Định chế ấy, cũng như tổ chức kế nhiệm là Liên Hợp Quốc (United Nations), được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quyết định trong các mục tiêu: Ngăn ngừa chiến tranh thông qua an ninh tập thể và giải trừ quân bị, giải quyết những tranh chấp quốc tế thông qua đàm phán và trọng tài nhằm duy trì hòa bình thế giới. Tuy nhiên, suốt từ lúc ra đời cho đến khi bị tuyên bố giải thể sau Đệ nhị Thế chiến, Hội Quốc Liên đã thất bại ở hầu hết những mục tiêu chính đó.
“Cái chết” được báo trước
Có lẽ chẳng có ai ngạc nhiên khi Hội Quốc Liên bị tuyên bố khai tử vào năm 1946 bởi các cường quốc Đồng minh chiến thắng trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, và bị thay thế bởi Liên Hợp Quốc. Một số cơ quan và tổ chức thuộc Hội Quốc Liên, dĩ nhiên, vẫn bảo lưu được những vai trò nhất định, và bởi vậy, được chuyển giao cho Liên Hợp Quốc, thí dụ như Tổ chức Lao động quốc tế. Song, ngay từ trước khi khói lửa chiến tranh bùng lên để tàn phá thế giới với mức độ khủng khiếp gấp bội so với Đệ nhất Thế chiến, Hội Quốc Liên xem như đã hoàn toàn thất bại.
Hình thành trên những đống tro tàn mà Chiến tranh thế giới lần thứ nhất để lại, nhưng thực ra, những ý tưởng xây dưng một cơ chế như Hội Quốc Liên đã bắt đầu được nhắc đến ngay từ khi cuộc chiến ấy bắt đầu (năm 1914-1915), từ giới nghiên cứu chính trị quốc tế, đặc biệt là ở Anh và Mỹ.
Hội Quốc Liên - thất bại ngay từ khi ra đời. |
Năm 1918, khi chiến tranh chuẩn bị kết thúc, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Arthur Balfour được ủy quyền dẫn đầu một nhóm soạn thảo các đề xuất cụ thể, nhằm phác thảo hình hài cho một “Hội nghị các quốc gia đồng minh”, nhằm phân xử tranh chấp, thiết kế những thỏa thuận, và áp đặt chế tài lên các quốc gia vi phạm. Ở điểm cuối cùng này, bên cạnh nước Anh, nước Pháp còn hướng đến những điểm cụ thể và sâu sắc hơn nhiều, khi đề cập đến tầm quan trọng của một “quân đội quốc tế”, nhằm thi hành các nghị quyết. Những ý tưởng đó của Anh và Pháp được Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson nhiệt liệt ủng hộ. Ông còn mong muốn kết thúc hành vi "vô đạo đức" ở cấp chính quyền, gồm các hình thức gián điệp và không thành thực. Phương pháp cưỡng bách chống lại các quốc gia ngoan cố gồm các biện pháp khắc nghiệt, như phong tỏa và đóng cửa biên giới, và "sử dụng bất kỳ lực lượng nào cần thiết.
Tuy nhiên, bất kể điều đó, năm 1920, phiên họp mở đầu của Hội Quốc Liên, cũng như mọi phiên họp sau này đều vắng mặt nước Mỹ. Hợp Chúng quốc Hoa Kỳ không tham gia tổ chức ấy, khi Thượng viện của họ nhất quyết không tán thành, có lẽ bởi họ không muốn bị trói buộc vào những vấn đề liên quan chủ yếu đến các quốc gia ở cựu lục địa.
Bởi vì, từ năm 1920 đến năm 1939 – khi Đệ nhị Thế chiến bùng nổ và làm gián đoạn mọi hoạt động, vai trò của Hội Quốc Liên cũng gần như chỉ tồn tại trên giấy. Bên cạnh những thành tựu có thể kể đến như tác động để một số quốc gia chấp thuận ngày làm việc 8 giờ và tuần làm việc 48 giờ; chấm dứt lao động thiếu nhi, bắt đầu đề cập đến vấn đề nữ quyền; khơi dậy các chiến dịch quốc tế nhằm đối phó với bệnh phong, bệnh sốt rét và sốt vàng; đẩy mạnh hợp tác tri thức quốc tế; kiểm soát (thông qua kiểm soát giao dịch) thuốc phiện cũng như các mặt hàng ma túy; thúc đẩy bãi bỏ chế độ nô lệ cũng như quan tâm hơn đến vấn đề người tị nạn… thì các tiền đề của chiến tranh vẫn nằm ngoài tầm với.
Bài học muôn đời
Chiến tranh không chỉ là các va chạm mang tính quân sự thuần túy. Như nhận xét kinh điển của nhà tư tưởng quân sự Đức Carl Von Clausewitz, “Chiến tranh chỉ là hình thức tiếp nối của chính trị”. Hay theo một định nghĩa khác: “Chiến tranh là chính trị có tiếng súng. Chính trị là chiến tranh không tiếng súng”.
Có một gạch nối giữa hai khái niệm ấy – “chiến tranh” và “chính trị” – là lợi ích kinh tế. Thất bại của Hội Quốc Liên không bắt đầu từ việc không có đủ quyền lực cũng như chế tài nhằm ngăn cản nước Đức đang sôi sục ý chí phục thù tái vũ trang quân đội, hay đưa quân vào hành lang Rhineland, hay sáp nhập Áo, hay từng bước chia sẻ, thôn tính rồi xóa sổ Tiệp Khắc. Thất bại ấy khởi nguồn từ ngay hội nghị Versailles kết thúc Đệ nhất thế chiến, khi các cường quốc thắng trận thoải mái áp đặt những sự trừng phạt nghiệt ngã nhưng lại vẫn hời hợt lên phe bại trận. Nó tiếp nối với sự bất lực của Hội Quốc Liên trong cuộc Đại suy thoái kinh tế toàn cầu thập niên 1930.
Biếm họa của báo Mỹ về việc Hội Quốc Liên được sinh ra bởi toan tính của các cường quốc thắng trận Đệ nhất Thế chiến, tại Hội nghị Versailles. |
Từ cuộc Đại suy thoái ấy, những tư tưởng phát-xít mới thực sự có điều kiện trỗi dậy. Từ bóng đêm khốn cùng của nó, Hitler và cả những Mussolini ở Ý hay Franco ở Tây Ban Nha bước lên vũ đài chính trị, hoặc củng cố vững vàng ngôi vị, với sự tán đồng của đông đảo dân chúng. Trong khốn khó, đương nhiên con người dễ dàng trở nên ích kỷ và tàn nhẫn hơn.
Và thực tế là Hội Quốc Liên không hề nắm trong tay bất cứ chế tài quan trọng, cũng như công cụ hữu hiệu nào để thực hiện các nghị quyết của mình. Nước Anh và nước Pháp – hai cường quốc dẫn đầu châu Âu – mới là những người hiếm hoi có quyền quyết định mọi công việc quan trọng của Hội chính vụ. Ta có thể thấy rõ điều đó qua cách hai đại cường ấy khoanh tay im lặng để mặc cho nước Đức Quốc xã bành trướng, với hy vọng Hitler sẽ đụng độ trực tiếp với Liên Xô của Josif Stalin, dưới chiêu bài “bảo vệ hòa bình bằng mọi phía”. Nhưng họ đã tính nhầm.
Dĩ nhiên, trong một số khoảng thời gian nào đó, Hội Quốc Liên vẫn là trung tâm của các sự kiện ngoại giao quốc tế. Song, vào những thời điểm “sinh tử”, cơ chế ấy hầu như chẳng có tiếng nói nào hết. Việc còn thiếu những cường quốc hàng đầu như Mỹ hay Liên Xô trong danh sách thành viên, hay việc Đức Quốc xã sẵn sàng từ bỏ tư cách thành viên Hội Quốc Liên để “rộng chân rộng tay”, đều tác động rất nhiều đến tính chính danh cũng như uy tín của Hội.
Và hiện tại, sau những khoảng thời gian có thể tạm coi là cũng đã “tròn vai” trong việc xử lý một số vấn đề chúng, từ xã hội đến kinh tế, từ thiên tai đến dịch bệnh, từ cứu trợ đến xây dựng hòa bình và ngăn cản chiến tranh… Liên Hợp Quốc cũng đã bắt đầu phải nhận không ít những đợt phản chấn, đặc biệt là từ nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Đó là những vệt chớp nhằng nhịt trên nền trời vô định của một thế giới đang vật vã trên tiến trình tái định hình những trật tự của mình.
Chiến tranh Lạnh đã lùi xa, nhưng nguy cơ chiến tranh thế giới thứ ba vẫn còn đang treo lơ lửng. Và trong quá khứ gần vài năm qua, những hình thái mới của nó đang hăm dọa sẽ còn tạo nên các tác động ghê gớm gấp bội trong quá khứ, cho nhân loại. Chiến tranh kinh tế - điển hình là “thương chiến Mỹ - Trung”, khiến mọi nền kinh tế, cũng như mọi xã hội đều ít nhiều chịu tác động. Chiến tranh mạng giờ đây đủ khả năng đánh sập mọi cơ cấu quản trị nhà nước. Và chiến tranh tổng lực thuần túy bây giờ là chiến tranh của những khí cụ tối tân, mà không ít trong số đó đủ sức đưa thế giới trở về thời kỳ đồ đá.
Vậy thì, Liên Hợp Quốc sẽ phải làm gì, thay đổi như thế nào, cách tân ra sao… để bảo đảm, củng cố và duy trì được vai trò của mình? Cho dù thực ra, tiếng nói quyết định từ trước đến nay vẫn luôn thuộc về năm đại cường thành viên thường trực Hội đồng Bảo an (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc), với quyền phủ quyết (veto)?
Nói một cách chính xác, Hội Quốc Liên cũng phát triển và hình thành từ ý tưởng khai sinh Liên minh nghị viện - do những nhà hoạt động hòa bình William Randal Cremer và Frederic Passy thành lập vào năm 1889. Tổ chức này có phạm vi quốc tế, với một phần ba số thành viên trong các nghị viện (tại 24 quốc gia có nghị viện) là thành viên của Liên minh liên nghị viện vào năm 1914. Mục đích của tổ chức là khuyến khích các chính phủ giải quyết những tranh chấp quốc tế theo các phương thức hòa bình. Những hội nghị thường niên được tổ chức nhằm giúp các chính phủ cải tiến quá trình trọng tài quốc tế. Cấu trúc của tổ chức gồm có một Hội chính vụ do một chủ tịch đứng đầu, cấu trúc này sau đó được Hội Quốc Liên kế thừa, và tiếp tục được “nâng cấp” thành Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, hoặc Nghị viện châu Âu (EP) trong hiện tại. Các ngôn ngữ chính thức của Hội Quốc Liên là tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Lúc đầu, Hội Quốc Liên dự định sử dụng Quốc tế ngữ (Esperanto), nhưng bị Pháp phản đối dữ dội. Năm 1939, một biểu tượng bán chính thức của Hội Quốc Liên xuất hiện: hai sao năm cánh trong một hình ngũ giác màu lam. Chúng tượng trưng cho năm lục địa của Trái Đất và năm "chủng tộc". Một dòng chữ phía trên hiển thị tên tiếng Anh ("League of Nations"), dòng chữ khác ở phía dưới hiển thị tên tiếng Pháp ("Société des Nations"). |
Xem thêm: /367826-coh-iab-av-nas-iD-neiL-couQ-ioH/hniM-naV-coh-aohK/nv.moc.dnac.tcgtna