Buổi trao giải diễn ra ấm cúng tại trụ sở Hội Nhà văn TP.HCM ngày 28-2, với sự góp mặt của ban chấp hành Hội cùng nhiều nhà văn, nhà thơ hội viên và các tác giả trẻ.
Nhiều tác phẩm có điểm nhấn táo bạo
Giải thưởng Tác giả trẻ Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022 được trao cho ba tác giả: nhà văn Lê Vũ Trường Giang với tập truyện ngắn Bạc màu áo ngự, nhà thơ Trần Đức Tín (bút danh Khét) với tập thơ Chín nhánh da vàng và nhà thơ Vĩ Hạ với tập thơ Đi tìm những bóng người.
Theo nhà thơ Nguyễn Bình Phương - phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trong năm qua, văn chương của các tác giả dưới độ tuổi 35 có nhiều điểm nhấn táo bạo, độc đáo, thể hiện góc nhìn thời cuộc với cá tính riêng đầy tự tin và mẫn tiệp của người trẻ.
Các bạn rất vững về kỹ thuật, khoáng đạt, sắc sảo trong cách tiếp cận, mổ xẻ những vấn đề xã hội đương thời bằng trách nhiệm công dân và lương tri nghệ sĩ của người sáng tác.
Các tác giả không ngại ngần lảng tránh mà mạnh dạn chạm tới những vấn đề nhạy cảm để soi rọi những góc thầm kín cá nhân với tinh thần cảm thông chia sẻ. Đây là tinh thần quan trọng sống còn để chống lại đà chi phối của thói quen và những cơ chế quản lý cứng nhắc.
"Tôi sinh ra từ làng ven biển cuối Cửu Long. Tôi hiểu đất quê mình không muốn hóa rồng. Tất cả những gì ông, cha, tôi muốn là bình yên, là hạnh phúc. Mà chúng ta chỉ thật sự hạnh phúc, thật sự bình yên khi và chỉ khi ta sống bằng lòng tốt, đối đãi bằng lòng tốt và thở bằng lòng tốt. Tôi cho rằng thơ (văn chương) sẽ làm tốt điều đó" - nhà thơ Trần Đức Tín chia sẻ.
Dịp này, Hội Nhà văn cũng trao quyết định Giải thưởng Văn học sông Mekong năm 2022 cho hai tác giả: nhà văn Nguyễn Bắc Sơn với tiểu thuyết Lính tăng và nhà văn Trình Quang Phú với bút ký Ký sự xứ người.
Đây là giải thưởng quốc tế với sự tham gia của sáu nước Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar và Trung Quốc. Lễ trao giải chính thức sẽ được tổ chức tại quốc gia đăng cai.
Trao giải cho những nữ nhà văn vượt qua nghịch cảnh
Đặc biệt, giải thưởng Nhà văn nữ ấn tượng năm 2022 được trao cho nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa (Ninh Thuận) và nhà văn Nguyễn Bích Lan (Hà Nội).
Đây là hai tác giả có hoàn cảnh khó khăn nhưng đã nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, kiên trì sáng tác và lan tỏa những điều tốt đẹp.
Nhà văn Kim Hòa sinh năm 1984 tại Ninh Thuận. Dù bị sốt và bại liệt hai tay từ nhỏ, chỉ có thể viết được bằng 3 ngón tay trái trong tư thế nằm nghiêng, nhưng chị đã vượt qua nghịch cảnh để trở thành giáo viên tiểu học và nhà văn.
Lớp học Cây Me của Kim Hòa tại quê nhà nay đã có gần 100 học sinh. Các em là động lực để cô Hòa miệt mài sáng tác nên hàng chục tác phẩm văn chương đầy cảm xúc. Trong đó, có 7 tác phẩm viết cho thiếu nhi lấy cảm hứng từ các học trò, cũng là "độc giả nhí trung thành" của chị.
"Các em cứ cổ vũ cô ơi viết đi, động viên mình viết tiếp. Mình cũng tạo lập cho các em thói quen đọc sách và tìm hiểu văn học. Sắp tới, mình sẽ xuất bản sách Vương quốc ngộ nghĩnh về chính lớp học nhỏ của mình, một câu chuyện dành cho trẻ con nhưng người lớn cũng thấy mình trong đó, và một tác phẩm khác về quê hương Ninh Thuận" - nhà văn Kim Hòa chia sẻ.
"Mỗi thế hệ có một tiếng nói của riêng mình. Chúng tôi trao cho các bạn hy vọng và niềm tin. Các bạn có thể thay đổi về thi pháp, đề tài, về buồn vui trong tác phẩm, nhưng đừng thay đổi lương tri, tình yêu thương, trách nhiệm và tự trọng với đất nước mình" - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhấn mạnh.
Dịp này, Hội Nhà văn cũng tổ chức kết nạp 7 hội viên mới, và tổ chức đại hội bầu ra ban chấp hành mới cho Chi hội Nhà văn Việt Nam tại TP.HCM.
Ban chấp hành Chi hội Nhà văn Việt Nam tại TP.HCM nhiệm kỳ 2023-2028 gồm các thành viên: nhà văn Trịnh Bích Ngân, nhà văn Bùi Anh Tấn, nhà văn Trầm Hương, nhà thơ Bùi Phan Thảo, nhà văn Đỗ Viết Nghiệm, nhà thơ Phạm Trung Tín và nhà văn Lại Văn Long.
Hội Nhà văn TP.HCM năm 2022 kết nạp thêm 29 hội viên, trong đó có đạo diễn Xuân Phượng, nhà văn Lưu Vĩ Lân, nhà báo Dương Thành Truyền... Hội đang đặt ra mục tiêu trẻ hóa bởi 3/4 hội viên hiện tại trên 65 tuổi.
Xem thêm: mth.70354944182203202-gnout-na-un-nav-ahn-iaig-nahn-nal-hcib-neyugn-av-aoh-mik-iht-neyugn/nv.ertiout