Vận chuyển thùng hàng chứa lô vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên về Việt Nam vào kho bảo quản tại Trung tâm tiêm chủng cho trẻ em và người lớn (VNVC) chiều 24-2 - Ảnh: NHẬT THỊNH
Giờ này năm ngoái, tôi bắt đầu nhận ra rằng COVID-19 sẽ làm gián đoạn đáng kể cuộc sống của chúng ta. Thời điểm đó, vợ tôi vừa bay từ London sang Hà Nội và chỉ vài ngày sau, chúng tôi được thông báo về một số trường hợp dương tính với COVID-19 trên chuyến bay.
Vợ tôi phải cách ly trong hai tuần (thật may mắn, cô ấy không nhiễm bệnh). Những gì có vẻ là một phản ứng quá mạnh khi đó, bây giờ nhìn lại đúng là một biện pháp sức khỏe cộng đồng vô cùng hợp lý và bình thường.
Kỷ lục phát triển vắcxin
Tháng 1-2020, các nhà khoa học Trung Quốc công bố trình tự gen của virus corona. Vào thời điểm đó, các nhà khoa học tại Oxford (Anh) đã sẵn sàng hành động. Bởi lẽ họ đã gây dựng và chuẩn bị từ nhiều năm trước đó việc sử dụng một nền tảng vắcxin có sẵn, an toàn và hiệu quả để đối phó với một đại dịch trong tương lai được giả định là bệnh X.
11 tháng sau, vắcxin được điều chế bởi Đại học Oxford và Công ty dược phẩm AstraZeneca đã trải qua các thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt và được Vương quốc Anh phê duyệt để đưa vào sử dụng. Gần đây, vắcxin này đã được Tổ chức Y tế thế giới cho phép phân phối toàn cầu.
Thông thường một vắcxin phải mất cả một thập kỷ để phát triển và triển khai. Tốc độ phát triển vắcxin Oxford/AstraZeneca và một số loại vắcxin phòng COVID-19 khác trong thời gian gần đây là một kỷ lục và là một thành tựu lớn của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Có được điều này, chúng ta ghi nhận nỗ lực toàn cầu với sự đồng lòng đóng góp của các bác sĩ, nhà nghiên cứu, nhân viên y tế tuyến đầu và sự đầu tư của các chính phủ.
Đại sứ Anh tại Việt Nam GARETH WARD
Không quốc gia nào an toàn...
Thách thức tiếp theo là đảm bảo rằng chúng ta có các chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng đủ mạnh để phân phối và phục vụ nhu cầu tiêm chủng hàng loạt trên toàn cầu. Cần phải có sự hợp tác quốc tế trên quy mô chưa từng thấy để đảm bảo rằng các quốc gia có ít nguồn lực hơn không bị bỏ lại phía sau trong công cuộc tiêm chủng này. Đây không chỉ là điều đúng đắn cần làm mà còn rất quan trọng để ngăn chặn việc một quốc gia không được tiếp cận với vắcxin trở thành một điểm nóng có thể gây ra các đợt bùng phát hoặc đột biến của virus trong tương lai.
Trong đại dịch này, sẽ không có quốc gia nào được an toàn cho đến khi tất cả các quốc gia đều an toàn. Đây là lý do vì sao Vương quốc Anh là một trong những nhà tài trợ hàng đầu cho COVAX - cơ chế đa phương toàn cầu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chủ trì nhằm giúp tất cả các quốc gia tiếp cận vắcxin COVID-19.
Việt Nam cũng đã sẵn sàng nhận những liều vắcxin Oxford/ AstraZeneca thông qua COVAX. Trong tuần qua, Việt Nam đã công bố danh sách các nhóm ưu tiên tiêm vắcxin và hiện đang nỗ lực với tốc độ ấn tượng để thực hiện kế hoạch tiêm chủng cho 80% dân số với nguồn vắcxin quốc tế và nội địa.
Dữ liệu ban đầu cho chúng ta thấy rằng vắcxin đang giúp đẩy lùi COVID-19. Tại Vương quốc Anh, hơn 17 triệu người đã nhận được ít nhất một liều vắcxin với kế hoạch tiêm chủng cho tất cả người lớn trước cuối tháng 7-2021. Số trường hợp mắc COVID-19 mới, phải nhập viện và tử vong do COVID-19 ở Anh đang giảm.
Vương quốc Anh đang ưu tiên những nhóm người lớn tuổi và dễ bị tổn thương về mặt sức khỏe, cùng với nhân viên y tế và nhân viên tuyến đầu. Tôi cảm thấy may mắn và phần nào nhẹ nhõm khi bố mẹ tôi cũng đã được tiêm liều vắcxin đầu tiên.
Mặc dù vắcxin sẽ là một phần quan trọng của chiến lược phục hồi toàn cầu sau COVID-19, khả năng chúng ta có thể loại bỏ hoàn toàn virus corona có lẽ sẽ không cao. Để duy trì hiệu quả của vắcxin, điều cần thiết là xác định và chia sẻ thông tin về các biến thể mới của virus càng sớm càng tốt.
Chúng tôi tin rằng việc chia sẻ dữ liệu một cách minh bạch sẽ thúc đẩy năng lực của thế giới trong việc cập nhật vắcxin để đáp ứng với các biến thể mới. Việt Nam cũng có vai trò của mình trong lĩnh vực này. Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford (OUCRU) đang hợp tác với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM trong việc giải trình tự gen.
Nhìn xa hơn, có một thực tế khó khăn là COVID-19 không phải là mối đe dọa duy nhất mà chúng ta đang phải đối mặt trong an ninh y tế toàn cầu. Các bệnh truyền từ động vật sang người chiếm 75% trong số các bệnh truyền nhiễm mới nổi và trong vòng hai thập kỷ qua, đã gây ra các đợt bùng phát như SARS, H1N1, MERS và Ebola. Vương quốc Anh cũng có các chương trình hợp tác hỗ trợ Việt Nam mở rộng việc giám sát mầm bệnh, đảm bảo chăn nuôi bền vững và ngăn chặn nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã.
Việt Nam đã thể hiện một cách ấn tượng quá trình ngăn chặn COVID-19, giảm thiểu được tác động đến sức khỏe và sinh kế của người dân. Trong năm Tân Sửu, chúng ta có thể đảm bảo rằng việc tiêm phòng vắcxin sẽ góp phần đẩy lùi virus corona. Đồng hành cùng nhau trong quan hệ đối tác, Vương quốc Anh và Việt Nam có thể cùng đóng góp vào mục tiêu đảm bảo an ninh y tế toàn cầu, đổi mới sáng tạo và tăng trưởng bền vững.
TTO - Từ hôm nay, Tuổi Trẻ phát động chương trình "Cùng Tuổi Trẻ góp vắcxin COVID-19" để tạo thêm nguồn lực tài chính trang trải cho chi phí về vắcxin và tiến tới bảo đảm đủ vắcxin để phòng chống dịch bệnh lâu dài cho toàn dân.