Hy vọng những ngày tháng ảm đạm sẽ qua, một mùa xuân mới sẽ mở ra những trang phát triển với trạng thái “bình thường mới”. Vậy “bình thường mới” là gì, làm sao để thích ứng và phát triển trong thời kỳ mới? PV Báo CAND đã có buổi chia sẻ, trò chuyện về chủ đề “Bình thường mới hậu COVID-19” với TS Nguyễn Đình Cung - chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng.
Hiệu quả phải song hành với an toàn và khả năng chống chịu
PV: Thưa TS, hiện đã xuất hiện khái niệm “bình thường mới”, nhưng để nắm bắt bản chất của vấn đề thì không dễ. Cá nhân ông hiểu về khái niệm này như thế nào?
TS Nguyễn Đình Cung: “Bình thường mới” hiểu đơn giản là những điều khác với những cái cũ. Có thể là những điểm mà trước đây mọi người cho là bất bình thường thì nó sẽ trở nên bình thường. Hoặc cũng có thể là những điều mà trước đây, chúng ta đang phấn đấu để thực hiện thì nay, điều kiện mới bắt buộc chúng ta phải thực hiện nó nhanh hơn, vì nếu không thực hiện, sẽ không thể tồn tại trong thời đại mới. Dịch bệnh đã thay đổi về cấu trúc xã hội. Thay đổi này giống như một thời kỳ mới, không phải thay đổi nhất thời. “Bình thường mới” không phải cái gì cao xa, mà nó là những gì diễn ra xung quanh, từ chính trị ngoại giao, an ninh quốc phòng, kinh tế xã hội, đời sống sản xuất, cách thức tiêu dùng, cách thức sống, y tế, giáo dục… làm sao để thích ứng và phát triển. Khi mình xác định được các yếu tố, sẽ có cách ứng phó.
PV: Vậy, đặc điểm của “bình thường mới” là gì, thưa ông?
TS Nguyễn Đình Cung: Theo tôi, có 5 điểm đặc trưng của “bình thường mới”. Thứ nhất là trước đây, khi làm bất kỳ việc gì, đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh, mọi người sẽ nghĩ đến tính hiệu quả đầu tiên, nhưng bây giờ, phải song song vừa hiệu quả vừa an toàn. An toàn chính là cái mới. Tất cả các hoạt động trong đời sống đều nghĩ đến khía cạnh y tế. Đối với an toàn trong sản xuất, người ta nghĩ đến dòng cung ứng- chuỗi cung ứng để quy trình sản xuất không đứt gãy.
Điểm thứ 2, dịch bệnh là câu chuyện của toàn cầu hóa, không ai đoán trước được, và nó thay đổi, tác động nhanh, quy mô lớn, không phân biệt cường quốc hay nước nhỏ, người giàu hay người nghèo. Trước đại dịch, rủi ro là như nhau, không ai và nền kinh tế nào được “miễn nhiễm”.
Điểm tiếp theo, “bình thường mới” đó là khi cuộc sống đòi hỏi con người, xã hội và từng doanh nghiệp phải rất năng động, linh hoạt, khả năng chống chịu và thích ứng. Những yếu tố đó kết hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nên cách thức tổ chức sản xuất thay đổi, cấu trúc sản xuất thay đổi, cách thức tiêu dùng, cách thức sống thay đổi, chuyển sang số hóa nhiều hơn, online nhiều hơn.
Đặc điểm thứ 5, đó là “bình thường mới” có nhiều yếu tố, phải định hình đặc trưng cơ bản, đối mặt với nhiều rủi ro: dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu. Đây là hệ quả và cũng là đặc điểm của cái gọi là “bình thường mới”.
PV: Vậy chúng ta nên gọi là “bình thường mới hậu COVID” hay “bình thường mới trong thời đại COVID”, thưa ông?
TS Nguyễn Đình Cung: Theo tôi là cả hai. Trong thời điểm hiện nay, khi dịch bệnh vẫn đang tiếp tục hoành hành, thì “bình thường mới” là “sống chung với dịch”, và “chống dịch như chống giặc”, vừa chống dịch vừa phát triển như Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Tuy nhiên, dịch bệnh sẽ không kéo dài mãi, và khi dịch bệnh đi qua, chúng ta sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển trên cơ sở những điều kiện tự nhiên như dịch bệnh, thiên tai… vẫn tiềm ẩn rủi ro.
Tôi lấy ví dụ về lĩnh vực y tế, bên cạnh các công tác chuyên môn, hiện nay, nhiều bệnh viện đang hạn chế việc thăm nom. Theo tôi, đây là điều nên phát huy và duy trì ngay cả khi dịch bệnh COVID-19 đã kết thúc, vì rủi ro về các dịch bệnh, lây nhiễm chéo là luôn hiện hữu, không phải chỉ virus Corona. Hơn nữa, với chính những người nằm viện, việc ít người thăm hỏi sẽ giúp họ có không gian tĩnh dưỡng nhiều hơn, tránh ảnh hưởng tới các bệnh nhân cùng phòng. Chưa kể một lý do rất nhân văn, đó là những người – tôi tạm gọi chung là có mối quan hệ rộng, thường được nhiều người thăm hỏi, gây cảm giác mặc cảm đối với những bệnh nhân ở tỉnh lẻ do điều kiện xa xôi không có người thăm hỏi. Còn về phía người đi thăm, nhiều khi họ đến thăm người bệnh cũng là vì… lợi ích nhất định, không phải tất cả đều xuất phát từ tình cảm. Điều này gây cảm giác vay- nợ vòng quanh.
Chính sách phải thúc đẩy, luật pháp phải thích ứng
PV: Đi sâu hơn về lĩnh vực kinh tế, theo ông, để thích ứng với “bình thường mới”, nền kinh tế sẽ phải thay đổi như thế nào?
TS Nguyễn Đình Cung: Trước tiên, phải thay đổi từ chính sách quốc gia, thay đổi trong định hướng phát triển các ngành kinh tế, cách thức sản xuất, tiêu dùng, mô hình kinh doanh mới, số hóa.
Thực tế, “hậu” dịch bệnh, vấn đề toàn cầu hóa sẽ chậm lại khi mà các chuỗi liên kết, cung ứng bị đứt gãy, các nước có những chính sách mới về công nghiệp hóa, thúc đẩy việc dịch chuyển và cơ cấu lại, chuyển sản xuất về gần hơn với người tiêu dùng, tránh phụ thuộc quá mức vào một nguồn cung. Lúc đó, cần phải dừng lại để xem lại những mặt hàng thiết yếu của cuộc sống, những thế mạnh, an toàn cuộc sống quốc gia. Ví dụ EU tuyên bố xây dựng chiến lược công nghiệp mới nhấn mạnh về thiết bị y tế, thuốc men… là tự chủ động cung cấp, không phụ thuộc vào bên ngoài.
Cùng với đó, xây dựng nền kinh tế có sức chống chịu; hợp tác song phương, hợp tác theo nhóm sẽ mạnh, chặt chẽ hơn, thay thế cho vai trò của thương mại toàn cầu; các khối mang tính chất đối tác, an ninh hơn, có những yếu tố bất định để tin cậy hơn, hơn là một tổ chức rộng lớn.
PV: Ý ông là thay vì dàn trải thì các đối tác sẽ co cụm lại, chặt chẽ hơn, an toàn để mạnh hơn?
TS Nguyễn Đình Cung: Không hẳn là co cụm, nhưng phải dựa trên cơ sở của những đối tác tìm thấy sự thích ứng hơn. Tương tự, Chính phủ sẽ phải thay đổi, kết hợp với số hóa linh hoạt hơn, phối hợp chiều ngang nhiều hơn, năng lực công cụ quản lý nhà nước thay đổi. Ví dụ như mô hình kinh doanh của Grab, sắp tới sẽ xuất hiện nhiều hơn, phổ biến hơn cách thức làm việc phi hợp đồng, làm việc online, mang tính chất chuyên môn hơn, trí tuệ hơn, đặc biệt trong các ngành dịch vụ; kinh tế chia sẻ sẽ nổi lên mạnh mẽ hơn.
Với thực tế này, cách thức quản lý sẽ phải đổi mới, tư duy mới, nếu không, một là anh kìm hãm, hai là anh không nắm bắt được cơ hội phát triển. Một điển hình trong lĩnh vực tài chính đó là thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2020, số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đều tăng trưởng mạnh, tương ứng 75,2% và 30% so với cùng kỳ năm 2019; đặc biệt là số lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng mạnh, tương ứng gần 125% và 130%. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá, COVID-19 đã thúc đẩy nhận thức chuyển đổi số của ngành này nhanh hơn từ 3-5 năm, tạo bước nhảy vọt cho thanh toán số.
Tuy nhiên, hiện nay mua bán trên mạng mới chỉ là những khoản hàng hóa giá trị nhỏ, tiêu dùng cá nhân. Sau này sẽ phải giao dịch những khoản lớn, các mặt hàng phức tạp. Nếu không có những nền tảng an toàn thì sẽ không thể thực hiện được. Chính sách phải thúc đẩy, luật pháp phải thích ứng.
PV: Nhưng quan trọng, tự thân doanh nghiệp cũng phải thay đổi, thưa ông?
TS Nguyễn Đình Cung: Doanh nghiệp phải thay đổi cách thức tổ chức sản xuất, tự động hóa, số hóa. Chuyển đổi số thời gian vừa qua nhanh hơn dự tính khi chưa có dịch COVID. Một thống kê cho thấy trước khi COVID-19 bùng phát, chỉ 20% doanh nghiệp để ý đến chuyển đổi số. Sau 6 tháng, có đến hơn 70% doanh nghiệp chú ý đến quá trình này và trên 50% đang thực hiện. Họ nhận ra, COVID-19 là thách thức, cũng như cơ hội để thực hiện chuyển đổi số. Cơ hội để đào thải những doanh nghiệp không thích ứng. Giống như tự nhiên, nếu anh tồn tại được thì sẽ phát triển, còn không sẽ phải nhường cơ hội cho người khác.
Có một điều tôi thấy đó là thời gian qua, có vẻ doanh nghiệp nhỏ có khả năng thích ứng hơn, thay vì bán hàng truyền thống bó hẹp, họ bán hàng online, tham gia thế giới phẳng, tiếp cận khách hàng toàn cầu. Tôi đang nói đến tính linh hoạt và khả năng thích ứng. Khó khăn vừa qua đã làm lộ ra một số mô hình kinh doanh quá cũ kỹ, cồng kềnh, không thể thích ứng được nên phải thay đổi; buộc doanh nghiệp năng động, linh hoạt, nhạy bén, vừa hiệu quả, vừa an toàn. Điều quan trọng là thể chế phải thay đổi để bắt kịp xu thế, nuôi dưỡng, khuyến khích, thúc đẩy sáng tạo để những ngành nghề mới xuất hiện, cách thức tổ chức sản xuất mới xuất hiện và phát triển. Bên ngoài thay đổi thì bên trong cũng phải thay đổi.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Trong thời điểm hiện nay, khi dịch bệnh vẫn đang tiếp tục hoành hành, thì “bình thường mới” là “sống chung với dịch”, và “chống dịch như chống giặc. TS Nguyễn Đình Cung |
Xem thêm: /430926-iom-gnouht-hniB-ev-gnud-ueiH-TET/us-ioht-yan-moh-ed-naV/nv.moc.dnac