Theo VPCP, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 13 về phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1, Bộ GTVT tổ chức bốn hội thảo để lấy ý kiến các cơ quan, địa phương, chuyên gia và nhà khoa học. Kết quả các cuộc hội thảo và ý kiến góp ý chưa đạt được sự đồng thuận về vấn đề tách luật và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Đường bộ, thẩm quyền của thanh tra giao thông…
Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã thống nhất với Bộ Công an phân định rõ phạm vi, bảo đảm không chồng chéo, trùng lắp giữa dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn GTĐB.
Bộ GTVT thống nhất với Bộ Công an quan điểm xây dựng thành hai luật là Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn GTĐB là phù hợp với chủ trương, quan điểm của Chính phủ và phù hợp với đề xuất tiếp thu, chỉnh lý đối với vấn đề phạm vi điều chỉnh nêu trên. “Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn vẫn còn ý kiến khác nhau, do vậy sau khi Chính phủ thông qua, hai bộ cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông để tạo sự đồng thuận cao hơn…” - VPCP nêu quan điểm.
Về thẩm quyền đào tạo, sát hạch và cấp GPLX, VPCP cho biết Bộ GTVT cho rằng trường hợp nghiên cứu cơ chế phối hợp theo chỉ đạo của Nghị quyết 13 của Chính phủ, Bộ GTVT kiến nghị Bộ Công an tham gia giám sát toàn bộ các khâu của quá trình đào tạo, sát hạch và cấp GPLX.
Cạnh đó, Bộ Công an đề xuất chưa thay đổi cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp GPLX do tại các cuộc hội thảo còn nhiều ý kiến khác nhau nên cần tiếp tục tổng kết, đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện và nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. Bộ Công an tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT tổng kết, đánh giá tác động đầy đủ, nghiên cứu cơ chế phối hợp theo hướng để Bộ Công an tham gia giám sát công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, bảo đảm có sự phối hợp, kiểm soát quyền lực chặt chẽ.
“Trên cơ sở thống nhất của Bộ GTVT và Bộ Công an về vấn đề này, VPCP thống nhất với đề xuất của Bộ Công an. Tuy nhiên, đây là vấn đề còn ý kiến khác nhau, do vậy sau khi Chính phủ thông qua, hai bộ cần tiếp tục truyền thông tạo sự đồng thuận cao về vấn đề này…” - VPCP nêu quan điểm.
Về thẩm quyền của thanh tra đường bộ, VPCP cho rằng quy định hiện hành cho phép lực lượng thanh tra giao thông dừng phương tiện giao thông và yêu cầu người điều khiển phương tiện thực hiện các biện pháp để bảo vệ công trình theo quy định của pháp luật. Kế thừa luật hiện hành, dự thảo Luật Đường bộ quy định theo hướng thanh tra đường bộ được dừng phương tiện để bảo vệ kết cấu hạ tầng GTĐB trong một số trường hợp.
Theo đó, VPCP đề nghị không quy định về thanh tra đường bộ trong dự thảo Luật Đường bộ. Việc tổ chức và hoạt động của thanh tra đường bộ sẽ do Chính phủ quy định theo thẩm quyền, phù hợp với Luật Tổ chức Chính phủ và pháp luật về thanh tra.