“Tài khoản chứng khoán đỏ loè, chán không buồn xem”
“Tơi tả”, “Oánh nhau thế này thì nát bét hết”, “Tâm lý giới đầu tư lúc này rất yếu”, “Thị trường lại rơi, lăn như viên sỏi”, “Nhìn tài khoản mà em đau lòng quá”, khắp các diễn đàn chứng khoán là tiếng kêu than của các “chứng sĩ” (nhà đầu tư chứng khoán).
Những bất ổn xoay quanh cuộc đối đầu giữa Nga và Ukraine đã châm ngòi cho nhu cầu trú ẩn an toàn, qua đó thúc đẩy giá vàng tăng mạnh và chứng khoán giảm sâu.
Trên thế giới, các chỉ số “nhảy múa điên loạn”, chỉ số tương lai chứng khoán Mỹ, Châu Âu giảm trên 2%.
Ngoài chứng khoán lao dốc, lợi suất trái phiếu Mỹ cũng chịu chung số phận chìm trong sắc đỏ trong khi giá đồng đôla, vàng và dầu tăng vọt.
Giá dầu WTI của Mỹ tăng 4,73% lên mức 96,46 USD/thùng. Giá dầu Brent tăng 4,69% lên 101,93 USD/thùng, vượt qua mức 100 USD lần đầu tiên kể từ năm 2014.
Giá vàng tăng dựng đứng hơn 35 USD lên mức 1944 USD/ounce.
Giá Bitcoin sập hơn 8,34% xuống còn 34,892 USD/BTC, giá Ethereum giảm 12,07% xuống còn 2342 USD/ETH.
"Giới đầu tư trên thị trường luôn cố gắng đánh giá xem liệu Nga có dừng lại ở Donbass hay không, nhưng nhiều thông tin cho rằng họ đang tiến về phía Kiev. Đó sẽ là trường hợp xấu nhất. Thị trường đang bị ảnh hưởng rất nặng nề do không có người mua vì tâm lý lo ngại rủi ro, trong khi có rất nhiều người muốn bán tháo”, ông Chris Weston, chuyên gia phân tích đứng đầu Bộ phận nghiên cứu tại Pepperstone cho biết.
Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, các chỉ số cũng lao dốc cũng theo đà giảm của chứng khoán toàn cầu, rớt 15 điểm.
Bước vào phiên chiều, toàn thị trường có 47 mã giảm sàn, 724 mã giảm giá, chỉ có 163 mã tăng giá.
Vào lúc 13h10, VN-Index có thời điểm rơi hơn 35,77 điểm, HNX-Index giảm 13,97 điểm, Upcom – Index rơi 2,86 điểm.
Các nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, sắt thép, thực phẩm, bán lẻ, điện, xây dựng giảm sâu.
Duy chỉ có nhóm cổ phiếu dầu khí giữ được sắc xanh do được hưởng lợi từ thông tin giá dầu thế giới tăng vọt trên 100 USD/thùng. PVS, PVD, PGS, PLX, PGD, BSR, OIL, PVO, PVG, PVT giữ sắc xanh mạnh.
Trong khi nhóm ngân hàng nhuốm sắc đỏ. Tính tới đầu phiên chiều, chỉ có VPB và EIB giữ được sắc xanh, còn lại 24 mã cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh. TPB mất hơn 1,55%, VCB, TCB đều rơi 1,5%.
Nhóm cổ phiếu Bất động sản chưa thể gục dậy sau hai cú đạp liên tiếp. DIG, QCG, ROS “lau sàn”. Hàng loạt cổ phiếu bất động sản khác rơi thẳng đứng như CEO, HDC, NBB, CII….
Viễn cảnh đen tối cho kinh tế vĩ mô toàn cầu trong ngắn hạn nhưng ít tác động đến Châu Á.
Các chuyên gia nhận định kịch bản giá dầu tăng vọt lên 150 USD/thùng ít có khả năng xảy ra nhưng phía trước vẫn là "một viễn cảnh đen tối".
Ông Mark Zandi, Chuyên gia kinh tế trưởng của Moody’s Analytic cho rằng: "Lạm phát Mỹ hiện ở mức 7,5%, giá các sản phẩm năng lượng tăng cao sẽ khiến mọi chuyện tồi tệ hơn. Fed sẽ gặp khó trong những nỗ lực kiềm chế lạm phát và tạo việc làm".
Triển vọng để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất sau tháng 3 có thể trở nên mờ mịt nếu căng thẳng Nga-Ukraine không lắng dịu. Căng thẳng này đang đẩy giá xăng dầu và nhiều mặt hàng khác tăng chóng mặt ở Mỹ, trong khi người tiêu dùng là lực lượng đóng góp 70% GDP.
Lạm phát cao kết hợp với lãi suất tăng có thể khiến tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới sụt giảm. Nga là một nước xuất khẩu dầu lửa và khí đốt lớn, đồng thời cũng xuất khẩu nhiều bột mỳ, palladium, nickel, nhôm và các kim loại khác. Giá tất cả các mặt hàng này đều bị đẩy lên khi mối quan hệ giữa Nga với phương Tây xấu đi.
Nhiều chuyên gia kinh tế nói rằng chính giá dầu sẽ là nhân tố quan trọng nhất quyết định chính sách của Fed. Giá dầu tăng kéo lạm phát tăng mạnh theo. Đến một mức độ nào đó, giá dầu tăng cao kéo dài sẽ gây tổn hại cho tăng trưởng kinh tế. Khi đó, việc nâng lãi suất để chống lạm phát sẽ chẳng khác gì “con dao hai lưỡi”.
“Trọng tâm hiện nay của Fed là chống lạm phát, vì lạm phát đang nóng hơn và kéo dài hơn dự kiến. Ông cho rằng giá dầu ít có khả năng tăng lên mức 150 USD/thùng, và đó sẽ là một “kịch bản đen tối”, nhưng giá xăng dầu tăng vẫn là một vấn đề mà Fed quan tâm đặc biệt”, chuyên gia kinh tế trưởng Bruce Kasman của JPMorgan Chase nhận định.
Tuy nhiên, ông Alex Holmes, chuyên gia kinh tế học về thị trường mới nổi tại Công ty Capital Economics ở Singapore, nói rằng hầu hết nền kinh tế Châu Á có quan hệ thương mại và tài chính tương đối hạn chế với Nga cũng như Ukraine. Vì vậy, cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang đáng kể mới có thể gây tác động ở cấp vĩ mô.
Các chuyên gia phân tích cho rằng cuộc chiến xảy sẽ tác tới thị trường chứng khoán trong ngắn hạn.
Chuyên gia phân tích Larry Adam cho biết, bất chấp sự biến động ngắn hạn sau các sự kiện địa chính trị trong ba thập kỷ qua, từ các cuộc tấn công khủng bố đến bắt đầu chiến tranh, thị trường chứng khoán Mỹ có xu hướng phục hồi tương đối nhanh chóng với mức tăng trung bình 4,6% trong 6 tháng sau các cuộc khủng hoảng kể từ năm 1990.
“Nhìn chung, chính sách và điều kiện kinh tế của Fed có xu hướng là động lực lâu dài hơn cho nền kinh tế và thị trường tài chính hơn là các sự kiện địa chính trị biệt lập”, ông cho biết.
Xem thêm: odl.1237101-naol-noh-gnourt-iht-at-iot-naohk-gnuhc-naohk-iat-is-gnuhc-gnol-gnad/et-hnik/nv.gnodoal