Theo ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ Online, tuyến chính của dự án cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo dài gần 100km gần như thông xe kỹ thuật.
Tuy nhiên, công đoạn thi công đường dẫn lên các cầu vượt trên tuyến gần như bất động. Tuyến đường gom dân sinh cũng không khả quan hơn.
Vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy đi kiểm tra thực tế hiện trạng của dự án cũng sốt ruột với các hạng mục này không tiến triển, kể từ sau mốc thông xe kỹ thuật.
Theo một số nhà thầu, nguyên nhân ngoài việc do một số đơn vị chậm bắt lại nhịp thi công từ sau khi nghỉ Tết Nguyên đán thì khó khăn nhất hiện nay là tái diễn tình trạng không có đất đắp.
Dự án chậm tiến độ so với kế hoạch
Theo kế hoạch, dự án phải hoàn thành trước ngày 31-12-2022 nên giấy phép mỏ đất đắp theo cơ chế đặc thù (không thông qua đấu giá quyền khai thác).
Khi dự án được gia hạn thêm 6 tháng, đồng nghĩa khối lượng công việc cần nguồn đất đắp còn lớn như hạng mục đường gom dân sinh và đường dẫn hai đầu cầu.
Nhưng đến khi hết hạn, các nhà thầu mới triển khai thủ tục xin gia hạn khai thác tiếp tục các mỏ này đến UBND tỉnh Bình Thuận.
Theo báo cáo của các nhà thầu, tổng cộng có 6 mỏ được cấp phép như trên với trữ lượng 2,27 triệu m3 và đã khai thác được 1,24 triệu m3.
Các đơn vị này kiến nghị trong thời gian hoàn tất thủ tục xin gia hạn thì được tiếp tục khai thác để kịp đáp ứng tiến độ của dự án.
UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng do sự chậm trễ của nhà thầu trong việc xin gia hạn khai thác và theo cơ chế đặc thù đối với các mỏ này không có phần được gia hạn.
Vì vậy, tỉnh đã báo cáo đến Chính phủ xem xét giải quyết như những kiến nghị của các nhà thầu.
Nhận được văn bản trình bày những vướng mắc trên của UBND tỉnh Bình Thuận và Bộ Giao thông vận tải, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng đến Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xem xét giải quyết.
Bộ Tài nguyên và Môi trường phúc đáp các thủ tục trên thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh theo Luật khoáng sản. Đồng thời, bộ cũng cho rằng các kiến nghị của UBND tỉnh Bình Thuận và Bộ Giao thông vận tải thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Vậy là sau hơn 2 tháng hết hạn, các mỏ vẫn chưa được cấp phép khai thác trở lại. Công trường cao tốc lại điệp khúc chờ đất đắp như lúc ban đầu.
Hàng loạt dự án giao thông được triển khai tại khu vực miền Trung, Đông Nam Bộ, miền Tây đang đối mặt tình trạng khan hiếm đất đắp nền, cát và đá xây dựng. Nguồn vật liệu này lấy từ đâu, khai thác ra sao đang là vấn đề gây đau đầu.