Đường Đống Đa (TP Huế) xưa có tên là đại lộ Gia Long - Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Đường Minh Mạng xưa, Minh Mạng nay
Tháng 5-1996, UBND TP Huế đã quyết định đặt tên đường Minh Mạng cho tuyến đường nằm ở vùng đồi phía tây nam TP Huế hướng lên một số lăng vua và di tích thời Nguyễn. Điểm khởi đầu là đường Lê Ngô Cát cạnh đàn Nam Giao, và điểm cuối là cầu Lim 2 dài khoảng 1.200m...
Thực ra từ trước năm 1945, khi còn vương triều Nguyễn, Huế đã có đường Minh Mạng nằm ở phía đông bắc kinh thành. Năm 1956, chính quyền họ Ngô đổi tên thành Võ Tánh, cho đến tháng 1-1977, UBND tỉnh Bình Trị Thiên lúc ấy quyết định đổi đặt lại tên là Nguyễn Chí Thanh đến hiện nay.
Con đường này vốn nổi tiếng với hàng loạt phủ đệ của các ông hoàng bà chúa và một số đền chùa, hội quán cổ xưa... Đặc biệt hơn nữa, phần lớn các công trình kiến trúc cổ xưa nói trên lại "rủ nhau" quay lưng ra đường, tạo nên một đặc điểm chung biến mặt tiền thành "mặt hậu" rất đỗi thú vị.
Một điểm đặc biệt khác là tuyến đường này có hàng loạt phủ đệ của các ông hoàng con của đức Thánh Tổ Minh Mạng. Không biết có phải vì lý do này hay không mà ngày xưa người ta lấy niên hiệu Minh Mạng đặt cho tuyến đường.
Một số tài liệu xác định có ít nhất 5 phủ của 5 ông hoàng con trai Nguyễn Thánh Tổ - Minh Mạng.
Đó là phủ Vĩnh Tường quận vương - Nguyễn Phúc Miên Hoành, con trai thứ 5; phủ Mỹ Quận công - Nguyễn Phúc Miên Phú, con trai thứ 8; phủ Quảng Biên quận công - Nguyễn Phúc Miên Gia, con trai thứ 32; phủ Tuy An quận công - Nguyễn Phúc Miên Kháp, con trai thứ 41; và phủ Cẩm Giang quận vương (có tài liệu ghi quận công) - Nguyễn Phúc Miên Vãn, con trai thứ 59...
Cùng với đó là hàng loạt phủ đệ của các ông hoàng bà chúa nổi tiếng khác cùng trên tuyến đường.
Đơn cử như phủ bà chúa Nhất - Nguyễn Phúc Tốn Tùy, trưởng nữ của vua Dục Đức; lầu ông Hoàng Mười - Hoài Ân vương, con trai thứ 10 của vua Dục Đức; phủ Phúc Lộc trưởng công chúa - Nguyễn Phúc Ngọc Du, con gái Khang vương Nguyễn Phúc Luân; phủ Ngọc Sơn công chúa từ - thờ công chúa Nguyễn Phúc Hỉ Hỉ, con gái vua Đồng Khánh, nay là nơi gia đình nhà nghiên cứu Phan Thuận An đang ở và bảo quản...
Tôi nghĩ 13 vị vua mà ở Huế đặt được 3 vị thì phải suy nghĩ lại, mình quá khắt khe không hay mình chưa hiểu rõ hết. Không thể đặt tất cả được, nhưng 3 đường thì quá ít.
Nhà nghiên cứu Dương Phước Thu, tác giả sách Huế tên đường phố xưa và nay
Thành phố trong lòng thành phố
Đầu năm 2021, TP Thủ Đức (TP.HCM) chính thức thành lập, được nhiều người xem là thành phố trong thành phố đầu tiên của Việt Nam.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Dương Phước Thu cho biết chính quyền thuộc địa đã quan niệm khu vực kinh thành Huế là "thành phố nằm trong thành phố" từ cả trăm năm trước. Theo đó, khu vực kinh thành - bờ bắc sông Hương theo thiết chế Nam triều, còn khu "phố Tây" ở bờ nam thì "kiểu Pháp".
Đầu thế kỷ 19, khi xây dựng kinh đô Huế, nhiều con đường được mở rộng và mở mới, song nhà Nguyễn chưa chú ý đến việc đặt tên đường. Người xưa chỉ chú ý đặt tên cho những công trình kiến trúc như: cung điện, đền đài, lầu các, đàn miếu, thành quách, lăng mộ, hành cung, trường học, cầu cống... bằng các mỹ từ, mỹ hiệu đề cao vương quyền và thần quyền.
Việc đặt tên đường ở kinh đô, có thể nói bởi người Pháp, kể từ khi chính quyền bảo hộ xây dựng khu "phố Tây" ở bờ nam sông Hương bắt đầu từ cuối thế kỷ 19.
Theo đề tài khoa học "Nghiên cứu, xác lập ngân hàng tên đường phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế" năm 2009:
"Cùng với việc xây dựng hệ thống các công sở, nhà máy, trại lính, cơ sở giải trí... phục vụ cho đời sống sinh hoạt và bộ máy cai trị của chính quyền bảo hộ, nhà cầm quyền Pháp cho xây dựng các trường học, đặt tên các đường phố mang tên các nhân vật lịch sử của chính quốc và phong kiến nhà Nguyễn hoặc tên các viên sĩ quan và chính khách có thành tích xâm chiếm Việt Nam".
Người xưa dùng nhiều niên hiệu các vua Nguyễn đặt cho các con đường chính. Đặc biệt hơn nữa, một số "tên của vua" vừa được đặt cho đường khu vực bờ bắc, đồng thời với việc đặt cho một con đường ở bờ nam sông Hương.
Theo sách Huế tên đường phố xưa và nay của Dương Phước Thu, ở bờ bắc, đường Gia Long nay là đường Phan Đăng Lưu. Còn ở bờ nam, đại lộ Gia Long (avenue Gia Long) nay là đường Đống Đa. Đường Minh Mạng nay là Nguyễn Chí Thanh. Đường Thiệu Trị ở bờ bắc nay là Đào Duy Từ.
Còn ở bờ nam, đại lộ Thiệu Trị nay là đường Hai Bà Trưng (đoạn từ Ngô Quyền đến Phan Đình Phùng). Đường Tự Đức xưa có ở bờ bắc, nay là đường Nguyễn Du. Tương tự, ở bờ bắc có đường Bờ sông Đồng Khánh (Quai de Dong Khanh), nay là đường Bạch Đằng. Trong khi bờ nam có đại lộ Khải Định, nay là đường Nguyễn Huệ...
Sau bao thăng trầm và thay đổi, tên đường theo đó cũng biến đổi rất nhiều, cho đến nay ở Huế có 3 đường được đặt theo niên hiệu các vua Nguyễn. Đó là đường Minh Mạng đặt từ tháng 5-1996, Hàm Nghi từ tháng 6-1996 và Duy Tân từ tháng 5-1996. Nhà nghiên cứu Dương Phước Thu cảm thấy... "ưu tư" vì có đến 13 vị vua mà chỉ có 3 vị được đặt tên đường trên đất kinh đô xưa, xem ra quá "dè sẻn", ít ỏi.
Theo ông, đã đến lúc nên cân nhắc những đóng góp của một số vị vua Nguyễn để đặt tên đường, đơn cử như Nguyễn Thế Tổ - Gia Long xác lập chủ quyền ở Hoàng Sa; Nguyễn Hiến Tổ - Thiệu Trị gắn liền với 20 thắng cảnh đất kinh đô cùng sự chấn hưng Phật giáo và phương pháp dạy con, dạy quan; ông "vua yêu nước Thành Thái" hay Nguyễn Hoằng Tông - Khải Định gắn với nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị...
Ở Huế, hai tuyến đường gần phủ Kim Long, lỵ sở Đàng Trong thời chúa Nguyễn, được đặt tên hai vị chúa là Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phúc Nguyên - Ảnh: THÁI LỘC
Và đường các chúa Nguyễn
Không như các vua Nguyễn, phần lớn trong số các vị chúa Nguyễn thống lĩnh lưu dân người Việt mở đất phương Nam đã được đặt tên đường trên đất cố đô. Trước tiên là chúa Tiên - Nguyễn Hoàng được đặt tên từ tháng 6-1996 cho tuyến đường theo quy hoạch sẽ là một trục chính của Huế rộng 40m.
Thực ra từ trước đó, có hai giai đoạn Huế từng có đường Nguyễn Hoàng: từ 1956 - 1960 đặt cho đường nay là Trần Hưng Đạo (đoạn cầu Trường Tiền - Cửa Ngăn); từ 1965 - 1976 đặt cho đường nay là Phan Bội Châu (đoạn cầu Bến Ngự-Lê Lợi)...
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa, nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thông tin Thừa Thiên Huế, cho biết việc đặt tên Nguyễn Hoàng ban đầu cũng gặp phải "một số vấn đề", nhưng rồi đã được đồng thuận thông qua. "Trước tiên và "gai góc" nhất chính là tên đường Nguyễn Hoàng, nhưng "lọt qua" được thì tự nhiên các tên khác trở nên dễ dàng" - ông Hoa nhớ lại.
Như cách nói "đầu xuôi đuôi lọt", sau khi "đặt thành công" đường Nguyễn Hoàng, các vị chúa Nguyễn khác lần lượt được đặt tên đường.
Đó là các chúa Nguyễn Phúc Nguyên (đặt tháng 8-2001), Nguyễn Phúc Lan (8-2001), Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Thái, Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Phúc Thụ. Cùng với đó là nhiều vị quan lại, thành viên hoàng gia một số tổ chức, hoạt động hay phong trào yêu nước thời chúa Nguyễn và thời vua Nguyễn... cũng lần lượt được đặt tên đường.
Cùng với niên hiệu các vị chúa Nguyễn và vua Nguyễn đã đặt tên, các vị chúa và vua khác đã được đưa vào ngân hàng tên đường phố của Huế, bao gồm Gia Long, Thiệu Trị, Thành Thái, Nguyễn Phúc Khoát, Nguyễn Phúc Thuần và nhiều thành viên hoàng gia, quan lại thời Nguyễn...
------------------
Có những địa danh mà mới nghe tên người ta đã cảm giác thật gần gũi, thân thiết. Ðến một lần, có thể nặng lòng cả đời...
Kỳ tới: Xao xuyến lòng với ngõ Tạm Thương
TTO - Đường Trịnh Công Sơn ở Huế chính thức được đặt tên ngày 17-3-2011, cũng là con đường đầu tiên được đặt tên Trịnh Công Sơn trong cả nước nhân dịp 10 năm người nhạc sĩ tài danh đi xa.