Năm 2020, giải Nobel Hóa học 2020 trao cho hai nhà khoa học Emmanuelle Charpentier và Jennifer A. Doudna với công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR-Cas9 bởi những chiếc kéo di truyền này "đã đưa khoa học sự sống sang một kỷ nguyên mới".
Walter Isaacson - "bậc thầy tiểu sử", tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy như Albert Einstein - Cuộc đời và vũ trụ, Benjamin Franklin - Cuộc đời một người Mỹ, Tiểu sử Steve Jobs, Leonardo da Vinci..., người từng bị thu hút và tò mò trước sự biến đổi màu da của một con thằn lằn, không có lý do gì không bị sức hấp dẫn của công nghệ này vây lấy tâm trí.
Để rồi ông tìm gặp Jennifer Doudna và đặt vấn đề viết một cuốn sách mới với nội dung về "viết lại mã sự sống".
Viết lại mã sự sống khai thác các chủ đề khoa học, thiên tài, thử nghiệm, mã hóa, suy nghĩ khác biệt.
Nhưng đây là lần đầu tiên Walter Isaacson viết về chân dung người nữ.
Lần đầu tiên trong lịch sử có một loài đã phát triển khả năng chỉnh sửa cấu trúc gene của chính mình.
Còn điều gì đáng kinh ngạc, hoang mang và phức tạp hơn thế?
Nếu chỉnh sửa gene một cách an toàn để giúp thế hệ sau ít bị nhiễm HIV hoặc coronavirus thì có sai không?
Hoặc nếu không làm vậy thì có sai không?
Liệu điều này có phù hợp với sự phát triển của tự nhiên?...
Thậm chí những câu hỏi có vẻ "mang đậm tính giai cấp" cũng được đặt ra: Liệu có phải chỉ những người giàu mới có thể mua được những gene tốt nhất?...
Nhưng Walter Isaacson thú vị ở chỗ ông không, chưa bao giờ là một người kể chuyện một chiều. Nhân vật trung tâm ở đây là Jennifer Doudna dù bà không phải là "giọng nói" duy nhất.
Ngoài Jennifer - người đã tham gia hàng chục cuộc phỏng vấn, trả lời email và điện thoại liên tục của Walter, còn có sự "góp giọng" của Feng Zhang - nhà khoa học "đối thủ" của Jennifer, cùng hàng loạt nhà nghiên cứu khác.
Tất cả khiến Viết lại mã sự sống trở thành cuốn sách về một hành trình khám phá khoa học sự sống mà ai cũng dự phần vào đó.
Cuốn sách cũng tái hiện lại cuộc đối đầu trên mặt trận khoa học để chỉ ra CRISPR có thể chỉnh sửa gene của người. Isaacson gọi đây là cuộc đua "sôi nổi", "cay đắng", thậm chí "điên cuồng" nhưng lãng phí thời gian và tiền bạc được trình bày thông qua lối kể chuyện tỉnh táo, hấp dẫn và hài hước.
Cuốn sách cũng khiến độc giả tự hỏi phải chăng Walter Isaacson đã ưu ái Jennifer Doudna quá?
Trên trang bìa cuốn sách, chân dung Jennifer Doudna - nhà khoa học đầy tham vọng đang cười - nổi rõ.
Ngay dưới tựa sách là tít phụ chạy dòng chữ "Jennifer Doudna, chỉnh sửa gene và tương lai loài người".
Tuy nhiên, công nghệ này chưa khi nào là khám phá của một mình Jennifer.
Bất chấp chi tiết có vẻ chủ quan đó, bất chấp cả những câu hỏi lẫn nghi ngại bao quanh số phận của CRISPR-Cas9 trong tương lai, cuốn sách của Walter Isaacson vẫn nhận được sự yêu thích của độc giả trên toàn thế giới - những người thích tò mò về mọi thứ.
Walter Isaacson nói thật may mắn khi con người được trời phú cho trí tò mò. Đó cũng là thứ cứu rỗi chúng ta.
Ông nói việc tìm hiểu xem có nên và khi nào có thể chỉnh sửa gene của chúng ta hay không sẽ là một trong những câu hỏi quan trọng nhất của thế kỷ 21.
Ông đã bắt đầu cuốn sách này bằng một thắc mắc của cá nhân như thế.
Trong cuốn sách nhỏ hơn 200 trang là một câu chuyện lớn về dân tộc, đất nước ở giai đoạn gian nan, bi tráng: cuộc kháng chiến chống Mỹ giành tự do và thống nhất đất nước.