Dù có chức năng làm đẹp cho đời nhưng ngành công nghiệp thời trang cũng góp phần không nhỏ trong việc gây tổn hại đến môi trường nước, đất và không khí.
Lượng khí thải carbon, hóa chất và các bãi rác áo quần, phụ kiện thời trang sản sinh từ ngành này hằng năm vẫn là gánh nặng. Vì lẽ đó, việc đi tìm các “chất liệu xanh” để sản xuất và tiêu dùng lâu dài trong thời trang là vô cùng quan trọng.
Chất liệu xanh là gì?
Sử thi Ramayana nổi tiếng của người Ấn Độ có một chi tiết đáng chú ý: Khi bị lưu đày vào rừng 14 năm, Hoàng tử Rama và Công chúa Sita đã cởi bỏ lụa là, mặc áo vỏ cây. Đó chính là hành động chọn lựa chất liệu xanh đầu tiên để tránh tổn hại đến môi trường - một trong những phương thức biểu hiện đạo đức của nhân vật. Quả vậy, vải tự nhiên làm từ thực vật luôn là ưu tiên của các nhà thiết kế (NTK) và sản xuất thời trang từ xưa đến nay nhằm giảm thiểu tổn thương cho môi trường. Loại vải này còn có độ bền cao, có thể tái chế hoặc tự phân hủy sinh học.
Gần đây, bông hữu cơ dần thay thế cho bông truyền thống. Bởi lẽ bông truyền thống được trồng nhiều lần trên cùng một vùng đất, khiến đất mất đi giá trị dinh dưỡng. Trong khi đó, bông hữu cơ được trồng luân canh trên nhiều mảnh đất, sử dụng hạt giống tự nhiên và nói không với hóa chất hay thuốc trừ sâu. Các loài cây có thể phát triển trên đất ít dinh dưỡng, ít khát nước và hấp thụ nhiều carbonic từ khí quyển như gai dầu, tre, đay, lanh, bạch đàn... cũng được trồng nhiều hơn để phục vụ cho thời trang bền vững. Không chỉ có vậy, ngành thời trang còn chú trọng đến việc tạo ra các chất liệu vải bán tổng hợp, vải tái chế như polyester, nylon…
Nếu trong nhiều thập niên trước, các sản phẩm thời trang có nguồn gốc từ động vật như da trăn, da cá sấu, da beo, lông cừu... được xem là sành điệu và sang trọng thì ngày nay, việc sử dụng các chất liệu này đang bị lên án mạnh mẽ vì phạm vào đạo luật nhân đạo với động vật.
Lan tỏa giá trị xanh của thời trang Việt
Là một xứ sở nông nghiệp nhiệt đới, Việt Nam có khá nhiều chất liệu xanh cho thời trang.
Trong khoảng ba thập niên trở lại đây, các NTK Việt Nam đã chú ý phát triển hai đặc tính quan trọng của thời trang là bản sắc và bền vững. Việc tìm về các chất liệu dân tộc như thổ cẩm, lãnh, tơ... cho thấy quyết tâm khẳng định giá trị cao và đa dạng của thời trang Việt Nam.
Bên cạnh đó, các không gian thời trang đề cao môi sinh và truyền cảm hứng bảo vệ môi trường cho khán giả đã được triển khai như chương trình “Cát Tiên - Bốn mùa xanh lá” (NTK Minh Hạnh, tháng 5-2023), “Lụa Bảo Lộc và thổ cẩm Lâm Đồng” (NTK Minh Hạnh, tháng 12-2019), “Lãnh Mỹ A - Báu vật nghìn năm” (NTK Võ Việt Chung, tháng 11-2019)... Các NTK trẻ đương đại như Lâm Gia Khang, Chung Thanh Phong, Đỗ Mạnh Cường, Hồ Trần Dạ Thảo... cũng ngày càng hướng đến thời trang bền vững trong các bộ sưu tập hoặc tuần lễ thời trang.
Tính đến thời điểm hiện tại, các chất liệu xanh gây được tiếng vang trong ngành thời trang Việt có thể kể đến là lãnh Mỹ A, tơ khóm Cầu Đúc, tơ chuối Musa, sợi tơ dứa Ecosoi, lụa tơ tằm Bảo Lộc, lụa tơ sen Mỹ Đức...
Lãnh Mỹ A vốn là tơ lụa thủ công ở vùng Tân Châu (An Giang), sau đó được nhuộm bằng mủ của trái mặc nưa. Thành phẩm lãnh có màu đen bóng, tạo cảm giác bền chắc và sang trọng. NTK Võ Việt Chung đã được UNESCO vinh danh là “Người có công khôi phục và phát triển chất liệu truyền thống lãnh Mỹ A” vào năm 2007.
Những ngày cuối tháng 9-2023, tỉnh Hậu Giang tràn đầy sinh khí với Festival áo bà ba, quy tụ rất đông du khách trong và ngoài nước. Lần đầu tiên chiếc áo bà ba được may từ chất liệu tơ khóm Cầu Đúc mềm mịn, không nhăn và có tính thẩm mỹ cao được giới thiệu. Một lần nữa, NTK Minh Hạnh chứng minh được khả năng sáng tạo và tư duy văn minh trong thiết kế và ứng dụng may mặc.
Quần áo thân thiện với môi trường không chỉ giúp giảm tải gánh nặng ô nhiễm cho Trái đất mà còn thực sự quan trọng đối với sức khỏe của người sử dụng, bởi nó cũng tương tự như các sản phẩm chăm sóc da và thực phẩm, ở rất gần và tác động trực tiếp đến mỗi người chúng ta hằng ngày, hằng giờ.