Ghi nhận tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, mấy ngày nay, giá củ cải chỉ còn 1.000 đồng/kg. Giá rẻ là vậy nhưng vẫn không có người mua. Các loại rau quả khác giá cũng xuống dốc không phanh khiến người dân phải ngậm ngùi nhổ bỏ. Có những gia đình gần như mất trắng. Được biết, nguyên nhân là do thị trường chính của nông sản Tráng Việt là Hà Nội, khi các nhà hàng, quán ăn, trường học vẫn đóng cửa nên đầu ra đang gặp khó.
Trước tình hình trên, huyện đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ bà con nông dân liên kết tiêu thụ.Theo lãnh đạo huyện Mê Linh, đến ngày 25/2, tổng diện tích gieo trồng vụ xuân 2021 trên địa bàn huyện khoảng 5.900ha. Trong đó, cây lúa là 3.800ha; cây rau các loại khoảng 355ha trồng tập trung chủ yếu ở các xã Tiền Phong, Tiến Thắng…; hoa các loại khoảng 670ha, trồng tập trung tại các xã Mê Linh, Văn Khê…; cây trồng khác khoảng 1.100ha. Ngoài ra, diện tích rau các loại vụ đông năm 2020 đang trong giai đoạn thu hoạch khoảng 700ha, sản lượng khoảng 14.500 tấn.
Tại vùng chuyên canh rau tại thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ), đại diện Hợp tác xã rau, quả sạch Chúc Sơn cho biết, hiện giá rau giao bán tại ruộng giảm sâu. Cụ thể, giá bắp cải chỉ còn 1.000- 1.500 đồng/kg, su hào 500- 700 đồng/củ; súp lơ 2.000- 3.000 đồng/chiếc… sức tiêu thụ rất chậm. Hợp tác xã xác định, một số diện tích rau ăn lá giá trị thấp sẽ bỏ không thu hoạch, cho cày xới để làm phân xanh, cải tạo đất và bắt tay vào chuẩn bị xuống giống rau vụ xuân hè.
Tương tự tại quận Bắc Từ Liêm, trước việc tiêu thụ hành lá gặp khó khăn, UBND phường Liên Mạc cùng HTX Yên Nội đã chủ động liên hệ với các thương lái để thu mua với giá từ 2.500 – 3.000 đồng/kg, trung bình mỗi ngày thu mua từ 5 – 10 tấn. Ước tính chỉ trong vài ngày sẽ tiêu thụ hết số hành lá trên địa bàn.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan đề nghị các địa phương bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm với các sản phẩm thu hoạch. Sản phẩm nào không đạt yêu cầu phải tiêu hủy theo đúng quy trình, tránh trường hợp vứt bỏ giữa cánh đồng gây hiểu lầm trong dư luận.
Lãnh đạo Sở Công Thương đề nghị UBND các quận, huyện có nông sản ùn ứ khẩn trương cung cấp đầu mối các mặt hàng có giá bán thấp trên địa bàn để từ đó, Sở Công Thương sẽ kết nối với các đơn vị doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất, chợ đầu mối… để hỗ trợ hướng ra cho nông sản. “Làm thế nào để đẩy giá bán nông sản lên cho bà con đỡ thiệt thòi”, bà Lan nói.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở cũng lưu ý: Về lâu dài để tránh tình trạng phải “ giải cứu” nông sản trong những vụ thu hoạch sắp tới, các địa phương phải chủ động làm việc, thông tin tới các đơn vị phân phối về sản lượng, giá, nhu cầu để hai bên kết nối, tiêu thụ ổn định và lâu dài. Đồng thời nắm bắt diễn biến thị trường để có kế hoạch sản xuất phù hợp thực tế, không để dư thừa nông sản, gây lãng phí của cải xã hội. Cần xem xét đầu tư xây dựng hoặc liên kết với các đơn vị sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch.
Trần Hoàng
Tiền Phong
Xem thêm: nhc.3924528082201202-uuc-iaig-nac-gnuc-ion-ah-nas-gnon/nv.zibefac