Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ tháng 1-2021. Ảnh: VGP
Nhiều điểm sáng về phát triển kinh tế
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng kinh tế - xã hội tháng 1-2021 tiếp tục có xu hướng phục hồi tích cực, nhiều dấu hiệu khởi sắc.
Cụ thể, sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động thương mại, tiêu dùng được thúc đẩy do nhu cầu mua sắm, chuẩn bị tết của người dân. Lạm phát được kiểm soát, thị trường tiền tệ, tín dụng tương đối ổn định…
Đặc biệt, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đạt được kết quả nổi bật và ấn tượng. Tính đến hết tháng 1-2021, ước giải ngân năm 2020 đạt 452.000 tỉ đồng, bằng 96,13% kế hoạch.
Bên cạnh các điểm sáng, tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 vẫn còn nhiều điểm cần lưu ý. Trong đó, tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế vẫn còn dai dẳng, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao, thu hút nguồn vốn FDI suy giảm và khu vực dịch vụ, du lịch phục hồi chậm. Dự báo dịch bệnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế trong ngắn và dài hạn.
Trước tình hình đó, trong sáu tháng đầu năm, cùng với các giải pháp phòng chống dịch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần khẩn trương, quyết liệt triển khai các chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 01 của Chính phủ, đặc biệt là các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế qua “cỗ xe tam mã” gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.
Cụ thể, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý để ổn định kinh tế vĩ mô, kích thích tăng trưởng kinh tế, xây dựng các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng còn gặp khó khăn do tác động của dịch, đặc biệt là ngành dịch vụ, du lịch, vận tải.
Ông cũng cho rằng cần tập trung, chú trọng phát triển thị trường trong nước, cải thiện môi trường kinh doanh và bảo đảm lao động. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 để thúc đẩy quản lý theo chuỗi, tạo điều kiện thuận lợi truy xuất nguồn gốc. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Tập trung hoàn thiện, triển khai các đề án lớn về kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM và Đà Nẵng...
53,9 tỉ USD là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 1, tăng 45,2% so với cùng kỳ năm 2020. Nền kinh tế tiếp tục có dấu hiệu phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 22,2% so với tháng 1-2020, hơn 10.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 21,9% so với cùng kỳ. |
Hiện thực mục tiêu Đại hội XIII
Sau khi nghe các báo cáo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện bốn nhiệm vụ.
Thứ nhất, về việc tập trung quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT sớm trình ban hành chương trình hành động của Chính phủ triển khai nghị quyết; hoàn thiện, trình Quốc hội phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm và các vấn đề liên quan.
“Trong bối cảnh tình hình mới, chúng ta cần quán triệt tinh thần đổi mới tư duy phát triển, cách nghĩ, cách làm, không ngừng đổi mới, sáng tạo để đưa đất nước vững bước đi lên, sớm hiện thực hóa các mục tiêu mà Đại hội XIII đề ra” - Thủ tướng chỉ đạo.
Thứ hai, tiếp tục quyết liệt phòng chống, dập dịch COVID-19, không được chủ quan, có biện pháp mạnh mẽ, kịp thời, đi trước thời gian nhưng không được để hoảng loạn, với tinh thần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép.
“Một số biện pháp đã triển khai thì tiếp tục triển khai tốt nhất, nhanh nhất trong thời gian tới. Tôi cho rằng những biện pháp vừa qua của Ban chỉ đạo và cấp địa phương đã giúp chúng ta nắm rõ cách làm về biến thể mới. Cần tận dụng mạnh mẽ hơn để ngăn chặn kịp thời loại biến thể mới này” - Thủ tướng nói.
Về vấn đề vaccine phòng dịch, Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế xem xét sớm đưa vaccine tới người dân ngay trong quý I này một cách phù hợp với điều kiện Việt Nam. Ngành y tế cần đẩy nhanh quá trình nghiên cứu phát triển và thử nghiệm vaccine cũng như có kế hoạch nhập khẩu vaccine để phục vụ tiêm chủng trên diện rộng.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải tập trung chỉ đạo, chủ động quyết định các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp và chịu trách nhiệm về công tác này trên địa bàn, đồng thời thực hiện quyết liệt “thông điệp 5K” của Bộ Y tế. Thực hiện nghiêm, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong cộng đồng như đeo khẩu trang, khai báo y tế, không tập trung đông người…
Cùng với phòng, chống dịch bệnh, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ lịch sử ở miền Trung, Tây Nguyên và rét đậm, rét hại ở miền núi phía Bắc vừa qua, bảo đảm sản xuất nông nghiệp và các mặt khác, không để người dân thiếu đói, không có nhà ở.
Tập trung phát triển kinh tế, chăm lo tết cho dân
Về triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong sáu tháng đầu năm 2021, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT hoàn thiện kịch bản, các giải pháp và thường xuyên đánh giá. Trong đó nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT chủ động bố trí nguồn lực và triển khai các giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, phối hợp với các bộ, ngành khác xây dựng đề án về gói hỗ trợ thứ hai, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, cải cách mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh...
Thủ tướng đồng ý thành lập tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ vướng mắc cho đầu tư, chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất, ứng dụng công nghệ cao của khu vực và thế giới, bảo đảm an ninh lương thực, triển khai chủ trương “trồng 1 tỉ cây xanh”.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung bảo đảm cho nhân dân đón tết vui tươi, an toàn, hạnh phúc. “Tôi đề nghị các đồng chí trên tinh thần là phải lo chu đáo tết cho người dân để không ai thiếu tết, đặc biệt quan tâm với đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào vùng thiên tai, vùng sâu, vùng bị phong tỏa do có dịch, bảo đảm mọi gia đình đều có tết” - Thủ tướng nói. Thủ tướng cũng lưu ý các nhà máy, xí nghiệp và các địa phương phải có kế hoạch cụ thể để đưa người lao động trở lại doanh nghiệp làm việc kịp thời sau tết, không để ảnh hưởng tới sản xuất, hoạt động kinh doanh.
Ba khả năng xảy ra về dịch COVID-19 Buộc người dân phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Cũng tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đưa ra ba khả năng diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam trong thời gian tới. Khả năng đầu tiên là Việt Nam có thể ngăn chặn, khống chế được dịch bệnh trước tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Khả năng thứ hai là dịch bệnh không được khống chế hoàn toàn nhưng lây nhiễm cộng đồng chỉ ở mức thấp. Với khả năng này, ông đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 tiếp tục duy trì các biện pháp đã thực hiện. Khả năng thứ ba xấu nhất là không ngăn chặn được dịch bệnh. “Khi tình huống này xảy ra, các biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ, thậm chí phong tỏa trên diện rộng cần được thực hiện” - ông Trương Hòa Bình nói. Để ứng phó với mọi khả năng xảy ra, ông Trương Hòa Bình đề nghị các lực lượng áp dụng những kinh nghiệm, bài học trước đây như truy vết nhanh, phát hiện sớm, xét nghiệm tầm soát diện rộng. Các địa phương cần tập trung tối đa nguồn lực tài chính, trang thiết bị y tế và đề xuất chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19. Ông cũng yêu cầu các địa phương không để xảy ra tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, chỉ khoanh vùng những nơi được xác định là tâm dịch. • Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng thông tin về tình hình các ổ dịch ở sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) và Chí Linh (Hải Dương) đã cơ bản được khống chế tốt. Tình hình dịch bệnh tại Hà Nội cũng cơ bản được kiểm soát. Cũng liên quan dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiến nghị Chính phủ bắt buộc toàn bộ người dân phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà vì virus biến thể lây nhiễm chủ yếu qua không khí, thay vì tiếp xúc gần như trước đây. Ông cũng kiến nghị Thủ tướng sớm xem xét tờ trình về cơ chế mua sắm vaccine, tăng kinh phí phòng, chống dịch và đề nghị tạm dừng một số lễ hội tập trung đông người không cần thiết. |