Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có trả lời kiến nghị của cử tri từ Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bắc Giang và Hà Nội gửi đến trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.
Đề nghị nghiên cứu sửa đổi điều kiện hưởng lương hưu
Theo đó, cử tri đề nghị xem xét lại thời gian hưởng chế độ hưu trí của người lao động (đến năm 2028 nữ 60 tuổi, nam 62 tuổi mới đủ tuổi nghỉ hưu), vì thời gian để được hưởng chế độ hưu trí quá dài, nhiều người chưa kịp hưởng chế độ hưu trí đã qua đời.
"Quy định này không phù hợp với tất cả các nhóm người lao động. Đề nghị nghiên cứu, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội về điều kiện hưởng lương hưu.
Một số trường hợp người lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc làm các công việc có tính chất đặc thù cao như giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, nhân viên y tế... tuổi được hưởng lương hưu có thể thấp hơn 5 năm so với quy định trên", cử tri đề nghị.
Một số trường hợp có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn?
Trả lời nội dung này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho hay chế độ hưu trí hay còn được gọi là chế độ tuổi già, là một phần chính sách bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo nguồn thu nhập hàng tháng cho người lao động khi về già (đến tuổi nghỉ hưu).
Theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, người lao động để được hưởng lương hưu hàng tháng thì phải đáp ứng đồng thời hai điều kiện về tuổi đời và thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
Việc này nhằm đảm bảo hài hòa, cân đối giữa thời gian đóng góp và thời gian thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động, từ đó đảm bảo cân đối và bền vững của Quỹ bảo hiểm xã hội.
Tuổi nghỉ hưu đã được thảo luận, thống nhất thông qua tại nghị quyết 28/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12.
Thể chế hóa chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu tại nghị quyết 28, Quốc hội đã thống nhất ban hành Bộ luật Lao động năm 2019, trong đó quy định về tuổi nghỉ hưu, điều kiện về tuổi hưởng lương hưu.
Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Bộ luật Lao động năm 2019, vấn đề tuổi nghỉ hưu đã được trao đổi, thảo luận, đánh giá một cách kỹ lưỡng, tổng thể các mặt có liên quan.
Vì vậy, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu hay điều kiện về tuổi hưởng lương hưu của người lao động không thực hiện tăng ngay lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ, mà điều chỉnh theo lộ trình mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng đã xem xét tính đến các yếu tố về tính chất, loại hình lao động và sức khỏe của người lao động.
Đối với những người lao động làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc những người lao động có sức khỏe yếu (bị suy giảm khả năng lao động) có thể nghỉ hưu sớm hơn tối đa 5 tuổi hoặc 10 tuổi, tùy trường hợp.
Trong một số trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ (chính sách đối với người lao động dôi dư; chính sách tinh giản biên chế; chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm), người lao động, cán bộ, công chức, viên chức có nguyện vọng và đủ điều kiện cũng hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi theo quy định.
Bộ Nội vụ đã có đề nghị về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang... khi thực hiện chế độ tiền lương mới từ 1-7.