Suốt một khoảng thời gian dài vừa qua, chúng ta đã chứng kiến sự khó khăn mà đại dịch Covid-19 gây ra cho người lao động, bao gồm cả những căng thẳng tinh thần trong thời gian giãn cách xã hội và việc gắng sức để cân bằng giữa công việc và cuộc sống khi làm việc từ xa - tất cả đã gây nên những tổn hại nặng nề tới "sức khỏe tinh thần" của người lao động. Vậy, khái niệm này thực tế nghĩa là gì?
Sức khỏe tinh thần không chỉ gói gọn trong phạm vi những rối loạn tâm lý như trầm cảm và lo âu. Khái niệm này đề cập tới trạng thái hạnh phúc tổng thể khi cá nhân nhận ra tiềm năng của chính họ, có thể đương đầu với những căng thẳng bình thường trong cuộc sống, có khả năng làm việc một cách tích cực để đóng góp cho cộng đồng.
Bất cứ ai cũng có thể bị suy giảm sức khỏe tinh thần vào một thời điểm nào đó trong cuộc sống. Tuy nhiên, không dễ để xác định những người đang phải vật lộn với các vấn đề sức khỏe tinh thần vì đó là 'sát nhân thầm lặng', theo lời Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Thực tế, có thể mất nhiều năm trước khi một người cảm thấy thực sự thoải mái để chia sẻ về ‘cuộc chiến’ bên trong họ và khi đó có thể là đã quá muộn.
Chỉ vì các tác động của sức khỏe tinh thần không thể hiện ra bên ngoài, không có nghĩa là chúng không tồn tại. Gần 1 tỷ dân số trên thế giới đang đối mặt với các vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần. Các báo cáo cũng chỉ ra rằng những người mắc bệnh về tinh thần ở mức nghiêm trọng có tuổi thọ ngắn hơn gần 20 năm so với những người bình thường khác.
Tại châu Á - Thái Bình Dương, đây cũng là vấn đề về sức khỏe lớn thứ hai trong khu vực. Kết quả một nghiên cứu ngẫu nhiên trong năm 2019 chỉ ra rằng: tỷ lệ người Việt trưởng thành chịu tổn thương suốt đời liên quan tới bệnh tâm lý là rất cao. Vậy nhưng, sức khỏe tinh thần vẫn còn là chủ đề chưa được quan tâm và nghiên cứu kỹ lưỡng, đối với nhiều người đây vẫn là điều "nhạy cảm" để chia sẻ.
Gần 1 tỷ dân số trên thế giới đang đối mặt với các vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần. Ảnh: Lifespeak
Góc nhìn và cách thức đối phó với vấn đề sức khỏe tinh thần cũng phụ thuộc vào những yếu tố gồm nhân khẩu học, dân tộc và quốc tịch. Do quan niệm "sức khỏe tinh thần kém là một biểu hiện của sự yếu đuối", nhiều người coi thường các vấn đề liên quan tới chủ đề này trong khi một số khác phủ nhận hoàn toàn sự tồn tại của chúng. Cũng bởi định kiến này và chi phí tốn kém xoay quanh chủ đề rối loạn tinh thần, hầu hết những người mắc các vấn đề trên đều không được điều trị.
Do thiếu phương pháp điều trị thích hợp, những cá nhân đó buộc phải giải quyết vấn đề này một mình, dẫn tới một vòng luẩn quẩn của sự căng thẳng và tuyệt vọng. Với tư cách là đồng nghiệp, người sử dụng lao động và nhà lãnh đạo, chúng ta phải nhận thức rõ và trân trọng mỗi cá nhân, đồng thời cần nhạy cảm trước những điều họ đang phải trải qua hằng ngày. Không ai đáng phải đấu tranh một mình với các vấn đề sức khỏe tinh thần.
Sức khỏe tinh thần tại nơi làm việc
Trong bối cảnh Covid-19, gần một phần ba số người lao động phải làm việc từ xa tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương thừa nhận rằng đại dịch đã làm gia tăng tình trạng kiệt sức ở nơi làm việc, góp phần làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng sức khỏe tinh thần toàn cầu. Người sử dụng lao động, vì vậy, phải thừa nhận rằng các vấn đề sức khỏe tinh thần luôn hiện hữu tại nơi làm việc.
Hiện tại, mọi người đang phải làm việc liên tục với tốc độ chóng mặt để đáp ứng tiến độ công việc, một số người thậm chí còn xin nghỉ để làm thêm. Nghiêm trọng hơn, đó là sự thiếu minh bạch trong việc đề cập tới những vấn đề này tại nơi làm việc. Có khoảng 63% nhân viên không cảm thấy thoải mái để tiết lộ với đồng nghiệp rằng họ đã nghỉ làm vì vấn đề sức khỏe tinh thần. Kết quả dẫn tới sự thiếu nhận thức về cuộc chiến mang tên sức khỏe tinh thần mà người lao động đã phải đối mặt trong nhiều năm liền.
Để liên tục thúc đẩy một môi trường làm việc lành mạnh không hề dễ dàng, đặc biệt khi thế giới bước vào thời kì hậu đại dịch và các công ty đang cố gắng hết sức để bắt nhịp trở lại, bù đắp cho khoảng thời gian im ắng vì đại dịch. Dù rằng việc dừng lại một nhịp để nhìn được bức tranh tổng quan nghe có vẻ thiếu hợp lý, đó lại chính xác là những gì chúng ta cần làm.
Ông Jim Falteisek - Giám đốc 3M khu vực châu Á
Bằng cách suy ngẫm về những bài học quan trọng mà năm 2020 đã mang tới, chúng ta nên nhận ra rằng giữa những bất ổn của năm vừa rồi, các đồng nghiệp chính là người đã cùng ta vượt qua cơn bão đó. Họ đã được thử thách, đối mặt và trải qua những khó khăn chưa từng có để rồi vượt qua đại dịch với một tâm thế kiên cường và sức chịu đựng hoàn toàn mới. Nếu không có sự đồng lòng của tập thể, các doanh nghiệp đã không thể sống sót sau đại dịch. Do đó, điểm mấu chốt là phải đặt con người lên ưu tiên hàng đầu.
Thái độ đúng đắn này cho phép chúng ta đảm bảo sự hạnh phúc, sức khỏe và tinh thần của mỗi nhân viên, góp phần mở đường để xây dựng một tương lai việc làm tốt hơn. Đó không chỉ là điều đúng đắn cần làm mà còn thực sự là quyết định khôn ngoan. Một nghiên cứu gần đây do WHO thực hiện ước tính rằng: cứ 1 USD đầu tư vào điều trị các chứng rối loạn sức khỏe tinh thần thường gặp sẽ mang về 4 USD lợi nhuận thông qua việc cải thiện sức khỏe và năng suất.
Mặt khác, có những hệ lụy đáng kể về mặt chi phí sẽ xảy ra nếu như không thể giải quyết các vấn đề sức khỏe tinh thần. Không chỉ tinh thần của người lao động và khả năng giữ chân họ bị giảm sút, các vấn đề sức khỏe tinh thần còn khiến nền kinh tế toàn cầu mất đi 1 nghìn tỷ USD mỗi năm do sự giảm sút năng suất lao động. Sức khỏe tinh thần kém ảnh hưởng đến nhân viên và tất yếu ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Để giải quyết vấn đề này, điều quan trọng là người sử dụng lao động cũng như người lao động phải nhìn nhận sức khỏe tinh thần là một phần không thể tách rời của sức khỏe tổng thể, và nên được quan tâm đúng mực thay vì lơ đãng. Chỉ có như vậy, chúng ta mới chủ động giải quyết triệt để và nâng sức khỏe tinh thần của nhân viên.
5 bước để chăm sóc – điều trị khi gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần
Đầu tiên, bạn đừng ngại nói về chủ đề sức khỏe tinh thần, đặc biệt nếu đó là điều mà bạn chưa từng trải qua. Ban đầu, sẽ luôn có những bối rối và sự ngập ngừng, nhưng đây là một phần của việc học cách đối phó với vấn đề đang ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Điều quan trọng cần nhớ là bạn không đơn độc và khi cởi mở hơn, chúng ta sẽ tìm thấy được nhiều người đã trải qua những vấn đề tương tự.
Tất cả những gì bạn cần làm là dũng cảm thực hiện bước đi đầu tiên và tin tưởng rằng sẽ có những người hỗ trợ mình trong suốt hành trình cải thiện sức khỏe tinh thần. Nếu bản thân bạn chưa từng gặp phải các vấn đề về sức khỏe tinh thần, hãy thử tự tìm hiểu về chủ đề này để có thể trang bị kiến thức tốt hơn và giúp đỡ những người xung quanh mình trong tương lai.
Các nhân viên của 3M đang tham gia chương trình làm việc linh hoạt.
Thứ hai, luôn tìm tới những người xung quanh khi bạn cần hỗ trợ. Ngoài việc có những sự hỗ trợ tốt từ phía gia đình, hãy thẳng thắn với đồng nghiệp và cấp trên của bạn. Tại 3M, nhân viên được khuyến khích thường xuyên trao đổi về cách làm việc họ yêu thích thông qua Chương trình làm việc linh hoạt (FlexAbility), một chương trình khuyến khích sự hỗ trợ hiệu quả từ cấp trên bằng cách thấu hiểu và giúp nhân viên vượt qua những khó khăn hoặc trở ngại có thể gặp phải trong công việc.
Mỗi cá nhân được trao quyền để cùng với đội nhóm, quản lý trực tiếp của mình thảo luận, lựa chọn cách sắp xếp công việc một cách linh hoạt miễn sao hoàn thành công việc và phù hợp với hoàn cảnh cá nhân. Giao tiếp cởi mở là nền tảng giúp cho các mối quan hệ tốt hơn và dẫn đến một quy trình làm việc tốt hơn.
Thứ ba, được truyền cảm hứng và thử các "chiến lược" mới mẻ - cho dù đó là hoạt động thể dục mà bạn luôn muốn trải nghiệm hay phát triển thói quen tập thiền… Học hỏi từ cộng đồng xung quanh thông qua việc tương tác và kết bạn, từ đó bản thân có thể được truyền cảm hứng từ những ý tưởng mới về cách đối phó với căng thẳng.
Ví dụ, để giúp nhân viên ổn định sau đại dịch, 3M đã tổ chức sự kiện online Cuộc sống Thịnh Vượng, giúp người lao động dễ dàng tiếp cận với các nguồn lực giúp ích cho họ về sức khỏe thể chất, tinh thần và cảm xúc.
Thứ tư, nhận biết về các nguồn lực sẵn có: một số công ty như 3M cung cấp các nguồn lực như Chương trình Hỗ trợ Nhân viên (EAP) để hỗ trợ người lao động một cách phù hợp trong suốt sự nghiệp của họ. Chương trình cung cấp đa dạng các dịch vụ hỗ trợ, ví dụ như tư vấn qua điện thoại hay đưa ra lời khuyên dành cho các nhân viên đã lập gia đình về cách cân bằng cuộc sống. Mục tiêu của chương trình này là cho phép nhân viên nhận được sự giúp đỡ trong mọi khía cạnh của cuộc sống khi cần thiết.
Sau cùng, doanh nghiệp – người lao động hãy xem việc chăm sóc sức khỏe tinh thần như là một quá trình liên tục, thay vì chỉ là đích đến cố định. Bằng cách mang lại một môi trường làm việc lành mạnh, các nguồn lực và sự hỗ trợ phù hợp, chúng ta có thể tiến tới xây dựng một nơi làm việc mang tính toàn diện và hợp tác.
Để làm như vậy, chúng ta cần nỗ lực, có ý thức cùng nhau giải quyết vấn đề khi đối diện với thách thức. Sức khỏe tinh thần ảnh hưởng đến tất cả chúng ta và đã đến lúc phải dũng cảm chống chọi mọi khó khăn nếu muốn trở thành những nhà lãnh đạo có trách nhiệm, quan tâm và đồng cảm trong thế kỷ 21.
Jim Falteisek - Giám đốc 3M khu vực châu Á
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị