Năm 2024, cả nước nỗ lực phấn đấu hoàn thành khoảng 130.000 căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Đây là mục tiêu được đưa ra tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ ngay từ những ngày đầu năm. Dài hạn hơn, đến năm 2030, mục tiêu chúng ta sẽ xây dựng khoảng 1 triệu căn.
Từ năm 2021 đến nay, cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô hơn 411.000 căn hộ. Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai ở một số địa còn rất hạn chế so với nhu cầu. Có thể kể đến như Hà Nội có 1.700 căn, đáp ứng 9%; TP Hồ Chí Minh với 4.900 căn, đáp ứng 19%. Thậm chí. một số địa phương không có dự án nhà ở xã hội khởi công từ năm 2021 đến nay, như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Long An, Quảng Ngãi.
Tại Hội nghị triển khai Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" do Bộ Xây dựng tổ chức, 2 nhóm nguyên nhân chính đã được chỉ ra: Thứ nhất là hành lang chính sách phát triển nhà ở xã hội; Thứ hai là nguồn vốn. Nhiều doanh nghiệp phản ánh, họ gặp vướng mắc trong tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng…
Triển khai xây dựng nhà ở xã hội từ năm 2010, đến nay, Tổng công ty Viglacera hoàn thành được 8.000 căn hộ. Tuy nhiên, mới đưa vào kinh doanh 5.000 căn. Số còn lại vẫn chưa có người về ở. Doanh nghiệp đề xuất mở rộng nhóm đối tượng được mua nhà ở lưu trú cho công nhân. Bởi lẽ hiện nay, chỉ có công nhân, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp mới được mua loại hình nhà ở này.
Ông Trần Ngọc Anh - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera cho biết: "Chúng tôi kiến nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư để đối tượng của các dự án này được mở rộng ra cho 10 đối tượng khác để đưa các căn hộ vào khai thác sử dụng. Chúng tôi đề xuất đưa vào các nghị định cụ thể hoá Luật Nhà ở mới được thông qua để các địa phương yên tâm triển khai điều chỉnh chủ trương cho các dự án này".
Năm 2024, cả nước nỗ lực phấn đấu hoàn thành khoảng 130.000 căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
Giai đoạn 2021 - 2025, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) sẽ hoàn thành 11 dự án nhà ở xã hội với 3.700 căn hộ. Để tiếp tục triển khai các dự án trong giai đoạn tiếp theo, doanh nghiệp nhấn mạnh rất cần đến sự đồng hành của các địa phương.
"Vấn đề là thực hiện tại các địa phương. Địa phương nào có sự quan tâm đến nhà ở xã hội thì địa phương đó sẽ thuận lợi trong quá trình triển khai. Thời gian giải quyết các thủ tục là chìa khoá quan trọng để tăng nguồn cung nhà ở xã hội", ông Nguyễn Việt Hùng - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) cho hay.
Tại sự kiện, có đơn vị chia sẻ đã đến 38 tỉnh, thành trên toàn quốc từ năm 2017, nhưng đến năm ngoái mới nhận được chủ trương đầu tư tại một số địa phương do việc bố trí quỹ đất kéo dài. Thực tế, nhiều khó khăn, vướng mắc đã được giải quyết trong Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 vừa được Quốc hội thông qua.
Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản thông tin: "Chúng tôi đang cố gắng trình Chính phủ để 1/7 các Nghị định này có hiệu lực nhằm tháo gỡ các vấn đề với nhà ở xã hội. Ví dụ vấn đề về quỹ đất, ưu đãi cho chủ đầu tư, đối tượng và điều kiện người mua nhà ở xã hội, vấn đề về giá bán…".
Bộ Xây dựng cũng cho biết, các ưu đãi cho chủ đầu tư sắp tới cũng sẽ được làm rõ và hấp dẫn hơn như: được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án, được dành tỷ lệ tối đa 20% tổng diện tích dự án để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.44154410132204202-ioh-ax-o-ahn-ohc-iort-ioc/et-hnik/nv.vtv