Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2020 đánh dấu 20 năm thành lập và đi vào hoạt động, song cũng lộ ra những bất cập, “điểm nghẽn” trên thị trường cần được khẩn trương tháo gỡ.
T+0: Bao giờ?
Hiện thị trường chứng khoán Việt Nam hoạt động theo qui định T+2, nghĩa là theo nguyên tắc phải 2 ngày sau ngày giao dịch thì cổ phiếu, tiền mới về đến tài khoản của nhà đầu tư.
Tuy nhiên trên thực tế, cuối phiên giao dịch chiều ngày T+2 cổ phiếu mới về đến tài khoản. Cho nên, nhà đầu tư muốn giao dịch cổ phiếu đó thì chỉ có thể thực hiện trong ngày T+3. Điều này thực sự bó tay nhà đầu tư trong nhiều năm qua, và cũng góp phần khiến cho thị trường giảm sự sôi nổi cũng như gia tăng thanh khoản.
Theo Thông tư 120/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính sẽ có hiệu lực từ ngày 15.2 tới, tại Điều 10 qui định, nhà đầu tư được thực hiện các giao dịch trong ngày sau khi kí hợp đồng giao dịch trong ngày với công ty chứng khoán.
Tuy nhiên, đó là hành lang pháp lí cho phép giao dịch T+0. Còn trên thực tế, muốn triển khai giao dịch T+0 đòi hỏi cơ quan quản lí cũng như các đơn vị trực thuộc, các sàn giao dịch và công ty chứng khoán thành viên phải có bước chuẩn bị, đưa ra lộ trình thực hiện và thời điểm áp dụng. Đây chính là những thông tin mấu chốt mà nhà đầu tư đang chờ đợi được chốt một cách rõ ràng trong việc áp dụng.
Khẩn trương giải quyết tình trạng nghẽn giao dịch
Ngày giao dịch T+0 không chỉ đến bây giờ mà đã được cả thị trường trông chờ từ nhiều năm nay, và nó cũng giúp phát triển thị trường chứng khoán mạnh mẽ hơn trong việc huy động vốn cho doanh nghiệp.
Gần nhất trong phiên giao dịch ngày 8.2 khi thị trường giảm điểm mạnh và lực cầu bắt đáy cũng gia tăng mạnh, phiên chiều từ khoảng 13h30 trở đi hệ thống giao dịch điện tử của HoSE lại tiếp tục xảy ra tình trạng nghẽn giao dịch khi thanh khoản trên sàn bước vào cùng 14.000 tỉ đồng.
Và từ khoảng 14h, việc tiếp nhận lệnh giao dịch từ các sàn thành viên gửi đến sàn HoSE trở nên nhỏ giọt. Thời điểm đó thị trường đang thu hẹp đà giảm nhưng với tình trạng nghẽn giao dịch trên sàn HoSE đã hạn chế các lệnh giao dịch mua vào.
Tuy nhiên, theo chia sẻ từ đại diện một công ty chứng khoán tại TPHCM, cho tới thời điểm này sàn thành viên chưa nhận được kế hoạch triển khai giao dịch T+0 từ HoSE. Và cũng theo vị đại diện này, việc áp dụng giao dịch T+0 sẽ giúp gia tăng thanh khoản nhưng với tình trạng hệ thống của HoSE xảy ra tình trạng nghẽn giao dịch "như cơm bữa" thì sẽ hạn chế hiệu quả của giao dịch T+0.
Theo lộ trình được Ủy ban chứng khoán Nhà nước, trong quí I/2021 mà cụ thể là sau Tết sẽ bắt đầu thử nghiệm hệ thống công nghệ mới cho sàn HoSE, và có khả năng phải đến cuối năm 2021 mới đưa hệ thống mới vào hoạt động chính thức.
Nếu theo lộ trình trên thì phải mất khoảng 1 năm để thay thế một hệ thống cũ bất cập bằng một hệ thống mới. Tuy nhiên, trước sự bùng nổ của thị trường chứng khoán trong thời gian qua đang đặt ra một yêu cầu là cần một lộ trình triển khai hệ thống công nghệ mới một cách đột phá hơn, khẩn trương hơn, từ đó có thể sớm đưa hệ thống công nghệ mới vào hoạt động.
Thị trường đã cất tiếng. Vấn đề còn lại là sự thúc đẩy như thế nào từ cơ quan quản lí đến sàn HoSE.
Xem thêm: odl.221978-cot-gnat-gnourt-iht-ed-og-oaht-mos-nac-nehgn-meid-2-naohk-gnuhc/et-hnik/nv.gnodoal