Cũng những cây me ấy từng làm phông nền hiền hòa cho những khối kiến trúc mang khát vọng thanh cao nhất của một thành phố tri thức, thành phố của tình nhân ái...
"Đường im nghe quá khứ trong sầu"
Bức ảnh trên trang bìa tờ LIFE số ngày 15-11-1963 ghi lại cảnh một quân nhân chế độ Sài Gòn đang chống súng trường xuống đất và dốc cao bi-đông uống nốt những giọt nước cuối cùng; áo quần xộc xệch, vẻ mặt bơ phờ. Sau lưng anh ta, những chiếc ba lô, nón sắt và súng ống vứt ngổn ngang trên thảm cỏ khuôn viên. Những người lính trong phe đảo chánh sau 17 giờ chiến đấu với lữ đoàn phòng vệ Tổng thống phủ, đột nhập Dinh Gia Long đang đi lại, ngờ vực dõi nhìn đám đông hiếu kỳ tràn lên hàng rào sắt. Bên ngoài hàng rào, một số người còn trèo cả lên những cây me để xem cuộc đảo chánh như xem một vở kịch gay cấn sắp sửa hạ màn...
Phóng sự ảnh sống động và ấn tượng về cuộc chính biến trong số báo LIFE nói trên đặc tả không gian của một trật tự bị đảo lộn; phơi bày sự khốc liệt và chao đảo. Nhưng trên hồi kịch chính trị gay cấn đó là một phông nền nhất quán: đêm cũng như ngày, sự kiện được phủ che dưới những tán me xanh của xứ nhiệt đới gió mùa.
Với những cành xương, tán rậm và các khoảng xanh mịn chuyển sắc độ ánh sáng liên hồi, hàng me tạo nên một phối cảnh đặc biệt vừa có tính dịch biến dung hòa tự nhiên, vừa như thể muốn nhấn chìm, khỏa lấp đi các trò bể dâu xương máu mà con người dệt nên trên vũ đài quyền lực nhất thời.
Nhưng trong các bức ảnh mô tả cuộc đảo chánh, ta lại có thể nhận thấy vào thời điểm đó, năm 1963, hàng me đã cao lớn và phủ tán trên đường Gia Long. Có lẽ chúng được trồng từ khi vỉa hè con đường đẹp ở trung tâm Sài Gòn này hình thành, khi con đường này mang tên De La Grandière (từ năm 1870) hay cũng có thể là trước đó nữa, thuở còn tên Gouverneur bởi có Dinh Thống đốc Nam Kỳ tọa lạc.
Thuở ban sơ trong quy hoạch thành phố con đường này được đánh số 17 (tham khảo cuốn Từ điển Lịch sử Sài Gòn TP.HCM của Justin Corfield). Tên đường Gia Long được đổi từ ngày 30-4-1950 cho đoạn từ ngã sáu Phù Đổng tới Tự Do (Đồng Khởi), đoạn còn lại từ Đồng Khởi tới Đinh Tiên Hoàng vẫn là De La Grandière; sau 1955 thì toàn bộ con đường này mang tên Gia Long. Tên đường Lý Tự Trọng chính thức có từ sau 30-4-1975.
Dinh Gia Long trên con đường này (Bảo tàng Thành phố ngày nay) là biểu tượng sụp đổ của Đệ Nhất Cộng hòa năm 1963; từng là một công trình kiến trúc độc đáo và bề thế. Công trình do KTS Alfred Foulhoux thiết kế năm 1886; được xây dựng từ 1886 đến 1890. Công trình như một điểm nhấn làm cho con đường trung tâm này thêm vẻ đẹp trầm tĩnh sau nhiều thăng trầm, đúng như chức năng của nó, một bảo tàng kể chuyện thời gian.
Thư viện, nhà thương và những quầy bar
Con đường Lý Tự Trọng nay vẫn là một tuyến giao thông trung tâm có nhiều khoảng dừng chân: Bảo tàng Thành phố, và kế đó là Thư viện Khoa học tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 được nối tiếp với nhau bằng những dãy nhà phố, cửa hiệu, chung cư cũ - những công trình kiến trúc in đậm dấu ấn thời gian, chuyển dịch từ phong cách Art Deco sang Hiện đại (Modernism) đặc thù miền Nam Việt Nam.
Con đường này kể chuyện tri thức thành phố thông qua lai lịch của một thư viện. Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố trước đây là thư viện của các đô đốc, thống đốc được xây dựng từ 1868. Sau đó là Thư viện Quốc gia trong thời Việt Nam Cộng hòa. Một tòa nhà kiệt tác kiến trúc hiện đại do KTS Bùi Quang Hanh và Nguyễn Hữu Thiện thiết kế (KTS Lê Văn Lắm cố vấn; được xây dựng từ năm 1968 đến 1971).
Một phần trong khu đất từng là Khám lớn trong thời Pháp thuộc, nhưng cái không gian của các thư phòng ở một góc đường hiền hòa đã không còn gợi nên ấn tượng nào về sự tàn khốc trong lịch sử.
Câu chuyện về một kho tri thức điều hành bởi những công chức mẫn cán trách nhiệm từ chế độ miền Nam chuyển tiếp sang thời kỳ hòa bình thống nhất với những nỗ lực để dòng chảy văn hóa thành phố được liền lạc không đứt gãy có lẽ sẽ còn được kể ở văn khố này một cách mạch lạc.
Một điểm ký ức khác trên đường Lý Tự Trọng nay có lẽ đã ăn sâu vào đời sống tinh thần nhiều thị dân Sài Gòn đó là Hôpital Grall (người Sài Gòn vẫn gọi bằng cái tên rất thân thương là Nhà thương Đồn Đất hay Nhà thương Grall, nay là Bệnh viện Nhi đồng 2). Công trình bệnh viện quân sự đầu tiên của thành phố Sài Gòn ghi dấu sự cống hiến to lớn của các bác sĩ Pháp trong chăm sóc sức khỏe cho người dân Sài Gòn.
Bệnh viện này từng bị trúng bom oanh tạc của phi cơ quân đội Mỹ vào ngày 7-2-1945, thiệt hại nhiều, nhưng dư chấn của sự kiện liên quan tới Đệ nhị Thế chiến nói trên không làm gián đoạn một lịch sử nhân đạo, mang dấu ấn của nền y khoa Pháp tại Sài Gòn.
Vỉa tầng ký ức
Ngày nay, nếu như bảo tàng và thư viện là hai điểm nhấn chính tạo nên chiều sâu ký ức con đường Lý Tự Trọng một chiều dưới tán me rợp xanh ở khu trung tâm này, thì những tòa chung cư, những dãy nhà phố, những góc ngã tư với hàng quán mang nhịp sống trẻ trung, cởi mở.
Lùi một khoảng về thì quá khứ gần, ở góc Lý Tự Trọng - Đồng Khởi, ngã tư trung tâm này có một quầy bar mà lứa trung niên trung lưu một, hai thập niên trước thường hay tìm đến: Chu Bar. Không gian âm nhạc, bài trí giữ lại nhiều nét hào hoa, tự do và lịch sự kiểu Sài Gòn cũ.
Bên một ly rượu, từ cửa sổ của Chu Bar về khuya có thể nhìn thấy khu phố trung tâm với hàng me già, góc công viên và vỉa hè đèn vàng. Khung cảnh đó vừa gợi lại ký ức một Sài Gòn hôm qua, dù thứ âm nhạc ở đây lại là những hồi ức thị dân mới. Đôi khi ở đây, ta có thể mường tượng được trở về với không khí nhạc trẻ Sài Gòn từ thập niên 1970.
Những vỉa tầng ký ức về thành phố được gợi nên từ âm nhạc, thị giác và cả cung cách giao thiệp vừa phảng phất một chút hippie, một chút hiện sinh lịch lãm... hội tụ ở Chu Bar. Đây là điểm ký ức của nhiều người trưởng thành và thành danh ở thành phố này sau 1975, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và doanh nhân trí thức.
Nhưng mới đó thôi, Chu Bar đã đi vào ký ức. Nay ta thấy cái góc cửa vát của căn shop-house hai mặt tiền dưới tòa chung cư cũ đã có một biển hiệu cà phê mới.
Trào lưu mới, giới trẻ Sài Gòn bây giờ sẽ thích đi sâu vào trong các chung cư cũ có nền lát gạch bông trên con đường này, theo những cầu thang đá rửa tìm đến các căn hộ cao tầng, nơi có những quán cà phê, những quầy bar thật "chill" theo lối nửa vintage nửa speak-easy (tửu quán bí mật) để kiếm tìm một Sài Gòn hiện đại trong hoài niệm.
Từ cửa sổ của những quán cà phê chung cư, có thể nhìn xuống con đường Lý Tự Trọng ẩn hiện sau những tán me già... Dòng xe vẫn trôi miệt mài bên dưới với vô vàn câu chuyện, vô vàn số phận, vô vàn khắc ghi và quên lãng.
---
Con đường ven kinh Tẻ ngày ngày leng keng tiếng nhạc ngựa. Mặt này đường là dòng kinh thuyền ghe tấp nập, mặt kia là đầm lầy và đồng ruộng với những chòm xóm thưa thớt. Khung cảnh đó chỉ mới đây, già nửa thế kỷ trước...
Kỳ tới: Trần Xuân Soạn, con đường thở cùng dòng kinh
Những ngày đầu mới đến xóm ga Sài Gòn, tôi mất ngủ bởi tiếng còi tàu, tiếng bánh sắt nghiến trên thiết lộ. Nhưng rồi sớm quen, những thanh âm đó trở thành một phần nhịp sinh học của tôi...