Theo kênh Channel News Asia, hôm 2-2 chính phủ Mỹ cho biết còn quá sớm để chấp nhận đề xuất của Iran nhằm khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân, đồng thời kêu gọi Tehran tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ của mình.
"Nếu Iran tuân thủ đầy đủ trở lại các nghĩa vụ của mình theo Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA), Mỹ sẽ làm điều tương tự" - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố.
Theo ông Price, chính quyền Washington sẽ "tham khảo ý kiến với các đồng minh và đối tác của Mỹ, cũng như tham khảo ý kiến của Quốc hội trước khi quyết định sẽ đàm phán trực tiếp vớ Iran và sẵn sàng đưa ra bất kỳ đề xuất nào" - ông Price nói thêm.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price phát biểu tại cuộc họp báo hàng ngày đầu tiên của ông ở thủ đô Washington D.C. Ảnh: AFP
Từ khi chính thức nhậm chức, tân Tổng thống Joe Biden đã bày tỏ sự ủng hộ việc Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015, song vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng Iran phải là bên hành động trước.
Ông Biden tin rằng cựu Tổng thống Donald Trump đã phạm một sai lầm nghiêm trọng khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, một động thái đã khiến Iran trở nên thù địch hơn với Mỹ kể từ khi chính quyền Washington bắt đầu thực hiện chiến dịch "gây áp lực tối đa".
Ngược lại, Iran luôn khăng khăng kêu gọi Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt do cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt trước thì chính quyền Tehran mới rút lại các chương trình hạt nhân của họ.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. Ảnh: REUTERS
Trước đó hôm 1-2, để tìm ra một lối thoát cho bối cảnh bế tắc ngoại giao giữa Washington và Tehran, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã đề xuất để EU phối hợp "đồng bộ hóa" các hành động của Mỹ và Iran.
"Mỹ cần phải tuân thủ các cam kết theo thỏa thuậb và Iran luôn sẵn sàng làm điều tương tự ngay lập tức". - ông Zarif nói với đài CNN.
Tại Brussels, đại diện cấp cao của EU phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell tiết lộ ông đang “cố gắng hết sức làm việc để đưa thỏa thuận trở lại".
“Chúng tôi đang nói chuyện với chính quyền Mỹ để xem liệu các lệnh trừng phạt đó có thể được dỡ bỏ hay không, và xem liệu chúng tôi có thể toàn quyền hỗ trợ việc áp dụng trở lại thỏa thuận hay không” - người phát ngôn Ủy ban châu Âu Peter Stano cho hay.