"Đây là nhà tôi, tôi không đi đâu cả"
Một năm trước, Bakhmut là thành phố yên bình với khoảng 70.000 người sinh sống ở khu vực Donetsk, đông Ukraine. Nay hầu hết người dân đã phải di tản và nơi đây gần như chỉ còn là thành phố điêu tàn.
Khó có thể tưởng tượng dưới làn mưa bom, bão đạn hằng ngày, có đến 7.000 người, tương đương 10% dân số ban đầu của thành phố, kiên quyết ở lại. Hầu hết là người cao tuổi, những người kiên quyết không rời bỏ quê hương, hoặc đơn giản không còn nơi nào để đi.
"Ai cũng nói về chuyện di tản. Tại sao tôi phải đi chứ? Đây là nhà tôi. Đây là nơi gia đình tôi được chôn cất", ông Yuri, cư dân đã nghỉ hưu, quả quyết với phóng viên tạp chí Der Spiegel (Đức). Một phụ nữ cao tuổi nói thêm: "Chúng tôi không được yêu thương ở những nơi khác. Còn ở đây mới là nhà".
Tất cả tiện ích ở Bakhmut đều không còn. Người ở lại sống phụ thuộc vào nguồn thức ăn, nước uống và vật tư y tế được các tình nguyện viên mang đến. Đến cả các bệnh viện cũng bị phá hủy. May thay vẫn còn ít nhất một bác sĩ bám trụ lại thành phố.
"Tôi ở đây vì Lời thề Hippocrates (lời tuyên thệ của các thầy thuốc khi vào nghề). Bác sĩ chúng tôi sẽ là người cuối cùng rời đi", nữ bác sĩ Tatiana Molchonova chia sẻ.
Mình phải làm việc này
Nằm giữa thành phố Bakhmut, bao bọc bởi những tòa nhà sụp đổ và các kiến trúc đang cháy âm ỉ là nhà tang lễ thành phố. Ở đây, một nhóm nhân viên vẫn hằng ngày thực hiện nhiệm vụ của mình. Nhóm của họ có 8 người, gồm 6 đàn ông và 2 phụ nữ.
"Tất cả mọi người đều muốn được chôn cất đàng hoàng sau khi chết. Chúng tôi không thể giúp gì nhiều cho họ. Các nhà thờ đã đóng cửa, hoa đều đã héo, và nhiều khi chúng tôi còn không biết thời điểm qua đời của họ là khi nào. Nhưng tôi vẫn cảm thấy mình phải làm việc này", anh Petya, nhân viên trẻ nhất nhà tang lễ, chia sẻ.
Công việc hằng ngày của đội tang lễ bao gồm tiếp nhận thông tin về người chết, đến tận nơi thu nhận thi thể, thực hiện các thủ tục chứng tử và chuẩn bị an táng cho họ. Mọi thứ nghe có vẻ đơn giản, nhưng với việc họ phải tự làm mọi thứ dưới làn đạn, không còn gì là dễ dàng.
Có lần chiếc xe tang của họ bị trúng tên lửa Nga bắn trong đêm. Từ đó họ phải đấu dây điện khởi động chiếc xe họ thấy trên đường để di chuyển.
Cũng có lần, chỉ trong một tuần, một trong số họ bị thương, người khác suýt mất mạng vì lạc đạn, rồi một quả tên lửa rơi trúng bãi đất của nhà tang lễ.
Một buổi sáng nọ, anh Petya và hai cộng sự cùng lái xe quanh thành phố để nhận ba thi thể được báo cáo.
Thi thể đầu tiên là của bà Nina Kolomoizeva. Bà nằm giữa đống nội thất ngổn ngang trong một căn hộ ngay gần nhà tang lễ. Nửa phần đầu của bà đã không còn. Đội tang lễ không thể tìm thấy giấy tờ của bà, nhưng nguyên nhân cái chết thì đã đủ rõ ràng để thực hiện giấy tờ.
Họ di chuyển đến khu Posyolok, nơi có tin đồn một người đàn ông đã qua đời trước đó không lâu.
Nhóm Petya phải lái xe nhiều vòng quanh khu vực, hỏi han từng người họ gặp trên đường, trước khi tìm thấy thi thể ông Yuriy. Ông nằm trên ghế sofa, đầu hơi gục sang một bên. Khả năng cao ông qua đời do đau tim.
Thi thể cuối cùng trong ngày có địa chỉ rõ ràng. Bà Nina Michailova, 73 tuổi, thủ thư về hưu, qua đời trên giường ngủ. Trước khi mang bà đi, anh Petya lục khắp căn hộ để tìm giấy tờ định danh của bà.
Hàng xóm bà Michailova trông thấy đội tang lễ đưa bà ra xe, liền chia sẻ: "Tôi biết Nina. Hình như bà ấy bị ung thư. Lúc sinh thời, bà rất sôi nổi, bà thích nói chuyện với tất cả mọi người. Bà thông minh lắm".
Với mỗi thi thể nhận về, các thành viên trong đội tang lễ đều tự hỏi: Họ đã là người thế nào? Vì sao họ chết? Do bệnh ác tính, hay do giá rét?
Thậm chí, không dưới một lần họ đã phải tiếp nhận thi thể những người vô gia cư, không tên, không tuổi, không một thông tin. Nghĩa trang thành phố giờ đây có không ít ngôi mộ được khắc "Vô danh - 2023".
Những đám tang hiu quạnh
Bà Margartia Popovich, 95 tuổi, được tiễn đưa bởi con gái và hàng xóm. Đám tang của bà được tổ chức vào thứ sáu, mới chỉ là đám tang đầu tiên trong tuần có sự tham gia của người thân.
Các nghi thức được thực hiện đơn giản. Anh Petya đọc vài lời cầu nguyện, sau đó rưới một bình nước thánh lên quan tài. Nhờ dự liệu trước mà con của bà Popovich đã xin trước được một bình khi các nhà thờ còn mở cửa.
Sau đó, nhóm đàn ông phá lớp băng trên mặt đất và tiến hành hạ huyệt. Khi đã lấp đất xong, hai vòng hoa nhựa được đặt trên mộ, cạnh cây thánh giá và bảng tên mộ cũng bằng nhựa.
Ngay sau tang lễ, nhóm của anh Petya lại tiếp tục xuống đường, tìm kiếm các thi thể để chuẩn bị đưa họ đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Chiến sự vẫn đang tiếp tục, và ảnh hưởng đến tất cả. Có người trở nên dũng cảm hơn, cũng có người phát điên. Dù là ai đi nữa, anh Petya và các cộng sự vẫn sẽ ở đây để tiễn đưa họ.
TTCT - Không có gì kéo tầm nhìn của nhân loại về cùng hướng như một cuộc chiến thảm khốc - có thể coi đó là chủ đề bất thành văn của Hội nghị an ninh Munich năm nay.
Xem thêm: mth.34340951152203202-tumhkab-aul-oahc-o-nad-aum-nal-gnort-el-gnat-iod/nv.ertiout