Nhập khẩu tăng gần 400%, giá thịt heo có giảm tiếp?
Nam Bình
(TBKTSG Online) - Những ngày cận Tết Tân Sửu, giá thịt heo có xu hướng giảm liên tục, đây là điều trái với quy luật thị trường thông thường. Bên cạnh việc sức mua giảm, một lý do được cho là nguyên nhân giúp hạ nhiệt giá heo là lượng thịt nhập khẩu trong năm 2020 tăng mạnh, đến hơn 380% so với năm 2019.
Cận tết, giá thịt heo tiếp tục giảm
Hồi đầu tháng 1-2020, giá heo hơi bất ngờ tăng cao, có thời điểm lên đến 87.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ cuối tháng 1 đến nay, giá heo hơi đã quay đầu giảm. Đến sáng 8-2 (tức 27 tháng Chạp) tại một số huyện như Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, TP Long Khánh (tỉnh Đồng Nai - địa phương cung cấp hơn 50% sản lượng thịt heo cho TPHCM), giá heo hơi chỉ còn ở mức 76.000 đồng/kg. Các địa phương khác giữ giá 78.000 đồng/kg. Riêng tại huyện Tân Phú và TP Biên Hòa, giá heo hơi ở mức cao hơn, từ 82.000 - 83.000 đồng/kg.
Còn tại Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, giá heo hơi giữ ở mức 78.500 đồng/kg. Giá này đã giảm khoảng 5.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây 1 tuần. Tại Chợ Đầu mối Nông sản Thực Phẩm Hóc Môn, lượng heo hơi về chợ cũng đã tăng mạnh từ sau 25 tháng Chạp, đạt mức 8.300 con. Theo dự báo của một số thương nhân, lượng heo về 2 chợ đầu mối ở TPHCM có thể lên tới 9.000-11.000 con/ngày trong những ngày cận Tết.
Lý giải việc giá heo liên tục giảm dù đã cận tết, trái với quy luật thông thường, ông Nguyễn Trí Công – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng, thông thường, khoảng 1 tuần trước tết, sức mua tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn có thể đạt 10.000 con/đêm. Thế nhưng năm nay, sức mua tăng rất chậm, chỉ quanh mức 6.000 con rồi tăng lên trên 8.000 con.
Giết mổ heo chuẩn bị cho thị trường tết tại Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan). Ảnh: Nam Bình. |
Đến sáng 8-2, sức mua đã tăng lên nhiều hơn nhưng giá heo lại có xu hướng giảm. Một số thương lái mua heo hơi giá 75.000 đồng/kg nhưng đã phải bán ra heo mảnh có lúc xuống mức 80.000 đồng/kg. Coi như lỗ nặng. Vì theo thông thường, từ giá heo hơi phải cộng thêm 15.000 đồng/kg mới ra được giá heo mảnh.
Ngoài ra, nguồn heo trên thị trường đang khá dồi dào giúp giá heo giảm. Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn tranh thủ bán ra dù heo chỉ mới đạt trọng lượng 80 – 90kg/con. Trong khi đó, thời gian qua, nhiều nông dân chọn cách mua heo đã đạt trọng lượng từ 90 – 100kg của các doanh nghiệp rồi về tiếp tục vỗ béo, lên mức 145 – 150kg rồi mới đưa ra thị trường dịp tết (thường được gọi là heo mỡ, hoặc heo quá lứa).
Với loại heo này, trong một tháng có thể tăng thêm 20kg trọng lượng nhưng chi phí đầu tư ít, rủi ro rất thấp vì heo đã trưởng thành, tỉ lệ mắc bệnh không nhiều. Tuy nhiên, loại heo này nhiều mỡ, thịt không ngon. Nếu đưa ra thị trường dịp trước tết khoảng một tháng cho các doanh nghiệp, cơ sở chế biến làm lạp xưởng hoặc một số loại thực phẩm khác thì rất được chuộng. Trong khi cận tết, nhu cầu sử dụng thịt heo thay đổi, người tiêu dùng muốn mua thịt ngon, nhiều nạc nên lượng heo “quá lứa” nêu trên bị dội chợ.
Nhập khẩu thịt tăng đột biến
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2020, Việt Nam đã nhập khẩu 141.140 tấn thịt heo tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (mã HS 0203), trị giá hơn 334,4 triệu USD, tăng hơn 382% về lượng và tăng gần 503% về trị giá so với năm 2019. Trong đó, Brazil, Nga, Canada, Mỹ và Ba Lan là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam trong năm 2020.
Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính tới cuối năm 2020, Việt Nam đã chấp thuận cho 24 quốc gia được phép xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm vào Việt Nam. Trong đó có hơn 800 doanh nghiệp từ 19 quốc gia được xuất khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt heo vào Việt Nam.
Lượng thịt heo nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh trong năm 2020, bao gồm cả thịt heo tươi, thịt đông lạnh, ướp lạnh và heo sống từ Thái Lan. Ảnh: Nam Bình. |
Trong báo cáo tình hình cung ứng hàng hóa chuẩn bị cho Tết Nguyên đán gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Công Thương đề xuất, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và ngành thú y tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm dịch nhập khẩu đối với mặt hàng nhập khẩu thịt heo tươi, ướp lạnh và đông lạnh.
Theo đó, Bộ Công thương đề nghị cơ quan thú y rút ngắn thời gian xem xét hồ sơ đăng ký kiểm dịch tại các cơ quan thú y, đẩy nhanh quy trình lấy mẫu, kiểm tra mẫu và trả kết quả đối với quy trình kiểm dịch cửa khẩu đối với các lô hàng nhập khẩu mặt hàng thịt heo tươi, ướp lạnh và đông lạnh.
Bộ Công Thương cũng kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan yêu cầu các Chi cục Hải quan cửa khẩu tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng thịt lợn tươi, ướp lạnh và đông lạnh…
Trao đổi với TBKTSG Online, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm cung cấp cho TPHCM có trụ sở tại Đồng Nai cho rằng, chính việc đẩy mạnh nhập khẩu thịt heo này đã phần nào giúp hạ nhiệt giá thịt heo trong nước. Đặc biệt là việc nhập khẩu heo sống từ Thái Lan.
Người tiêu dùng chọn mua thịt heo nhập khẩu tại một sạp vỉa hè trên Quốc lộ 1A, đoạn qua phường Bình Chiểu (thành phố Thủ Đức). Ảnh: Nam Bình. |
Tuy nhiên, cũng theo vị này, vì mong muốn nhanh chóng bổ sung nguồn cung cho thị trường nên nhiều lô heo nhập khẩu về Việt Nam không phải cách ly 40 ngày để lấy mẫu, kiểm soát dịch như quy định của ngành thú y. Thay vào đó, thời gian đã rút ngắn còn chỉ vài ngày.
“Điều này giúp cho doanh nghiệp nhanh chóng đưa hàng hóa nhập khẩu ra thị trường nhưng lại đe dọa ngành chăn nuôi trong nước. Vì chẳng may, nguồn heo hơi nhập khẩu mang mầm bệnh và không được kiểm soát chặt sẽ ảnh hưởng lớn tới việc chăn nuôi của bà con nông dân", vị này nhận định.
Xem thêm: lmth.peit-maig-oc-oeh-tiht-aig-004-nag-gnat-uahk-pahn/226313/nv.semitnogiaseht.www