm Cholimex cũng đang cần tuyển gấp 500 lao động để đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất, gia tăng đơn hàng. Không chỉ tìm nguồn ở thành phố, doanh nghiệp còn về các tỉnh miền Tây để tuyển công nhân, với cam kết đảm bảo mức lương ít nhất 6 triệu đồng/tháng.
"Hỗ trợ xe đưa đón, chỗ ở, kit test. Trong năm nay công ty có nhiều chính sách giữ chân người lao động, như khen thưởng, bình bầu, danh hiệu thi đua", bà Nguyễn Thị Huyền Trang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thực phẩm Cholimex, chia sẻ.
Số liệu ngành lao động thành phố cho thấy, hơn 1,9 triệu lao động đã quay lại TP Hồ Chí Minh làm việc sau kỳ nghỉ Tết, đạt 96%. Sau Tết, thành phố cần hơn 55.000 lao động mới, tập trung ở các ngành dệt may, da giày, sản xuất, thực phẩm, cơ khí, điện, điện tử...
"Khuyến cáo người lao động nên tập trung vào các ngành đó, nhất là logistics, cơ khí, chế tạo…những ngành nghề chất xám cao. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ kết nối cung cầu lao động của các tỉnh để người lao động và doanh nghiệp gặp nhau; tổ chức phiên hội chợ việc làm, sàn giao dịch việc làm, yêu cầu doanh nghiệp công khai thang bảng lương, thưởng để thu hút người lao động", ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, nhận định.
Các chuyên gia cũng cho rằng, sự thiếu hụt lao động chưa xảy ra vào đầu năm, mà có thể diễn ra ở quý 2, khi các doanh nghiệp hoạt động với công suất cao nhất. Khi đó, sự cạnh tranh để thu hút lao động của các doanh nghiệp sẽ càng lớn hơn.
VTV.vn - Để đảm bảo mục tiêu phục hồi từ những tháng đầu năm 2022, nhiều ngành nghề đã có chiến lược giữ chân nhân sự quay trở lại ngay sau Tết và tuyển mới theo từng giai đoạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.69311858041202202-man-uad-gnud-neyut-aud-yahc-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.vtv