Việt Nam đặt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi vào năm 2025. Tại hội nghị về phát triển thị trường chứng khoán 2024, ngày 28/2, ông Ketut Ariadi Kusuma, Trưởng nhóm Tài chính, cạnh tranh và sáng tạo của World Bank, cho rằng đây là bước đi chiến lược để Việt Nam chuyển đổi thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào 2035 và thu nhập cao vào 2045.
Theo ông, việc nâng hạng sẽ là lực đẩy đáng kể cho thị trường vốn Việt Nam khi tăng khả năng tiếp cận với các nhà đầu tư nước ngoài. Khi đó, thị trường sẽ có mức vốn hóa đạt quy mô lớn, tính thanh khoản hấp dẫn ngang nhiều nước có trình độ phát triển tương tự. Điều này có thể mang lại 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam tới năm 2030, theo tính toán của World Bank.
Ngoài ra, theo đại diện World Bank, nếu Việt Nam cải cách mạnh mẽ ngành bảo hiểm, quỹ đầu tư, cùng giải pháp cải thiện môi trường đầu tư... có thể mang lại khoản đầu tư lên tới 78 tỷ USD cho thị trường vốn.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang được hai tổ chức là MSCI và FTSE Russell xếp vào Nhóm 3 - thị trường cận biên. Trong đó, FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách chờ nâng hạng lên Nhóm 2 - thị trường mới nổi.
Ông Ketut Ariadi Kusuma cho rằng điều kiện để Việt Nam được nâng hạng là cần giải quyết các vấn đề về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư ngoại và đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
"Nếu tỷ lệ sở hữu vẫn là hạn chế, Việt Nam có thể chỉ nhận được dòng vốn ròng tối đa 5 tỷ USD. Nhưng điều kiện này được giải quyết hoàn toàn có thể mang lại thêm 8-15 tỷ USD", ông Kusuma nói thêm.
Cùng quan điểm, Tham tán công sứ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng, nới giới hạn sở hữu với nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp tăng nguồn cung cổ phiếu bằng các chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết. Việc này cũng phù hợp mục tiêu quản lý của Nhà nước với từng nhóm ngành, nghề.
Ngoài có thêm vốn, việc nâng hạng cũng giúp tăng chất lượng hàng hóa trên thị trường. Theo ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Ngân hàng Quân đội MB, tăng hàng có chất lượng là yếu tố quan trọng để tiến tới nâng hạng. Khi chất lượng thị trường tốt, giá trị cao, nhà đầu tư nước ngoài sẽ đến tìm kiếm lợi nhuận, cơ hội đầu tư.
"Do đó, chất lượng thị trường và quan trọng hơn là kiện toàn Trung tâm thanh toán bù trừ (CCP) - điểm mấu chốt khi cả FTSE và MSCI đều coi đây là nút thắt trong việc nâng hạng thị trường", ông Thái cho biết.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho biết cơ quan này đang làm việc với các tổ chức, thành viên thị trường để tháo gỡ các vướng mắc trong nâng hạng chứng khoán Việt Nam.
"Năm nay, Ủy ban tiếp tục các giải pháp tháo gỡ vướng mắc để thu hút thêm đầu tư gián tiếp nước ngoài, hướng tới nâng hạng thị trường", bà Chân Phương nói.
Kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay Chính phủ, cá nhân ông rất quan tâm tới thị trường tài chính, chứng khoán. "Lúc 12h40 hàng ngày, tôi luôn theo dõi bản tin xem thị trường chứng khoán hôm nay thế nào, để có phản ứng chính sách kịp thời. Không theo dõi được thì rất sốt ruột", ông nói và cho hay, mỗi tuần đều làm việc, nói chuyện với các lãnh đạo liên quan tới giải pháp phát triển thị trường.
Thủ tướng nhắc lại mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán lên mới nổi vào 2025, góp phần thu hút 25 tỷ USD đầu tư gián tiếp nước ngoài mỗi năm, tương đương dòng vốn đầu tư gián tiếp.
Để làm được điều này, ông yêu cầu các bộ ngành sớm tháo gỡ vướng mắc với tinh thần "đã nói là làm, cam kết phải thực hiện", và báo cáo kết quả trước cuối tháng 6.
Ngoài nâng hạng, việc đa dạng loại hình doanh nghiệp niêm yết, cũng là cách giúp thị trường chứng khoán huy động thêm nguồn lực. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư cho hay hiện nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) muốn được niêm yết trên sàn, khi Luật Chứng khoán 2019 đã có hiệu lực hơn hai năm. "Cơ quan quản lý cần sớm cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đủ điều kiện được niêm yết", bà nêu.
Tham tán công sứ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cũng kiến nghị nhà chức trách nghiên cứu, tạo điều kiện để các doanh nghiệp FDI, khởi nghiệp có thể niêm yết trên sàn.
Trong quá khứ, thị trường chứng khoán từng chứng kiến "sóng" lên sàn của các doanh nghiệp FDI hồi 2003-2008. Những năm sau đó, số doanh nghiệp ngoại lên sàn không nhiều, một số bị hủy niêm yết. Hiện, có 6 doanh nghiệp FDI còn niêm yết và 3 công ty giao dịch trên UpCOM. Gần đây, một số doanh nghiệp lớn đánh tiếng muốn niêm yết trên HoSE, như CP Việt Nam – công ty con của Tập đoàn Charoen Pokphand Foods (Thái Lan).
Trước đề xuất này, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước gỡ ngay những rào cản để tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài niêm yết. Bộ Kế hoạch & Đầu tư rà soát, công bố đầy đủ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc hạn chế tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài.
Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước rút ngắn quy trình mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài, nghiên cứu công cụ thanh toán bù trừ phù hợp và các giải pháp để hạ lãi suất cho vay.
Phương Dung