Điều này cho thấy bệnh sốt xuất huyết không còn diễn biến theo mùa. Ngành y tế ở nhiều địa phương khuyến cáo người dân nên chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết vào tất cả các thời điểm trong năm.
Ghi nhận nhiều ca mắc sốt xuất huyết nặng vào đầu năm
Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2022 là một trong những năm có đỉnh dịch sốt xuất huyết tại nước ta, tạo nên gánh nặng bệnh tật rất lớn. Cụ thể, cả nước ghi nhận 367.729 trường hợp mắc cũng như 140 trường hợp tử vong trong năm 2022. Tỉ lệ tử vong/tổng số ca mắc là 0,038%.
Sang năm 2023, số ca sốt xuất huyết trên cả nước được ghi nhận gần 155.000 trường hợp. Trong đó có 39 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc sốt xuất huyết trong năm 2023 giảm 53%. Số ca tử vong giảm nhưng dịch diễn biến khác thường so với chu kỳ các năm trước.
Hằng năm, dịch sốt xuất huyết tại Việt Nam thường gặp cao điểm trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 10. Tuy nhiên, vào những khoảng thời gian còn lại trong năm, trên toàn quốc vẫn ghi nhận các ca mắc sốt xuất huyết mới, trong đó có ca bệnh nặng, nguy kịch.
Về lứa tuổi, sốt xuất huyết có thể mắc ở tất cả các lứa tuổi, trẻ em cũng như người lớn. Điển hình như trường hợp nam thanh niên 21 tuổi mắc sốt xuất huyết Dengue thể não nặng, thiếu máu tán huyết (hồng cầu bị vỡ), suy đa cơ quan rất nguy kịch vừa được các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) cứu sống ngoạn mục sau 32 ngày điều trị tích cực.
Hay trường hợp bệnh nhi 6 tháng tuổi (ngụ tỉnh Bình Thuận) có cơ địa dư cân bị sốc sốt xuất huyết dẫn đến biến chứng suy hô hấp, tổn thương gan nặng từng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) vào đầu năm 2024 vừa qua.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ CKII Nguyễn Phương Thảo - quyền phó khoa nhiễm, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) - cho biết trước đây sốt xuất huyết Dengue thường diễn biến theo mùa. Mùa mưa là mùa cao điểm của sốt xuất huyết do liên quan đến sự sinh sản của loài muỗi. Hiện nay, ngoài theo mùa, sốt xuất huyết còn diễn ra rải rác quanh năm.
Mặc dù đang vào thời điểm cận Tết, thế nhưng bệnh viện vẫn đang tiếp nhận và điều trị cho một ca sốt xuất huyết nặng thể não, tổn thương gan… Những bệnh nhân này chủ yếu được chuyển đến từ khu vực nội thành hoặc từ những bệnh viện khác.
"Đa số những bệnh nhân bị sốt xuất huyết Dengue nặng sống ở những khu vực có dịch sốt xuất huyết lưu hành. Điều kiện ăn ở vệ sinh của họ thường tại những nơi nhiều muỗi hoặc khu vực muỗi có cơ hội phát triển như: ao tù, nước đọng, cây cối rậm rạp…", bác sĩ Thảo chia sẻ.
Bác sĩ CKII Nguyễn Phương Thảo cho biết thêm trước đây sốt xuất huyết thường diễn biến nặng từ ngày 4-6, nhưng hiện tại có thể từ ngày 3-7. Ngoài ra, vào thời điểm cuối năm có khá nhiều bệnh có triệu chứng gần giống với sốt xuất huyết giai đoạn đầu như: cúm, COVID-19, viêm đường hô hấp…
Khi người bệnh có triệu chứng sốt từ 2-3 ngày cần đến bệnh viện thăm khám và điều trị kịp thời. Sốt xuất huyết Dengue cần phải được tái khám mỗi ngày để các bác sĩ theo dõi sát, xét nghiệm, đánh giá…
Cùng biện pháp phòng ngừa "truyền thống", cần thêm các giải pháp chủ động
Các chuyên gia y tế chia sẻ vào dịp cận Tết, trẻ em và người lớn đều có nguy cơ mắc sốt xuất huyết như nhau. Ở thời điểm hiện tại, các phương pháp phòng bệnh sốt xuất huyết Dengue đặc hiệu, chủ động như bằng vắc xin đang từng bước được áp dụng trên thế giới. Tại một số quốc gia chỉ mới áp dụng tiêm cho nhóm đối tượng ưu tiên.
Ở nước ta, trong khi chờ đợi biện pháp phòng ngừa chủ động, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh chung như diệt lăng quăng (bọ gậy), phòng trừ muỗi đốt như phát quang bụi rậm; không để nước tồn đọng trong lu, chai, lọ quanh nhà để tránh phát sinh lăng quăng; ngủ màn để tránh muỗi đốt...
"Đối với cả trẻ em và người lớn, ngủ mùng hiện vẫn là biện pháp đơn giản hữu hiệu, sử dụng mùng được tẩm thuốc diệt muỗi, xua đuổi muỗi tránh muỗi đốt là tốt nhất. Ngoài ra, vào dịp lễ Tết, trẻ về quê thường có xu hướng ra ngoài không gian mở chơi nhiều nên cần phải phát quang bụi rậm", bác sĩ Thảo nhấn mạnh.
PGS. TS Nguyễn Vũ Trung - Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM - cho biết để kiểm soát tốt công tác phòng chống sốt xuất huyết, một trong những hoạt động mà Viện quan tâm là tiếp tục các hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, đặc biệt là đối với vắc xin sốt xuất huyết. Vì đây là biện pháp hiệu quả nhất trong việc phòng các bệnh truyền nhiễm nói chung và sốt xuất huyết nói riêng.
Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết thêm vắc xin sốt xuất huyết là một trong những tiến bộ gần đây nhất của y học. Kết quả thử nghiệm cho thấy vắc xin có hiệu quả, nhiều hứa hẹn trong phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Ông đánh giá trong thời gian tới, nếu vắc xin sốt xuất huyết được cấp phép, chúng sẽ đem lại hiệu quả phòng chống dịch, ngăn chặn dịch bệnh sốt xuất huyết.
"Phòng bệnh bằng vắc xin là biện pháp đặc hiệu và căn cơ. Tuy nhiên chúng ta vẫn phải tiến hành các biện pháp phòng bệnh khác, bởi vì bệnh sốt xuất huyết có rất nhiều yếu tố. Đặc biệt là công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức người dân chung tay cùng ngành y tế phòng chống bệnh sốt xuất huyết", ông Trung nhấn mạnh.
Nam bệnh nhân 21 tuổi bị sốt xuất huyết Dengue nặng thể não, thiếu máu tán huyết, suy đa cơ quan, nguy kịch vừa được các bác sĩ ở TP.HCM cứu sống.