Chiều cuối năm, cái nắng phương Nam càng trở nên vàng rực. Mọi người hối hả ngược xuôi lo công việc, gia đình… Chiều ấy, TAND quận Cái Răng (TP Cần Thơ) khá đông người tập trung ở hai phòng xét xử vì có mấy vụ án được lên lịch.
Phòng xử trên lầu có lịch xử hai vụ án ly hôn. Sau khi ổn định vị trí, thẩm phán chủ tọa tuyên bố đưa ra xét xử vụ ly hôn giữa nguyên đơn là chị P. và bị đơn là anh T. trước rồi mới đến vụ thứ hai.
Cãi nhau nhưng vẫn ở cùng nhà
Ra trước tòa là một phụ nữ khá trẻ và hiện đại, dù chị đã mang khẩu trang phòng dịch COVID-19 nhưng vẫn không giấu được khuôn mặt, ánh mắt xinh đẹp dưới lớp khẩu trang y tế.
Tòa hỏi: “Hôm nay cũng chỉ có mình chị ra tòa thôi phải không?”. Người phụ nữ quay mặt xuống phía dưới nhìn rồi quay lên đáp “Dạ”. Rồi chị được yêu cầu trình bày lý do ly hôn.
Theo chị, anh chị kết hôn từ năm 2014. Cuộc sống ban đầu rất hạnh phúc nhưng sau đó vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, cãi vã. Vì thế, chị thấy cuộc hôn nhân không còn được như mong ước nên làm đơn xin ly hôn.
Chị bảo chị cũng đi làm, anh cũng đi làm nhưng hễ cứ về đến nhà, nói được vài câu thôi là vợ chồng lại cãi nhau. “Một tháng mà có đến hai mươi mấy ngày cãi nhau thì…” - chị bỏ lửng câu nói.
Trình bày nội dung chính với tòa, chị nói chị xin ly hôn với chồng và xin được quyền nuôi con, không yêu cầu chồng cấp dưỡng. Tài sản và nợ chung cả hai tự thỏa thuận, chị không yêu cầu tòa án xử.
Mới nghe, người ta nghĩ đây đúng là một vụ ly hôn có sự thỏa thuận của những cặp vợ chồng hiện đại, không giằng co, kể tội hay thù ghét gì nhau. Và để hiểu rõ hơn mối quan hệ hiện tại dẫn đến người vợ phải ly hôn, vị hội thẩm đặt câu hỏi rằng anh chị có ly thân không, cháu bé con chung hiện đang ở với ai… Chị trả lời vợ chồng ly thân nhưng anh vẫn sống chung nhà. Anh chị chỉ không ngủ cùng phòng, hai mẹ con ngủ một phòng, anh sang phòng khác ngủ. Chị bảo muốn cho con vẫn có tình cảm đầy đủ của cha mẹ, muốn con vẫn được yêu thương, vẫn có cảm giác trọn vẹn gia đình.
“Vậy tại sao chị lại muốn ly hôn?” - vị hội thẩm bất ngờ đặt câu hỏi.
“Chị còn thương chồng nữa không?”
Câu hỏi của vị hội thẩm được chị trả lời y như lời trình bày lúc đầu, là do mâu thuẫn trong lời nói, rằng “cứ nói vài câu là cãi nhau”. Nhưng chị tuyệt nhiên không kể tội hay nói xấu chồng trước tòa. Trong câu nói của chị, người nghe cảm nhận điều gì đó chưa thật sự rõ ràng, chưa thật sự thuyết phục cho cái nguyên nhân khiến người phụ nữ phải đâm đơn đòi ly hôn để kết thúc mối quan hệ vợ chồng từng được người trong cuộc cảm nhận là “rất hạnh phúc”.
Kết thúc phần trình bày của chị, nữ chủ tọa nói do vắng mặt bị đơn nên sẽ không có phần tranh luận. Chợt vị chủ tọa trầm tư, đưa ra một nhận xét: “Qua theo dõi thì tôi thấy chị vẫn còn tình cảm với chồng chị. Mâu thuẫn của vợ chồng chị chưa đến mức gọi là trầm trọng, như chị trình bày thì chỉ là chuyện cãi nhau”.
Ngừng lại một chút để thăm dò phản ứng của đương sự, vị chủ tọa nói tiếp: “Trong cuộc sống vợ chồng, ai cũng có cái tôi rất lớn nhưng không nên vì cái tôi của mình mà ảnh hưởng đến con cái. Qua cách nói của chị, tôi thấy chị rất thương con, rất mong cho con được đủ đầy tình cảm gia đình. Vậy chị nên suy nghĩ lại rồi rút đơn xin ly hôn để hàn gắn gia đình, tôi tin mọi thứ vẫn còn kịp…”.
Một hội thẩm nhân dân cũng góp lời động viên chị rút đơn. Nhiều người dự tòa phía dưới hồi hộp nhìn người phụ nữ trẻ rồi lại nhìn vị nữ chủ tọa phiên tòa. Thời gian im lặng không dài nhưng người dự khán cảm thấy đủ để mọi sự lắng đọng. Và rồi nữ chủ tọa tiếp tục:
“18 năm công tác, tôi xét xử rất nhiều vụ án ly hôn, tôi nhận thấy ít có người đàn ông nào hạ mình xin lỗi trước. Có nhưng hiếm lắm. Trong khi đó, người phụ nữ lại mềm mỏng hơn, lạt mềm buộc chặt mà. Cho nên tôi nói thật là trong cuộc sống gia đình, người vợ nhiều khi phải chịu thiệt một chút, chịu nhún mình một chút để giữ cho cửa nhà êm đẹp. Tôi biết ai cũng có cái tôi rất lớn, vì cái tôi ấy nên chả ai chịu hạ mình xin lỗi hay làm lành trước với người kia cả. Thôi thì vì con, chị về làm lành với anh ấy trước vậy…”.
Rồi đột ngột, vị thẩm phán lại hỏi nguyên đơn rằng “Chị còn thương chồng không?”.
Nguyên đơn im lặng. Vị thẩm phán “bồi” tiếp: “Chị tự vấn lại xem, cảm nhận lại xem, chị còn thương chồng nữa không, chồng chị còn thương chị không? Nếu còn thì tôi khuyên chị nên rút đơn. Cũng có nhiều người ly hôn rồi lại quay về với nhau và lại đi đăng ký kết hôn trở lại. Ở đây, nếu chị thấy rằng có thể rút đơn để gia đình đoàn tụ thì nên rút, vì một khi đã có bản án ly hôn rồi thì con đường trở lại khá gập ghềnh, bởi lúc đó đã có một vết cứa hằn vào tình cảm hai người. Còn giờ, nếu mình rút đơn thì tòa sẽ đình chỉ giải quyết vụ án, mọi chuyện như chưa hề có cuộc ly hôn nào cả”.
Cuối cùng, người phụ nữ quyết định rút đơn xin ly hôn.
Nhiều người dự tòa thở phào. Và trong niềm vui chung, họ đã bất ngờ vỗ tay mà quên mình đang ngồi ở chốn công đường.
Chia sẻ thêm với nguyên đơn, vị thẩm phán chủ tọa nói: “Cùng là phụ nữ, tôi rất đồng cảm với chị. Tôi đã cùng chị đeo đuổi vụ án này hơn một năm. Tôi biết chị còn tình cảm với chồng nên cố ý nấn ná dời phiên xử nhiều lần để chị suy nghĩ lại mà rút đơn. Và đúng như dự cảm của người phụ nữ, đến hôm nay ra tòa thì chị đã đồng ý rút đơn để gia đình mình được đoàn tụ. Thay mặt HĐXX, tôi xin chúc vợ chồng chị sớm hàn gắn để có được một gia đình thật sự hạnh phúc!”.
Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây: (…) Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan… (Trích khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015) |