Chuyện là vào ngày 19-2, một người có tiếng đã chia sẻ một bài viết nêu cảm nhận về các tuyến nhân vật chính trong phim Mai.
Và Trấn Thành, đạo diễn phim này, đã đáp lời như sau: "Chị viết hay quá!!! Kế bên Mai là Bình Minh và Dương.
Đều là ánh sáng của đời MAI. Nhưng BM sẽ tươi sáng! Nhưng bên kia là TRÙNG DƯƠNG. Tuy là ánh dương nhưng sẽ trùng xuống! Cảm ơn chị đã ngẫm bộ phim thật sâu!!!".
Không bàn đến những chuyện khác, và ngoài cách dùng chữ trùng với nghĩa chùng, thiên hạ hết sức bất ngờ khi được nghe "giải nghĩa" về chữ dương.
Không cần trình độ Hán Nôm, một người Việt bình thường với học vấn phổ thông đều biết tiếng ta có đến mấy chữ "dương".
Ngoài họ Dương, ai cũng biết dương là con dê: sơn dương, dương nhục (thịt dê); hoặc là cây dương: bạch dương, dương liễu, dương chi (cành dương);
Hoặc là nguyên lý của đất trời, là thuộc về cõi sống, đối lập với cõi chết: dương gian, dương thế, dương trần; hoặc là mặt trời, là ánh sáng: vầng dương, ánh dương, thái dương, dương lịch; hoặc là biển cả: đại dương, hải dương, trùng dương, viễn dương…
Riêng trùng dương có hai từ khác nhau. Một, đồng nghĩa với trùng cửu, tức mùng 9 tháng 9. Hai, là từ thông dụng hơn, chỉ lớp lớp biển tiếp nối nhau, tức biển cả, biển lớn, biển xa vạn dặm… Vậy nên không thể bỗng dưng trở thành ánh sáng "trùng" xuống được!
Có người bảo chắc do Trấn Thành đùa. Việc này là có thể trong ý định, nhưng nếu biết đùa, phải biết cách thể hiện khi viết - dùng dấu ngoặc kép chẳng hạn.
Có người bảo chắc do "lỗi đánh máy": do Facebook của anh bị "tấn công" hoặc do người quản trị Facebook của anh gây họa. Việc này là có thể nhưng vẫn không thể giúp người đứng tên lẩn tránh trách nhiệm.
Lại có người bảo: Trấn Thành cũng chỉ đến thế thôi! Không rõ bình luận này muốn nói đến "trình độ" hay "thái độ".
Thực tế nhiều người dẫn chương trình, giám khảo các cuộc thi và những người nổi tiếng trong giới giải trí, giới kinh doanh đã và đang sử dụng tràn lan tiếng Anh trên sóng truyền hình.
Đầu năm nay, trong một bàn tròn về Điện ảnh Việt Nam 2023, khách mời là các đạo diễn, diễn viên, người làm phim… đã trao đổi một tỉ lệ lớn các từ ngữ thông thường và thuật ngữ điện ảnh bằng tiếng Anh.
Lối ăn nói này đã "loại khỏi vòng chiến" một bộ phận không nhỏ khán giả của một chương trình truyền hình vốn không hạn chế số lượng công chúng.
Điều đáng nói là với nhiều người hiện nay, khi viết khi nói sai một từ, một câu tiếng Anh thì lập tức thể hiện niềm đau buồn, nỗi xấu hổ, sự dằn vặt, tự thấy mình hèn kém, thấy mình không ra gì… Nhưng khi viết khi nói không đúng, không chuẩn tiếng Việt, lại rất dửng dưng, hình như là… "cũng bình thường thôi!".
Những bậc thầy đáng kính như GS Phan Văn Trường, GS Trịnh Xuân Thuận, GS Cao Huy Thuần, GS Tôn Thất Nguyễn Thiêm, GS Trần Văn Thọ… đều đã sống, làm việc và thành danh những 30, 40 năm ở nước ngoài, thông thạo nhiều ngoại ngữ, vẫn luôn dành cho chúng ta những cuốn sách, những buổi nói chuyện phong phú về nội dung, sâu sắc về ý tưởng, trong sáng về ngôn từ và thấm đẫm một tình yêu đối với tiếng nước ta.
Trong những biểu hiện của lòng yêu nước, có tình yêu dành cho lũy tre làng, cho dòng sông quê, cho món ăn mẹ nấu, cho những gương mặt người thân, cho lịch sử mà bao thế hệ cha ông đã dựng nên và còn có cả một tình yêu sâu nặng dành cho tiếng Việt ngàn đời của chúng ta!
TTO - Tiếp theo câu chuyện tiếng Việt (Tuổi Trẻ 19-11) khi bàn thành tố tạo nên "tấm hộ chiếu văn hóa Việt Nam", chúng tôi đã có cuộc trao đổi với hai nhà giáo, nhà ngôn ngữ có lòng với tiếng Việt, có kinh nghiệm trong nắm bắt xu hướng ngôn ngữ trẻ.