Hàng nghìn tấn nông sản đang trong vụ thu hoạch, lẽ ra sẽ được xuất khẩu nhưng đang phải chờ vào hoạt động giải cứu tự phát của người dân và một số chuỗi bán lẻ.
Chiều 24/2, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Sở N&PTNT) Hải Dương cho biết, tới nay lượng nông sản toàn tỉnh mới tiêu thụ được hơn 60%. Theo ông Quân, việc tiêu thụ vẫn gặp nhiều khó khăn do sự kiểm soát khắt khe trong phòng chống dịch của các tỉnh, thành phố lân cận, nhất là Hải Phòng.
Theo ông Phạm Thanh Hải, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hải Dương, rau màu vụ đông cùng kỳ năm 2020 của tỉnh trị giá khoảng 4.300 tỷ đồng. Năm 2021, dự kiến năng suất cao hơn, song do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên đến 15/2 toàn tỉnh mới tiêu thụ được 50% sản lượng. Từ đó đến nay, việc tiêu thụ vô cùng khó khăn.
Hải Dương là tâm dịch của đợt bùng phát Covid-19 đầu năm 2021. Đầu tháng 2, lãnh đạo tỉnh này liên tục có công văn gửi các địa phương, đặc biệt, có ít nhất 4 lần gửi đến Hải Phòng và Bộ Công Thương đề nghị tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vận chuyển hàng hoá. Đặc biệt, ngày 16/2, Hải Phòng quyết định dừng tiếp nhận không chỉ công dân mà cả hàng hoá từ tỉnh này trong thời gian giãn cách xã hội.
Ngày 21-22/2, Hải Dương đề xuất tập trung các lái xe có kết quả âm tính, hàng hoá tại chốt kiểm dịch giáp ranh hai tỉnh, sau đó tiến hành trao đổi. Tuy nhiên, lãnh đạo Hải Phòng cho rằng chốt kiểm soát chật hẹp, không thể để các xe tập kết, doanh nghiệp thành phố này cũng không chấp nhận giao đổi xe. Hải Phòng vẫn khẳng định quan điểm "không ngăn sông, cấm chợ" nhưng phải có phương án hợp lý, tránh bùng dịch.
Ngày 23/2, UBND TP Hải Phòng có văn bản hỏa tốc, bỏ điều kiện "có giấy xác nhận của CDC Hải Dương" đối với kết quả xét nghiệm của lái xe, phụ xe từ Hải Dương xuống thành phố này.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Công Thương Hải Dương cho biết, sáng 24/2, vẫn nhận được phản ánh bằng hình ảnh một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu cho hay xe từ Hải Dương đi xuống Hải Phòng khi tới chốt kiểm soát trên quốc lộ 5 Hải Dương - Hải Phòng phải quay về. Đường tới cảng Hải Phòng vẫn rất xa.
Những xe vận chuyển hàng hóa muốn vào Hải Phòng buộc phải qua quốc lộ 38B để đi trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Cung đường xa ảnh hưởng đến vận chuyển hàng hóa, khiến công tác kiểm soát, phòng chống dịch tại chốt kiểm soát ở nút giao đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với quốc lộ 38B thêm nhiều khó khăn, ùn tắc kéo dài.
Ông Hải tỏ ra không hài lòng khi Hải Phòng có sự "phân biệt" hàng hóa: Chỉ cho hàng công nghiệp, xuất khẩu được lưu thông, còn hàng nông sản bình thường không được đi qua đây.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hải Dương, 80% sản phẩm nông sản của tỉnh này chủ yếu xuất khẩu và tiêu thụ ngoài tỉnh. Trong đó, với nông sản vụ Đông, hầu hết phải qua Hải Phòng xuất sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan theo các hợp đồng đã ký kết từ nay đến cuối tháng 2. Khó khăn trong lưu thông hàng hóa qua Hải Phòng sẽ khiến hàng không được bàn giao đúng thời hạn hợp đồng. Điều này không những gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với nông dân, DN mà còn ảnh hưởng tới uy tín của hàng nông sản Việt Nam.
Trên Vnexpress, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) đánh giá, việc Hải Phòng cấm hàng hoá lưu chuyển từ Hải Dương là vô lý. Theo ông, quyền tự quyết phong toả ở các địa phương là khái niệm hẹp, trong địa bàn quản lý, còn với những vấn đề liên tỉnh, ví dụ như với tuyến đường 5 có tính chất kết nối quan trọng, vẫn cần có sự điều phối từ Chính phủ. Do vậy, Chính phủ cần sớm có chỉ đạo để điều phối cho các tỉnh, tránh để tình trạng như hiện nay các địa phương có một cách hiểu, cách phòng dịch khác nhau.
"Cách làm của các Bộ, ngành vừa rồi là chỉ đưa ra hướng dẫn, còn lại, trao quyền cho các địa phương quyết định việc phong toả để chống dịch. Nhưng nếu có phần chia sẻ trách nhiệm, hỗ trợ từ các Bộ, ngành, cách thức xử lý sẽ hiệu quả hơn", ông Đồng nói. Hiện lãnh đạo địa phương đang bị gắn trách nhiệm trong việc kiểm soát dịch, hình sự việc vi phạm nếu có, dẫn đến làm mạnh tay để triệt tiêu rủi ro.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nông sản Hải Dương có 80% là cà rốt, bắp cải, su hào... để xuất khẩu, chứ không phải tiêu thụ nội địa, phụ thuộc chính vào các cảng biển Hải Phòng. Thế nhưng, động thái của Hải Phòng mấy ngày qua cho thấy vẫn có yếu tố "ngăn sông cấm chợ" đối với phương tiện đi mỗi cao tốc, doanh nghiệp phải tốn thêm chi phí ít nhất 1 triệu đồng/chuyến xe.
Theo ông Nguyễn Quang Đồng, nên thành lập một tổ chuyên trách với thành viên đến từ các Bộ để nắm vấn đề sâu sát tại các địa phương. "Hiện chỉ có Bộ Y tế là thường trực, bộ ngành khác liên quan đến kinh tế hầu như chưa có được sự sát sao với các địa phương bị dịch", ông bình luận. Trong khi đó, ngành y tế sẽ không thể nào nắm được các thông tin liên quan đến hàng hoá, nông sản, những rủi ro kinh doanh trên địa bàn, dẫn đến việc không điều phối được chính sách liên ngành giữa y tế và kinh tế.