THỦ ĐOẠN "THIÊN HÌNH, VẠN TRẠNG"
Trong những năm qua, lợi dụng chính sách mở cửa hội nhập kinh tế với quốc tế, đặc biệt là sự phát triển của công nghệ thông tin nên hoạt động của tội phạm ma túy, nhất là tội phạm ma túy người nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ngày càng diễn biến phức tạp, gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự. Theo báo cáo tổng kết của 63 tỉnh, thành phố, tội phạm ma túy người nước ngoài tại Việt Nam đa dạng về quốc tịch, hoạt động gia tăng trên tất cả các tuyến đường bộ, hàng không, bưu điện và đường biển. Đặc biệt, có sự câu kết giữa tội phạm ma túy với các loại tội phạm khác, giữa người nước ngoài với người trong nước.
Tình trạng các đối tượng người Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc... lợi dụng chính sách mở cửa hội nhập, những quy định thuận lợi của Nhà nước đối với thủ tục hải quan và những kẽ hở trong công tác quản lý xuất nhập khẩu để thực hiện mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, tiền chất ma túy. Trong công tác xuất nhập cảnh, chúng dùng danh nghĩa vào nước ta du lịch, nhưng lại móc nối với các đối tượng trong nước thành lập những doanh nghiệp, công ty "bình phong" sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, thuê kho, xưởng ngụy trang cho việc mua bán, vận chuyển trái phép ma túy với số lượng rất lớn.
Đáng chú ý, các đối tượng người nước ngoài lợi dụng hoạt động của doanh nghiệp để "núp bóng", tổ chức sản xuất trái phép ma túy tổng hợp (MTTH) tại Việt Nam. Điển hình là ngày 12-11-2020, tại bãi tập kết của Công ty TNHH Thương mại Sơn Hà trên đường Ngô Quyền (xã Hợp Thành, H.Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn), Phòng CSĐTTP về ma túy Công an tỉnh phối hợp các lực lượng chức năng khám xét khẩn cấp 2 container, thu giữ 300 can nhựa chứa 7,5 tấn hóa chất Acetic Anhydride (tiền chất nằm trong danh mục quản lý của Chính phủ) do các đối tượng người Trung Quốc cầm đầu, điều hành, với thủ đoạn vận chuyển tiền chất từ Trung Quốc qua Việt Nam rồi đưa sang Campuchia bằng hình thức vận chuyển hàng logistics. Đây là vụ vận chuyển tiền chất với số lượng đặc biệt lớn, mục đích của các đối tượng đưa sang Campuchia để sản xuất ma túy. Trong đó, cả đối tượng cầm đầu và đối tượng trực tiếp nhận hàng tại Campuchia đều là người Trung Quốc.
Trước đó, ngày 19-3-2020, Cục CSĐTTP về ma túy Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Lạng Sơn triệt phá đường dây ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam để đưa sang nước thứ 3 tiêu thụ, do đối tượng người Đài Loan cầm đầu, với thủ đoạn thuê kho tại Hà Nội, che mắt bằng cách vờ sản xuất hương que và tập kết hàng hóa xuất khẩu, nhưng thực chất là kho tàng trữ ma túy. Lực lượng chức năng đã bắt 6 đối tượng, thu 449kg ketamine...
Ngoài ra, các đường dây tội phạm ma túy từ Lào (do người Lào), từ Campuchia (do người Campuchia) đưa "hàng" vào nước ta cũng diễn biến phức tạp và tăng mạnh, nhất là MTTH. Số đối tượng người Lào mua bán, tập kết heroin và MTTH từ "Tam giác vàng" để tiếp tục gia công, đóng gói, sau đó lợi dụng địa hình rừng núi hiểm trở, trực tiếp hoặc thuê các đối tượng người dân tộc thiểu số băng qua các tuyến đường mòn, lối mở để vận chuyển vào địa bàn các tỉnh giáp biên ở Việt Nam, sau đó đưa đi các tỉnh khác tiêu thụ.
Một số khác lại ngụy trang ma túy giấu trong loa thùng, hàng nông sản để tìm cách vận chuyển qua các cửa khẩu chính ngạch. Các đối tượng người Campuchia móc nối với các đối tượng người Việt Nam thường xuyên qua lại biên giới làm ăn, buôn bán, đối tượng không nghề nghiệp, lao động tự do hoặc các con bạc thường sang casino ở Campuchia sát phạt để vận chuyển ma túy vào Việt Nam tiêu thụ, với thủ đoạn cất giấu ma túy lẫn trong hàng hóa.
CẦN CÓ CƠ CHẾ ĐẶC THÙ ĐỂ PHÒNG, CHỐNG
Theo DEA (Cơ quan phòng, chống ma túy Hoa Kỳ) và AFP (Cảnh sát Liên bang Úc), các đường dây tội phạm ma túy do Việt kiều và các đối tượng người Úc, Mỹ, Canada chủ mưu cầm đầu vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Chúng lợi dụng địa bàn Việt Nam, mà chủ yếu là TPHCM và các tỉnh phía Nam làm nơi gặp gỡ, bàn bạc, thống nhất để mua bán ma túy xuyên quốc gia, với nhiều thủ đoạn vô cùng tinh vi.
Tình hình tội phạm ma túy gốc Phi cũng có chiều hướng gia tăng. Mỗi đối tượng hoặc nhóm đối tượng được phân công cư trú tại một quốc gia để hình thành các "chân rết" vận chuyển ma túy, lợi dụng tình cảm của một số phụ nữ tại nước bản địa để dụ dỗ, lôi kéo họ trực tiếp đi vận chuyển "cái chết trắng", rồi thông qua các đối tượng này để tuyển chọn, lôi kéo các đối tượng khác vào đường dây...
Hiện nay, khu vực phía Nam, nhất là TPHCM và các địa bàn giáp ranh (Bình Dương, Đồng Nai) đang có nguy cơ trở thành "điểm nóng" về ma túy; tội phạm ma túy có liên quan đến người nước ngoài diễn biến đặc biệt phức tạp. Đã hình thành nhiều đường dây ma túy từ Campuchia qua biên giới Tây Nam và từ Lào qua Bắc miền Trung vào TPHCM, với sự cấu kết rất chặt chẽ giữa các đối tượng trong và ngoài nước. Đặc biệt, đã hình thành nhiều đường dây ma túy quốc tế do các đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc cầm đầu.
Nếu không có giải pháp cụ thể, TPHCM và các địa bàn trọng điểm phía Nam (Bình Dương, Đồng Nai) có nguy cơ trở thành địa bàn trung chuyển ma túy. Trước tình hình phức tạp này, Cục CSĐTTP về ma túy đã đề xuất với Bộ Công an, kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy người nước ngoài. Đồng thời, đẩy mạnh đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế, thỏa thuận giữa Việt Nam và các nước liên quan đến phòng, chống tội phạm ma túy.
Cục CSĐTTP về ma túy đã cùng các đơn vị chức năng xây dựng "Kế hoạch tăng cường công tác phòng, chống tội phạm ma túy do người nước ngoài thực hiện tại Việt Nam", trình lãnh đạo Bộ Công an ký ban hành để chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả.
Xem thêm: lmth.909601_gnod-taoh-gnat-aig-gnad-iaogn-yut-am-mahp-iot/na-uv/nv.moc.nagnoc