Người rời Paris...
Như Mai
(TBKTSG) - Trong một kết quả khảo sát mới đây về các thành phố đáng sống ở Pháp, Paris xếp hạng 18 trong số 20 thành phố lớn nhất của Pháp. Điều này có lẽ gây ngạc nhiên với nhiều người nhưng đối với người Pháp, xu hướng rời Paris, đặc biệt ở nhóm lao động trẻ có gia đình ngày càng tăng từ nhiều năm qua. Nơi an cư mới thường là các thành phố nhỏ ngoại ô Paris và một số thành phố lớn khác.
Môi trường sống ở thành phố nhỏ (ville) Villepreux cách Paris 20 ki lô mét. Ảnh: NHƯ MAI |
Quan trọng là tiêu chí việc làm, chất lượng môi trường, và chất lượng với giá nhà ở
Xếp đầu bảng những thành phố được yêu thích hiện nay là Rennes, Nantes, Strasbourg, Lyon, và Brest. Các tiêu chí được đưa ra khi lựa chọn là chất lượng cuộc sống, việc làm, mức sống, sự năng động của nền kinh tế, hạ tầng và giao thông. Trong số này, quan trọng nhất là việc làm, chất lượng môi trường, và chất lượng với giá nhà ở.
Paris vẫn dẫn đầu về việc làm nhưng các tiêu chí khác không thể bù đắp được để giữ chân nhiều gia đình trẻ. Chính vì vậy các thành phố nhỏ ngoại ô Paris, cách khoảng 30-45 phút ngồi tàu là sự ưu tiên của nhiều người. Thậm chí, ngày càng có nhiều người làm việc ở Paris, nhưng sống cách đó cả 150-200 ki lô mét, di chuyển bằng phương tiện công cộng khoảng 60-90 phút hàng ngày để đến chỗ làm như từ Tours, Rouen.
Để giảm áp lực cho Hà Nội và TPHCM, cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, cần tạo và dịch chuyển việc làm về các thành phố khác. Cùng với đó, cũng phải nâng cao chất lượng cuộc sống, hạ tầng và các dịch vụ tiện ích ở các thành phố này. |
Sống ở các thành phố khác và làm việc ở Paris, cái được lớn nhất là không gian xanh với rừng, công viên, hồ nước, hay thậm chí cánh đồng. Môi trường sống tạo ra sự khác biệt vì chất lượng hạ tầng, giáo dục, y tế, thể thao, giải trí của các thành phố này cũng không khác gì nhiều so với Paris.
Giá cả căn hộ ở Paris thì chỉ có tăng và đã ở mức khá cao, thay vì mua một căn hộ cho gia đình bốn người thì với số tiền đó, có thể có một căn nhà với mảnh vườn ở ngoại ô hay các thành phố xa hơn. Đại dịch Covid-19 khiến phong tỏa kéo dài, làm cho nhu cầu nhà ở có vườn tăng mạnh, vì nhiều người cảm thấy stress khi quanh quẩn trong bốn bức tường.
Để cạnh tranh với Paris, nhiều thành phố lớn khác trên khắp nước Pháp dường như có chung một chiến lược: thu hẹp khoảng cách về việc làm, duy trì khoảng cách về môi trường sống và giá nhà. Chính sách của chính phủ và các vùng địa phương nhằm tăng sự năng động của các hoạt động kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm.
Nhiều tập đoàn lớn có hội sở chính ở Paris nhưng rất nhiều công việc nội bộ (back office) được chuyển về các thành phố khác. Làm như vậy doanh nghiệp vừa giảm được chi phí, Paris được giảm sức ép dân số, đồng thời tạo việc làm và sự năng động cho địa phương khác.
Nhưng để làm được như vậy thì đòi hỏi hạ tầng giao thông kết nối Paris và các thành phố khác phải tiện lợi và nhanh chóng. Nước Pháp có một lợi thế lớn là hệ thống đường sắt và đường cao tốc phát triển cùng với việc quy hoạch đô thị có tầm nhìn và trách nhiệm.
Việc quy hoạch thường theo mô típ tách bạch khu dân cư, khu văn phòng nhà máy, và khu thương mại dịch vụ. Người dân có thể tiếp cận các dịch vụ tiện ích, các cửa hàng nhỏ trong khu phố nơi mình ở, nhưng các trung tâm thương mại, dịch vụ lớn thì phải cách xa các khu dân cư từ 5-10 phút lái xe.
Bên cạnh đó là sự đồng bộ của hạ tầng và các dịch vụ. Hệ thống giáo dục và y tế khá tương đồng ở các địa phương, dù lớn nhỏ ở Pháp. Ở các thành phố lớn đều có cơ sở hạ tầng thể thao, giải trí văn hóa, nếu là các thành phố nhỏ thì một vài thành phố ở cạnh nhau sẽ cùng chia sẻ các cơ sở này với nhau, và về chất lượng thì không chênh lệch bao nhiêu (các thành phố nhỏ gọi là ville, có khi chỉ tương đương một phường/xã ở Việt Nam).
Nhìn về Việt Nam...
Nhìn về Việt Nam, áp lực quy hoạch giảm tải cho Hà Nội và TPHCM đang ngày càng lớn. Nhưng với những gì đang diễn ra, nếu không có sự thay đổi mang tính “cách mạng” thì cái vòng luẩn quẩn càng to và dày đặc.
Đó là việc làm vẫn đổ dồn về hai thành phố lớn này. Các khu đô thị vệ tinh được lập mới nhưng hạ tầng giao thông kết nối với trung tâm không hề tương xứng.
Thử tưởng tượng 45 phút ngồi trên phương tiện giao thông công cộng thoải mái, có thể tận dụng thời gian làm việc thì không thể nào giống như mệt mỏi kẹt xe trong cùng khoảng thời gian như vậy.
Môi trường sống ở các địa phương thì xanh và đỡ ngột ngạt hơn nhưng lại không tạo đủ việc làm để giữ chân hay thu hút người mới. Thêm vào đó, là sự chênh lệch chất lượng của các dịch vụ như y tế, giáo dục, giải trí khiến nhiều người vẫn chấp nhận để cố trụ lại hai thành phố lớn này.
Việc phát triển các khu đô thị vệ tinh bao quanh Hà Nội và TPHCM chỉ hiệu quả trong một giới hạn nhất định, với hạ tầng giao thông kết nối thuận tiện. Nhưng rồi cũng đến lúc chạm tới giới hạn của nó. Vì vậy, một giải pháp bền vững hơn là phát triển đồng bộ các thành phố lớn còn lại.
Và điều kiện quan trọng nhất là phát triển việc làm, tạo một nền kinh tế năng động hơn ở các thành phố lớn khác hiện là trung tâm của các vùng kinh tế. Sự phát triển của hạ tầng công nghệ thông tin, khả năng “làm việc tại nhà” được kiểm nghiệm qua giai đoạn phong tỏa vì đại dịch Covid-19 cho thấy có nhiều loại công việc không nhất thiết tập trung ở hai thành phố lớn nhất cả nước.
Như vậy, để giảm áp lực cho Hà Nội và TPHCM, cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, cần tạo và dịch chuyển việc làm về các thành phố khác. Cùng với đó, cũng phải nâng cao chất lượng cuộc sống, hạ tầng và các dịch vụ tiện ích ở các thành phố này.
Giống như ở Pháp, Paris hấp dẫn hơn ở việc làm nhưng so toàn diện thì lại kém hơn nhiều thành phố khác. Mong rằng ở Việt Nam, sẽ sớm có những cuộc cạnh tranh giữa các thành phố khác với Hà Nội và TPHCM, và người lao động sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn.
Xem thêm: lmth.sirap-ior-iougn/144313/nv.semitnogiaseht.www