TBKTSG số 6-2021: Tết mong bình an
Tòa soạn TBKTSG
(TBKTSG Online) - Mời bạn đọc đến với TBKTSG số Tất niên Canh Tý với phong phú các đề tài kinh tế - xã hội thời sự và những trải lòng vào dịp “năm hết Tết đến”, đặc biệt ở thời điểm vừa kết thúc một năm 2020 với biến cố dịch Covid-19 và mở ra cánh cửa cho một năm 2021 khó đoán định nhưng vẫn không thiếu niềm hy vọng.
Giờ thì Tết chỉ mong hai chữ “bình an”! (Châu Phan): Nếu bị cấm tham lam, chỉ được chọn một lời cầu ước duy nhất thì hẳn đó là hai chữ “bình an”.
Tài chính cá nhân trong năm đại dịch (LS. Trương Thanh Đức): Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tài chính cá nhân. Ngay cả những người chẳng hề đầu tư kinh doanh cũng chịu nhiều may rủi.
Có giãn cách thì cũng chớ xa mặt cách lòng! (Trương Trọng Hiểu): Không thể phủ nhận sự phát triển “quá nhanh và quá nguy hiểm” của công nghệ đã tạo nên thói quen không muốn giao lưu trực tiếp ở lớp trẻ thế hệ Z.
Rượu, bia… không say (Khánh Bình): Để ý nghĩa của các buổi gặp gỡ được trọn vẹn và vì sức khỏe, rất mong trào lưu uống thưởng thức sẽ được lan tỏa.
Giá đô la bất ngờ bật tăng - Chỉ là diễn biến nhất thời? (Thụy Lê): tỷ giá giữa đô la Mỹ và tiền đồng trong tháng đầu năm 2021 bất ngờ đảo chiều đi lên. Song chính sách tăng dự trữ ngoại hối và từng bước tự do hóa giao dịch vốn được cho là sẽ giúp giữ ổn định giá trị tiền đồng.
Các hãng tàu không có lỗi (Đặng Dương - Đan Thanh): Thông cáo báo chí của Hội đồng Vận tải biển thế giới khẳng định các hãng tàu không có lỗi trong vấn đề thiếu container rỗng và cước phí vận chuyển leo thang.
Doanh nghiệp FDI báo lỗ: Không thể nói khơi khơi mà phải phân tích (Phan Minh Ngọc): Nhiều doanh nghiệp FDI báo lỗ triền miên dù họ vẫn không ngừng tăng vốn, mở rộng sản xuất và doanh thu tăng qua các năm. Đây là hiện tượng cần được phân tích để tìm ra nguyên nhân đích thực.
Đầu tư chứng khoán: tay chuyên hay tay mơ? (TS. Võ Đình Trí): Ngày 28-1-2021 là một ngày lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam khi có lúc cả 30 mã cổ phiếu của chỉ số VN30 đồng loạt giảm sàn. Đối với nhà đầu tư cá nhân mới tham gia vào những tháng gần đây, đó thực sự là một cú sốc lớn.
Đăng ký kinh doanh - những điều cần bàn (Phan Thị Ngọc Thắng): Một số trường hợp đăng ký kinh doanh qua dịch vụ bưu chính và mạng thông tin điện tử vẫn khiến doanh nghiệp băn khoăn.
Sóng thần phái sinh (Hải Lý): Cần có một sự kiểm tra, giám sát mạnh mẽ hơn hoạt động của công ty chứng khoán bởi nếu không, phái sinh có thể trở thành con dao hai lưỡi, làm méo mó thị trường cơ sở, đặc biệt là VN30.
Nhà đầu tư F0 lần đầu trải nghiệm cảm giác “call margin” (Thanh Thủy): Dòng tiền có xu hướng nghỉ ngơi, được rút ra khỏi thị trường trước khi nghỉ Tết.
Thêm dư địa đi vay cho các công ty chứng khoán (Đăng Linh): Việc nâng tỷ lệ tổng nợ được vay trên vốn chủ sở hữu từ 2 lần lên 5 lần được đánh giá sẽ tăng dư địa cho các công ty chứng khoán mở rộng quy mô hoạt động cho vay chủ chốt.
Doanh nghiệp công bố lãi đậm - giá cổ phiếu vẫn lao dốc (Triêu Dương): Giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận tăng mạnh không tránh khỏi đợt lao dốc của thị trường chung.
Ngành sản xuất ô tô: Tiềm năng trong trung hạn (Linh Trang): Điểm rất đáng khích lệ là quy mô thị trường ô tô Việt Nam đang dần đủ lớn để các nhà sản xuất chuyển dịch từ nhập khẩu sang lắp ráp trong nước.
Du lịch vào đường cùng (Đào Loan): Đợt bùng phát dịch gần đây đã đẩy du lịch vào đường cùng, vì các công ty đã cạn kiệt tài chính sau những bất trắc từ Covid-19.
Ưu tiên nào cho trí khôn nhân tạo?(Hoàng Việt): Ở cấp độ vĩ mô, người ta đặt câu hỏi liệu trí khôn nhân tạo Việt có giúp mở rộng sản xuất, tạo ra những việc làm mới, và giải quyết nạn thất nghiệp hạn hữu?
Trọng tài lao động: Lẽ nào phải “kính nhi viễn chi”? (TS. Lê Thị Ánh Nguyệt): Bộ luật Lao động 2019 cho phép doanh nghiệp và người lao động giải quyết tranh chấp lao động bằng trọng tài lao động. Tuy nhiên, theo pháp luật hiện hành, cơ chế này vẫn còn một số điểm vướng mắc.
Kịch bản nào cho phát triển đồng bằng sông Cửu Long (Võ Hùng Dũng): Với mỗi trong số bốn kịch bản phát triển ĐBSCL, các tiêu chí dân số, kinh tế, đô thị hóa/công nghiệp hóa, tính công bằng năng suất nông nghiệp và môi trường sẽ thay đổi khác nhau.
Khi tin tức có thể gây chết người (Quỳnh Thư): Toàn dân cần nói không với tin giả. Người viết hay phát tán tin giả đều phải bị xử lý thích đáng.
Bỏ phố về quê - chọn lựa nhất thời hay xu hướng? (Nguyễn Minh Hòa): Năm 2020 chứng kiến những dòng người rời bỏ các thành phố lớn để về nông thôn sinh sống. Về quê vì dịch bệnh nhưng liệu họ có quay lại sau khi dịch lắng xuống?
Người rời Paris… (Như Mai): Số người lao động trẻ có gia đình ngày càng rời bỏ Paris trong xu hướng hướng tới các tiêu chí việc làm, chất lượng môi trường sống và giá nhà ở. Việt Nam cũng cần tạo và dịch chuyển việc làm về các thành phố ngoài Hà Nội và TPHCM.
Trung Quốc bắt đầu lo về bong bóng bất động sản (Lạc Diệp): Để ứng phó với nguy cơ bong bóng bất động sản, Trung Quốc đã triển khai hàng loạt các biện pháp nhằm hạ nhiệt thị trường nhà đất trị giá 17.400 tỉ nhân dân tệ (2.700 tỉ đô la).
Khi Robinhood “cướp nghèo giúp giàu” (Hồ Quốc Tuấn): Ứng dụng mua bán cổ phiếu Robinhood đã làm một số người giàu lên, dù một số đông nghèo đi…
GameStop - trò chơi chứng khoán (Nguyễn Vũ): Nhiều yếu tố hội tụ tạo điều kiện cho cuộc đối đầu giữa các tay chơi chứng khoán tài tử và giới cơ đầu cơ sừng sỏ lấy cổ phiếu GameStop làm sàn đấu.
Những ghi chép, tản mạn về Tết: Tản mạn trước giao thừa (Lê Minh Hoan), Tết: một bảo tàng sống động (Lê Hải Đăng), Xóm mới (Vũ Thị Huyền Trang), Tết ở cửa biển sông Đốc (Dương Hoàng Lộc), Ăn Tết sao đây? (Lưu Thị Lương), Bữa ấy mà thành bây giờ (Trần Huy Minh Phương), Nôn nao những chuyến trở về (Phong Dương)…
***
Sau số báo này, TBKTSG sẽ nghỉ Tết Nguyên đán. Trong thời gian đó, mời quý độc giả đọc Giai phẩm TBKTSG Xuân Tân Sửu đã phát hành (được đánh số 7&8-2021). TBKTSG hẹn tái ngộ bạn đọc cùng số báo Tân niên Tân Sửu (số 9-2021) phát hành vào ngày 25-2-2021.
Kính chúc quý vị một Năm Mới dồi dào sức khỏe, bình an, như ý!
Xem thêm: lmth.na-hnib-gnom-tet-1202-6-os-gstkbt/784313/nv.semitnogiaseht.www