Hãng tin Reuters dẫn thông cáo chung ngày 21-2 của quân đội Ấn Độ và Trung Quốc cho biết hai bên đã hoàn thành việc rút binh sĩ và khí tài khỏi các điểm chiến lược xung quanh hồ Pangong thuộc khu vực thung lũng Galwan, phía đông vùng Ladakh đang tranh chấp.
Các hình ảnh do Ấn Độ cung cấp cho thấy phía quân đội Trung Quốc nhiều ngày qua đã tiến hành tháo dỡ hoàn toàn các lô cốt và bao cát tại các điểm phòng thủ. Xe tăng hai bên cũng được trông thấy di chuyển khỏi căn cứ quân sự để quay về hậu phương.
Binh sĩ Trung Quốc tháo dỡ các lô cốt quân sự xung quanh hồ Pangong ngày 18-2. Ảnh: Quân đội Ấn Độ/AP
"Đây là một bước tiến quan trọng tạo cơ sở tốt đẹp để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng khác về vấn đề biên giới của hai nước" - thông báo nêu rõ. Hiện Ấn Độ và Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì hiện diện tại một số điểm chiến lược khác dọc biên giới như Hot Springs, Gogra Post và khu vực Depsan.
Đáng chú ý, động thái rút quân cũng diễn ra chỉ một ngày sau khi cuộc đối thoại hoà bình lần thứ 10 cấp quân đoàn giữa tướng lĩnh Ấn - Trung kết thúc.
Dù chưa rõ kết quả cuộc đối thoại như thế nào nhưng việc hai bên đồng ý rút quân cho thấy có thể sự kiện đã kết thúc tốt đẹp. Thông cáo chung nói trên cũng có nội dung để ngỏ khả năng hai bên tiếp tục đàm phán trong tương lai, nhấn mạnh là hai nước luôn cùng tìm kiếm đồng thuận và giải pháp có lợi nhất cho đôi bên.
Theo tờ South China Morning Post, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ từ năm 1962 đã liên tục xảy ra các vụ đụng độ đẫm máu, cả hai cáo buộc bên còn lại gây hấn trước.
Căng thẳng nghiêm trọng gần đây nhất bắt đầu vào tháng 4-2020 khi Ấn Độ cáo buộc binh sĩ Trung Quốc vượt biên giới và xâm nhập sâu vào khu vực Ladakh do Ấn Độ kiểm soát.
Một vụ đụng độ sau đó tiếp tục xảy ra tại thung lũng Galwan vào tháng 6 khiến hàng chục binh sĩ thiệt mạng và thương vong, theo truyền thông Ấn Độ.
Ấn Độ và Trung Quốc lập tức phản ứng bằng cách dồn quân về khu vực biên giới, triển khai nhiều khí tài hạng nặng như xe tăng, pháo binh và xe bọc thép. Các động thái làm dấy lên lo ngại sẽ có xung đột bùng nổ giữa hai cường quốc hạt nhân.
Đến ngày 19-2, chính quyền Trung Quốc mới chính thức thừa nhận mất bốn binh sĩ trong vụ đụng độ nhưng tiếp tục phủ nhận việc xâm nhập biên giới Ấn Độ, cáo buộc New Delhi khiêu khích trước.